Thái Lan đứng trước nguy cơ khủng hoảng dịch Covid-19

NDO -

Tình hình dịch Covid-19 ở Thái Lan đang trở nên ngày một nghiêm trọng khi các nhân viên y tế phải vật lộn đối phó với tình trạng số ca mắc và tử vong do Covid-19 tăng vọt trong những ngày qua.

Công nhân tại một công trường xây dựng bị phong tỏa ở thủ đô Bangkok nhận bữa ăn hằng ngày. (Ảnh: Bưu điện Bangkok)
Công nhân tại một công trường xây dựng bị phong tỏa ở thủ đô Bangkok nhận bữa ăn hằng ngày. (Ảnh: Bưu điện Bangkok)

Một quan chức cao cấp của Bộ Y tế đã thừa nhận thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận hiện đang trong một cuộc khủng hoảng thật sự và đã bắt đầu xuất hiện bệnh nhân Covid-19 bị tử vong tại nhà.

Theo số liệu được CCSA công bố ngày 2/7, số ca mắc Covid-19 mới được ghi nhận đã gia tăng liên tiếp trong vòng ba ngày qua, từ 4.786 ca ngày 30/6 lên 5.533 ca ngày 1/7 và đạt mức 6.087 ca trong ngày 2/7. Số ca tử vong do Covid-19 hằng ngày cũng liên tục lập kỷ lục mới khi từ 53 ca ngày 30/6 tăng lên 57 ca ngày 1/7 rồi tiếp tục lên tới 61 ca trong ngày 2/7.

Hiện nay, các bệnh viện ở khu vực Bangkok và các tỉnh lân cận đang trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các giường điều trị tích cực (ICU) cũng như nhân viên y tế chăm sóc những bệnh nhân Covid-19 nặng. Bộ Y tế Thái Lan đã phải điều động 144 bác sĩ mới tốt nghiệp từ các tỉnh về để trợ giúp Bangkok.

Phát biểu tại buổi lễ chào đón những bác sĩ này, Phó Bí thư thường trực Bộ Y tế Thái Lan Thongchai Kiratihatthayakon nói: “Tôi muốn xin lỗi và cảm ơn sự trợ giúp của các bạn. Hiện nay, Bangkok và các tỉnh lân cận đang trong một cuộc khủng hoảng thật sự, đã bắt đầu có bệnh nhân tử vong tại nhà. Chúng tôi không muốn tình cảnh Thái Lan trở nên giống châu Âu hồi năm ngoái, khi nhiều bệnh nhân tử vong tại nhà do thiếu giường điều trị tại bệnh viện”. Ông thừa nhận: “Chúng tôi thật sự cần sự trợ giúp của các bạn. Giờ đây, dịch đang bùng phát với mức độ không thể kiểm soát được. Đó chính là lý do chúng tôi muốn điều động các bạn”.

Hiện, nhiều bệnh viện lớn như: Siriraj, Ramathibodi, Vajira, Đại học Thammasat và Bệnh viện dã chiến Mongkutwattana đang rất thiếu thốn các giường ICU cho các bệnh nhân Covid-19 nặng và các bệnh viện này đang có kế hoạch tăng thêm giường. Trong bối cảnh đó, các bệnh viện cũng cần thêm nhiều nhân viên y tế để chăm sóc bệnh nhân.

Ông Thongchai cũng cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ Y tế phải điều động các bác sĩ cho một mục đích đặc biệt. Ông nói: “Nếu chúng tôi không làm như vậy, rất nhiều người sẽ tử vong tại nhà. Ở Thái Lan, không nên để xảy ra điều này, chúng ta không thể để lâm vào tình cảnh bị buộc phải chọn lựa bệnh nhân nào sẽ được sống và bệnh nhân nào sẽ phải chết”. Tất cả các bác sĩ được điều động lần này đều đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 và họ sẽ được nhận các khoản thù lao và phụ cấp theo quy định của bộ.

Không chỉ riêng Bangkok và các tỉnh lân cận, hiện tình hình dịch ở nhiều tỉnh khác cũng đang có những diễn biến phức tạp. Khi Chính phủ Thái Lan quyết định đóng cửa các công trường xây dựng ở thủ đô, các công nhân đã đổ về quê khiến số ca mắc Covid-19 cũng đang tăng đột biến ở nhiều tỉnh, đặc biệt là khu vực đông bắc Thái Lan.

Ngày 1/7, Người phát ngôn Trung tâm Xử lý tình hình dịch Covid-19 Apisamai Srirangson cho biết trong tuần qua, tại các tỉnh đã phát hiện 129 ca mắc Covid-19 mới là người mới từ Bangkok trở về nhà. Trong số đó, cao nhất là khu vực đông bắc với 84 ca nhiễm tại 12 tỉnh Si Sa Ket, Yasothon, Ubon Ratchathani, Maha Sarakham, Khon Kaen, Roi Et, Kalasin, Chaiyaphum, Nakhon Ratchasima, Surin, Buri Ram và Mukdahan. Tiếp theo đó là khu vực miền trung với 23 ca và khu vực miền nam với 20 ca.

Bà Apisamai nói: “Việc này đã khiến các tỉnh phải nhanh chóng ban hành các quy định nghiêm ngặt đối với người dân địa phương và các quan chức cần nâng cao cảnh giác bởi các công nhân đang từ các khu vực có nguy cơ cao như Bangkok và các tỉnh miền nam trở về quê nhà của họ”.

Số công nhân xây dựng này bắt đầu lũ lượt đổ về các tỉnh sau khi các công trường xây dựng ở thủ đô Bangkok bị phong tỏa nhằm kiềm chế các ổ dịch lây lan trong các khu ký túc xá công nhân. Tuy nhiên, rất nhiều công nhân đã bỏ trốn khỏi ký túc xá trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực.

Tiến sĩ Apisamai cho biết: “Người dân không bị cấm quay trở về nhà, nhưng họ cần phải hành động có trách nhiệm đối với người thân của mình, trong đó, có thể bao gồm cả người già và trẻ nhỏ. Những người từ thủ đô quay về có thể đã có tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 và cần phải tự xem mình như người có nguy cơ lây nhiễm cao”. Bà kêu gọi những công nhân này không nên tham gia các buổi tụ họp, không tiếp xúc quá gần với người thân hoặc tránh tới những nơi đông người. Họ cũng có thể đã nhiễm Covid-19, nhưng không xuất hiện triệu chứng.

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư