Bắc Cạn viết tiếp truyền thống cách mạng

Hòa chung không khí phấn khởi những ngày tháng tám lịch sử trên cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Cạn đang thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng tỉnh (24-8-1949 - 24-8-2019). Viết tiếp truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ tỉnh cùng nhân dân đã nỗ lực khắc phục khó khăn, xây dựng tỉnh ngày càng phát triển.

Nông dân huyện Chợ Mới thu hoạch lúa bằng máy gặt, đập liên hợp.
Nông dân huyện Chợ Mới thu hoạch lúa bằng máy gặt, đập liên hợp.

Tháng tám lịch sử

Việt Bắc là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là căn cứ địa, “chiếc nôi” cách mạng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, mảnh đất này được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm nơi xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Nằm sâu trong lòng Việt Bắc, Bắc Cạn được chọn là nơi đứng chân an toàn cho nhiều cơ quan trung ương.

Sau thất bại trong cuộc tiến công lên căn cứ địa Việt Bắc năm 1947, thực dân Pháp chuyển hướng chiến lược từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh lâu dài” với chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, “dùng người Việt đánh người Việt”. Chúng đóng quân, củng cố năm cứ điểm dọc quốc lộ 3, gồm: thị xã Bắc Cạn, thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông), Nà Phặc, Vân Tùng và Bằng Khẩu (Ngân Sơn). Ngoài ra, chúng còn lập thêm nhiều đồn, bốt ở Nà Cù (Bạch Thông), Bành Trạch (Chợ Rã), Lủng Vài, Lủng Phải, Mèo Đăm (Ngân Sơn). Tại thị xã Bắc Cạn, chúng duy trì lực lượng khoảng 500 tên cùng 200 lính chốt ở Phủ Thông, Nà Phặc, Ngân Sơn và 600 tên ở Bằng Khẩu.

Chủ động ứng phó với tình hình mới, tháng 2-1948, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Cạn tổ chức hội nghị quân sự toàn tỉnh ở Thượng Minh, Chợ Rã (nay là xã Chu Hương, Ba Bể), quyết định: củng cố dân quân, du kích, xây dựng bộ đội chủ lực, mở chiến dịch đánh mạnh trên các trục đường, cô lập các cứ điểm, đặc biệt là ở Phủ Thông, thị xã Bắc Cạn; kết hợp tiến công quân sự với tiến công chính trị, bao vây kinh tế địch.

Đêm 29-1-1948, phân đội Tiểu đoàn 45 (Bộ Tổng chỉ huy) cùng một đại đội Tiểu đoàn 55 (Trung đoàn 72) đánh đồn Bành Trạch, tiêu diệt một số tên, buộc địch co cụm về Nà Phặc. Từ tháng 2 đến tháng 7-1948, quân và dân Bắc Cạn đã mở nhiều chiến dịch tiến công vào các đồn, bốt, cứ điểm của địch. Đêm 13-3-1948, quân ta pháo kích cứ điểm Phủ Thông, phá sập phần lớn công sự, doanh trại, diệt gần 70 tên. Ngày 1-5-1948, một tiểu đoàn của Trung đoàn 72 phối hợp dân quân, du kích Bạch Thông phục kích, tiêu diệt 64 tên, phá hủy bốn xe vận tải của địch lưu thông trên quốc lộ 3. Đêm 25-7-1948, quân dân Bắc Cạn phối hợp lực lượng bộ đội chủ lực công đồn Phủ Thông, trận đánh địch phòng ngự cứ điểm nhỏ quy mô cấp tiểu đoàn đầu tiên của quân đội ta, tiêu diệt gần 100 tên địch.

