Lý do kháng cáo mà luật sư đưa ra là mẫu ADN được sử dụng để kết tội đối tượng đã được thu thập một cách “bất hợp pháp.”
Tuy nhiên, Thẩm phán Takuya Fukayama cùng 4 thẩm phán khác đều nhất trí rằng nội dung kháng cáo của luật sư bào chữa cho bị cáo Yasumasa Shibuya là không có cơ sở và giữ nguyên mức án chung thân.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 6/7/2018, Chánh án Tòa án tỉnh Chiba, Nhật Bản, đã tuyên án tù chung thân đối với bị cáo Shibuya vì tội sát hại bé Nhật Linh.
Cơ sở cho phán quyết này là ADN của bị cáo được tìm thấy trên xác của nạn nhân và vết máu tìm thấy trên xe ôtô của kẻ thủ ác có chứa ADN của nạn nhân.
Khi đó, người thân của bé Nhật Linh đã không đồng tình với bản án và yêu cầu một mức án nghiêm khắc hơn đối với bị cáo, tuy nhiên cơ quan công tố đã bác bỏ kháng cáo này.
Tại phiên tòa phúc thẩm lần 1 vào ngày 6/7/2018, Chánh án Tòa án tỉnh Chiba đã tuyên án tù chung thân đối với bị cáo Shibuya vì tội sát hại bé Nhật Linh.
Tiếp đó, tại phiên tòa ngày 23/3/2021, Tòa án Cấp cao Tokyo đã bác bỏ lập luận của luật sư bào chữa cho bị cáo Shibuya rằng cần phải loại bỏ các bằng chứng ADN được sử dụng để kết tội đối tượng vì chúng đã được thu thập một cách “bất hợp pháp.”
Chủ tọa phiên tòa khi đó đã khẳng định điều này không nghiêm trọng đến mức phải loại bỏ kết quả xét nghiệm ra khỏi căn cứ buộc tội bị cáo.
Bị cáo Shibuya, 49 tuổi, bị bắt hồi năm 2017 vì bị tình nghi sát hại bé Nhật Linh. Cô bé mất tích ngày 24/3/2017, trên đường đến trường tiểu học Mutsumi Daini ở thành phố Matsudo, tỉnh Chiba.
Cơ quan chức năng tìm thấy thi thể em 2 ngày sau tại mương nước cách nhà 10km.
Vụ án gây rúng động cộng đồng người Việt tại Nhật Bản và người Việt trong nước. Điều khiến dư luận phẫn nộ là hung thủ Shibuya lại là hội trưởng hội phụ huynh tại trường nạn nhân theo học.
Thời điểm bị sát hại, bé Nhật Linh đang là học sinh lớp 3 tại trường Mutsumi Daini ở thành phố Matsudo, tỉnh Chiba.