Nhiều quốc gia nâng mức cảnh báo trước lo ngại biến thể B.1.1.529 lây lan

NDO -

Chỉ vài giờ sau khi Anh tạm dừng nhập cảnh các hành khách đến từ Nam Phi và các nước láng giềng, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen ngày 26/11 kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tạm dừng các chuyến bay đến những nơi đã phát hiện biến thể B.1.1.529.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Sân bay quốc tế Tambo ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 26/11/2021. (Ảnh: Reuters)
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Sân bay quốc tế Tambo ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 26/11/2021. (Ảnh: Reuters)

Bà Von der Leyen nhấn mạnh, các chuyến bay đến các địa điểm trên cần phải được đình chỉ cho đến khi có thêm thông tin rõ ràng về mối nguy hiểm gây ra bởi biến thể mới này.

Cho rằng EU phải hành động nhanh và dứt khoát, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng kêu gọi công dân của khối này tăng cường tiêm vaccine phòng Covid-19. Bà Von der Leyen cũng cho rằng các nhà sản xuất vaccine cần phải có điều chỉnh ngay khi các biến thể mới xuất hiện.

Động thái mới nhất từ EU diễn ra ngay sau khi Bỉ - 1 quốc gia thành viên EU và là nơi đặt trụ sở của các tổ chức châu Âu vừa xác nhận trường hợp đầu tiên ở nước này và cũng là ca đầu tiên trên toàn châu Âu nhiễm biến thể B.1.1.529.

Bộ trưởng Y tế Bỉ Frank Vandenbroucke thông báo, ca nhiễm biến thể B.1.1.529 là 1 người chưa được tiêm chủng, có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 22/11.

Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng giống như cúm 11 ngày sau khi trở về từ chuyến đi đến Ai Cập qua Thổ Nhĩ Kỳ, song không có dấu hiệu của bệnh nặng. Các thành viên trong gia đình của bệnh nhân này đang được xét nghiệm dù chưa có triệu chứng mắc bệnh.

Biến thể mới được phát hiện ngay khi châu Âu chuẩn bị bước vào mùa đông, làm dấy lên lo ngại virus có thể lây lan rộng trong bối cảnh nhiều người tụ tập trong không gian kín dịp lễ Giáng sinh. Bên cạnh đó, nhiều nước châu Âu cũng đang phải căng sức đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ tư do biến thể Delta gây nên, với việc thắt chặt trở lại các hạn chế phòng dịch và tăng cường tiêm chủng.

Italia đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đã đến các quốc gia miền nam châu Phi trong 14 ngày qua, trong khi Pháp cũng tạm đình chỉ các chuyến bay từ nam châu Phi. Bắt đầu từ tối nay, Đức dự kiến cũng chỉ cho phép công dân Đức trở về từ Nam Phi được nhập cảnh, và sẽ buộc phải cách ly y tế trong 14 ngày.

Ở châu Á, Israel siết chặt hạn chế đi lại đối với hầu hết các nước châu Phi, trong khi Ấn Độ đã ban hành khuyến nghị tăng cường kiểm tra và sàng lọc các du khách quốc tế đến từ Nam Phi và các quốc gia khác có nguy cơ. Nhật Bản cũng bắt đầu có các biện pháp thắt chặt kiểm soát biên giới.

Vì sao các nhà khoa học lo ngại trước biến thể B.1.1.529?

Các nhà khoa học Nam Phi cho rằng B.1.1.529 là nguyên nhân gây ra sự gia tăng đột biến các ca nhiễm Covid-19 gần đây ở Gauteng, tỉnh đông dân nhất nước này. Chưa rõ biến thể mới thực sự xuất hiện từ đâu, nhưng B.1.1.529 được các nhà khoa học phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi và cũng đã được xác nhận ở Hồng Kông (Trung Quốc) và Botswana.

Nhiều quốc gia nâng mức cảnh báo trước lo ngại biến thể B.1.1.529 lây lan -0

Người dân xếp hàng chờ tiêm ngừa Covid-19 ở Cape Town, Nam Phi. (Ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho biết, biến thể này có thể liên quan đến "sự gia tăng theo cấp số nhân" của các ca bệnh trong vài ngày qua, mặc dù các chuyên gia vẫn đang xác định xem biến thể mới có thực sự gây ra sự gia tăng này hay không.

Từ hơn 200 ca mới được ghi nhận mỗi ngày trong những tuần gần đây, Nam Phi đã chứng kiến số ca bệnh mới hàng ngày tăng vọt lên 2.465 ca vào thứ năm. Trong nỗ lực tìm hiểu sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm mới, các nhà khoa học đã nghiên cứu các mẫu virus từ vùng dịch và phát hiện ra biến thể mới này.