Bước sang năm 1949, Tỉnh ủy Bắc Cạn thành lập Ban Chỉ huy do đồng chí Nông Văn Quang phụ trách làm nhiệm vụ chuẩn bị hậu cần, quấy rối địch trên đường Bắc Cạn - Phủ Thông. Chiến dịch đường số 3 được mở đầu bằng trận phục kích ở Đèo Giàng, Phủ Thông (Bạch Thông) sau đó, tiến công địch ở Phủ Thông, thị xã Bắc Cạn. Từ tháng 7-1949, các trung đội du kích tập trung của các huyện tăng cường hoạt động quấy rối, uy hiếp, đánh nhiều trận nhỏ, lẻ, phá hoại, gây nhiều khó khăn cho địch. Tại thị xã Bắc Cạn, bộ đội, dân quân khép chặt vòng vây, cắt đứt đường tiếp tế của địch. Ngày 4-8-1949, bộ đội ta đột nhập sân bay Bắc Cạn, phá hủy một máy bay, tiêu diệt một đại úy và 10 lính Pháp. Từ ngày 7 đến 8-8-1949, các lực lượng tiến công đồn, trại địch trong thị xã Bắc Cạn, quân địch phải rút chạy lên Cao Bằng.

Được tin địch rút chạy, Tiểu đoàn 55 (Trung đoàn 72) tiến hành truy kích. Ngày 17-8-1949, tại Bằng Khẩu (Ngân Sơn), quân ta phá hủy 15 xe quân sự, diệt gần 100 tên, thu nhiều chiến lợi phẩm. Chiến thắng này đã giải phóng Bắc Cạn, tỉnh Bắc Cạn sạch bóng quân thù. Ngày 24-8-1949, nhân dịp Tỉnh ủy Bắc Cạn và Ủy ban kháng chiến - hành chính tổ chức mít-tinh mừng chiến thắng, Bác Hồ đã viết thư gửi đồng bào Bắc Cạn. Người viết: “Tôi thay mặt Chính phủ gửi lời thân ái khen ngợi bộ đội và dân quân du kích cùng đồng bào Bắc Cạn. Tôi gửi lời thân ái an ủi đồng bào thị xã Bắc Cạn đã được trở lại trong cánh tay yêu mến của Tổ quốc. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến của ta, lần này là lần đầu tiên một thị xã quan trọng đã được giải phóng. Cuộc thắng lợi này sẽ làm đà cho những thắng lợi khác to lớn hơn, vẻ vang hơn”. Từ đây, ngày 24-8, trở thành ngày kỷ niệm giải phóng của tỉnh Bắc Cạn.

Viết tiếp truyền thống cách mạng

Sau khi giải phóng, Bắc Cạn bước vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, tích cực đóng góp nhân lực, vật lực cho hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngày 21-4-1965, Quốc hội phê duyệt hợp nhất tỉnh Bắc Cạn và Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái. Đến ngày 1-1-1997, tỉnh Bắc Cạn được tái lập trên cơ sở tách ra từ tỉnh Bắc Thái và Cao Bằng. Sau hơn 22 năm tái lập, đến nay, Bắc Cạn đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực.

Trên lĩnh vực kinh tế, tổng sản phẩm năm 2018 theo giá so sánh năm 2010 đạt 6.641 tỷ đồng. Tổng sản phẩm theo giá hiện hành đạt 9.962 tỷ đồng, tăng gấp 23 lần so với năm 1997. GRDP bình quân đầu người đạt 30,5 triệu đồng, tăng gấp 24,4 lần so với năm 1997. Ngành nông, lâm nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 170 nghìn tấn; lương thực bình quân đạt 553 kg/người/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 72%, cao nhất cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hoạt động thương mại, dịch vụ duy trì ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhân dân. Cơ sở hạ tầng được đầu tư làm thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Toàn tỉnh đã phát triển được hơn 6.568 km quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã, trục thôn, liên thôn. Trong đó, 100% đường quốc lộ, tỉnh lộ, hơn 76% các tuyến đường xã, đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện, 29% đường trục thôn, liên thôn, 23% đường xóm, ngõ xóm và 6% đường nội đồng được đầu tư cứng hóa; 119 xã có đường ô-tô đến trung tâm xã đi được bốn mùa; 1.335 thôn, bản có đường ô-tô đến trung tâm thôn. Bắc Cạn đã có 100% số xã, hơn 1.114 thôn, bản và hơn 97% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Toàn tỉnh có năm doanh nghiệp viễn thông hoạt động, 100% các xã, phường, thị trấn được kết nối in-tơ-nét và phủ sóng điện thoại di động, mật độ thuê bao in-tơ-nét đạt 8,2 thuê bao/100 dân, tăng 4,4 thuê bao so với năm 2012. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96,5%, trong đó hơn 27% được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn QCVN02: 2009/BYT.