Ngày 26/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã triệu tập cuộc họp khẩn để đánh giá dữ liệu từ Nam Phi về biến thể mới. B.1.1.529 có số lượng lớn các đột biến (khoảng 30) trong protein, dẫn đến có khả năng lây lan cao.

Sharon Peacock, chuyên gia hàng đầu về giải trình tự gen của virus SARS-CoV-2 tại Đại học Cambridge (Anh) cho biết, dữ liệu đến nay cho thấy biến thể mới có các đột biến "phù hợp với khả năng lây truyền tăng cao". Nhưng chuyên gia này cũng cho rằng mối nguy hiểm của các đột biến này vẫn chưa được nghiên cứu kỹ càng.

Nhà virus học Lawrence Young tại Đại học Warwick mô tả biến thể này là “phiên bản đột biến nhiều nhất mà các chuyên gia từng phát hiện”. Ông cho rằng, mặc dù biến thể này chỉ được phát hiện ở mức độ thấp ở một số khu vực của Nam Phi, điều đáng lo ngại là "có vẻ như biến thể này đang lây lan nhanh chóng".

Các nhà khoa học Nam Phi đã phát hiện sự gia tăng các ca mắc mới, nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy biến thể mới này là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng nói trên. Cũng sẽ mất nhiều tuần để tìm hiểu liệu các vaccine hiện tại có hiệu quả trước biến thể này hay không.

Cho đến nay, chưa có dấu hiệu cho thấy biến thể mới gây ra tình trạng bệnh nặng hơn. Các chuyên gia Nam Phi cho biết, cũng như các biến thể khác, 1 số người nhiễm bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào.

Mặc dù 1 số thay đổi di truyền trong biến thể mới có vẻ đáng lo ngại, nhưng vẫn chưa rõ liệu virus có gây ra mối đe dọa đáng kể đến sức khỏe cộng đồng hay không. Một số biến thể trước đó như biến thể Beta ban đầu cũng khiến các nhà khoa học lo ngại nhưng cuối cùng không lan rộng.

Giám đốc Viện Di truyền học tại Đại học College London, Francois Balloux, cho biết, chưa thể đưa ra bất kỳ dự đoán nào về việc liệu biến thể mới này có nguy hiểm hơn hoặc có khả năng lây lan mạnh hơn hay không nếu chỉ dựa vào cấu tạo gen.

Virus SARS-CoV-2 đột biến khi lây lan và sinh ra nhiều biến thể mới, bao gồm cả những biến thể có những thay đổi di truyền đáng lo ngại. Các nhà khoa học giải mã trình tự gen của virus SARS-CoV-2 để tìm ra các đột biến có thể khiến Covid-19 lây lan hoặc gây tử vong cao hơn, cùng với so sánh, phân tích mô hình bệnh tật trong các đợt bùng phát.

Chuyên gia Peacock cho biết, biến thể mới có thể đã "tiến hóa" ở 1 người đã bị nhiễm bệnh nhưng sau đó chưa thể loại bỏ hết virus, tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 “tiến hóa về mặt di truyền", trong 1 kịch bản tương tự như cách các chuyên gia cho rằng biến thể Alpha - được phát hiện lần đầu tiên ở Anh cũng xuất hiện bởi đột biến của virus SARS-CoV-2 ở 1 người bị suy giảm miễn dịch.

Neil Ferguson, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia London cho biết, do sự gia tăng nhanh chóng gần đây về các ca mắc Covid-19 ở Nam Phi, việc hạn chế đi lại với các khu vực ở nước này cần phải được cân nhắc thận trọng.

WHO đã triệu tập cuộc họp khẩn để xác định xem có nên liệt biến thể mới này vào danh sách “biến thể đáng quan tâm” hay “biến thể đáng lo ngại”.

Các biến thể đáng quan tâm - hiện bao gồm các biến thể Mu và Lambda có những thay đổi về gen ảnh hưởng đến khả năng lây truyền và mức độ nghiêm trọng của bệnh, và đã được xác định là gây ra các ổ dịch đáng kể ở nhiều quốc gia.

Các biến thể đáng lo ngại - bao gồm Alpha, Beta và Delta đã cho thấy khả năng lây lan dễ dàng hơn, gây ra bệnh nghiêm trọng hơn hoặc làm cho các biện pháp phòng dịch hiện tại như vaccine kém hiệu quả hơn.

Cho đến nay, biến thể Delta vẫn là biến thể dễ lây truyền nhất, chiếm hơn 99% trình tự gen được chia sẻ với cơ sở dữ liệu công khai lớn nhất thế giới.