Một số dự án trọng điểm đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng, như: xây dựng, nâng cấp, cải tạo đường giao thông nông thôn đến các xã miền núi đặc biệt khó khăn (ĐT258 từ Bạch Thông đi Ba Bể); nâng cấp, cải tạo đường ĐT257 từ thành phố đi Chợ Đồn (đã được nâng cấp lên thành quốc lộ 3C); quốc lộ 3 mới (đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới); nâng cấp cải tạo ĐT255 từ Bắc Cạn đi Tuyên Quang... Một số dự án đã cơ bản hoàn thành và đang tiếp tục thực hiện, như: đường ĐT258B từ Ba Bể đi Pác Nặm, ĐT254 từ Chợ Đồn đi Ba Bể...

Bắc Cạn là điểm sáng trong cả nước về phát triển lâm nghiệp bền vững. Giai đoạn từ 2010-2015, bình quân mỗi năm, tỉnh trồng mới hơn 10.000 ha rừng. Giai đoạn 2016-2020 ước đạt 32.500 ha, trong đó diện tích trồng rừng gỗ lớn đạt 16.913 ha. Từ năm 2017 đến năm 2020, bình quân mỗi năm khai thác khoảng 2.000 ha, tổng giá trị thu được khoảng 128 tỷ đồng/năm. Từ năm 2021 trở đi, bình quân mỗi năm khai thác khoảng 3.000 ha, tổng giá trị thu được khoảng 360 tỷ đồng/năm.

Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì, chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao. Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 50% năm 1997 xuống còn hơn 21% vào năm 2018, đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện, nâng cao. Công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được củng cố vững chắc.

Bắc Cạn chú trọng củng cố hệ thống chính trị vững chắc. Đảng bộ tỉnh hiện có 34.021 đảng viên, chiếm 10,3% số dân cả tỉnh. Cấp ủy các cấp tích cực triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sức lan tỏa rộng rãi. Năm 2018, chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công) của tỉnh đứng thứ 28 trong cả nước; chỉ số cải cách hành chính tăng 11 bậc. Tỉnh ủy quyết liệt chỉ đạo đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, Bắc Cạn đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan, đơn vị. Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc khối đảng, đoàn thể, chính quyền cấp tỉnh đã giảm 65 phòng, ban (từ 216 xuống 151). Khối chính quyền giảm được hai chi cục trực thuộc sở; giảm bốn phòng, ban thuộc các tổ chức hội cấp tỉnh; giảm 21 phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc chi cục trực thuộc sở, ngành và tương đương cấp tỉnh. Đối với cấp huyện đã giảm 16 phòng chuyên môn trực thuộc (từ 104 xuống còn 88).

Trân trọng, tự hào, tiếp nối truyền thống cách mạng, Bắc Cạn phấn đấu thời gian tới, xây dựng, củng cố vững chắc hệ thống chính trị, tập trung phát triển kinh tế mũi nhọn nông, lâm nghiệp, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, trong đó, tập trung thu hút đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, gồm: quốc lộ 3 đoạn từ xã Thanh Bình, Chợ Mới đến thành phố Bắc Cạn; cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh tuyến đường kết nối Ba Bể (Bắc Cạn) với Na Hang (Tuyên Quang), xây dựng khu du lịch Ba Bể, mở mới đường Quân Bình đến hồ Ba Bể. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ chế, chính sách, giải pháp nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng địa phương sớm thành tỉnh khá trong khu vực.

Bắc Cạn viết tiếp truyền thống cách mạng ảnh 1

Một góc TP Bắc Cạn.