Năm 2022: Hàn Quốc tiếp nhận 59.000 lao động nước ngoài theo chương trình EPS

NDO -

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, năm 2022, tổng chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo chương trình EPS của Hàn Quốc là 59.000 người, tăng 7.000 chỉ tiêu so với năm 2021.

Năm 2022: Hàn Quốc tiếp nhận 59.000 lao động nước ngoài theo chương trình EPS

Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo chương trình EPS 

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, Ủy ban Chính sách nhân lực nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc đã họp và thống nhất chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo Chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (chương trình EPS). Cơ quan này cũng công bố một số chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài trong năm 2022.

Cụ thể, tổng chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo chương trình EPS sẽ tiếp nhận trong năm 2022 được quyết định ở mức 59.000 người (tăng 7.000 chỉ tiêu so với năm 2021).

Số lượng lao động theo chương trình EPS được phân bổ theo ngành, nghề như sau
Ngành sản xuất chế tạo: 44.500 chỉ tiêu, tăng 6.800 chỉ tiêu so với năm 2021.
Ngành nông nghiệp, chăn nuôi: 8.000 chỉ tiêu (tăng 1.600 chỉ tiêu so với năm 2021.
Ngành ngư nghiệp: 4.000 chỉ tiêu, tăng 1.000 chỉ tiêu so với năm 2021.
Ngành xây dựng: 2.400 chỉ tiêu, tăng 600 chỉ tiêu so với năm 2021.
Ngành dịch vụ: 100 chỉ tiêu, giữ nguyên so với năm 2021.

Như vậy, là một trong các quốc gia phái cử lao động tới Hàn Quốc, người lao động Việt Nam có thể có thêm cơ hội việc làm ở thị trường có thu nhập cao và được ưa chuộng này.

Bổ sung đối tượng chuyển đổi sang visa lao động phổ thông E-9

Ủy ban Chính sách nhân lực nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc cho phép du học sinh visa D-2 (đến từ một trong 16 quốc gia phái cử lao động EPS), sau khi tốt nghiệp được phép chuyển đổi sang visa E-9 và làm việc lâu dài tại Hàn Quốc. Một số yêu cầu khi chuyển đổi bao gồm: bảo đảm các điều kiện cơ bản khi dự tuyển diện lao động phái cử visa E-9; trong thời gian học tại Hàn Quốc không cư trú bất hợp pháp; thành tích học tập trung bình đạt điểm C trở lên; trình độ tiếng Hàn đạt TOPIK 3 trở lên. Quy mô chuyển đổi hằng năm khoảng 5.000 - 6.000 người, tương đương khoảng 10% chỉ tiêu tiếp nhận lao động EPS hằng năm.

Để thực hiện chính sách nêu trên, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ thay đổi một số nội dung của Luật Tuyển dụng lao động nước ngoài, các hướng dẫn thực hiện Luật kèm theo và có thể sẽ yêu cầu bổ sung nội dung này trong Biên bản ghi nhớ với các quốc gia phái cử lao động EPS.

Lao động visa giáo sư (E-1) và visa kỹ sư chuyên ngành (E-7) trong thời gian tìm việc có thể được chuyển đổi sang visa E-9 nếu có nguyện vọng.

Gia hạn thời gian cư trú 1 năm cho người lao động làm việc theo chương trình EPS

Chính phủ Hàn Quốc đồng ý cho phép tự động gia hạn thời gian cư trú thêm 1 năm đối với lao động nước ngoài theo chương trình EPS (visa E-9) có thời điểm kết thúc hợp đồng (với hợp đồng 3 năm hoặc hợp đồng 4 năm 10 tháng) trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến 12/4/2022. Bắt đầu từ ngày 28/12/2021, người lao động thuộc diện được gia hạn có thể kiểm tra thời hạn cư trú của mình trên trang www.hikorea.go.kr.

Sau thời điểm quý I/2022, nếu tình hình nhập cảnh của lao động nước ngoài vẫn khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Ủy ban Chính sách nhân lực nước ngoài có thể tiến hành họp và quyết định tiếp tục gia hạn thời gian cư trú đối với các loại đối tượng khác.

Những trường hợp không được tự động gia hạn bao gồm: người đã về nước hẳn; người xuất cảnh vào ngày 28/12/2021; người đã đăng ký xin gia hạn thời gian cư trú (trực tiếp hoặc trực tuyến) trước ngày 28/12/2021; người không rõ địa chỉ cư trú; người chậm nộp thuế và bảo hiểm y tế; người đã được gia hạn thời gian cư trú với các lý do không liên quan đến dịch bệnh Covid-19 hoặc đã được bảo lưu thời hạn xuất cảnh (đã được gia hạn thời gian cư trú để chờ chuyến bay về nước); người quá thời hạn xin đăng ký chuyển xưởng (1 tháng); người quá thời hạn tìm việc mới (3 tháng); người đã được gia hạn hợp đồng thêm 1 năm 10 tháng trước ngày 28/12/2021.

Trong trường hợp vào ngày thi hành chính sách này, người lao động không có nơi làm việc sẽ chỉ được gia hạn thêm 3 tháng kể từ ngày hết hạn thời gian cư trú, sau khi được chuyển đổi nơi làm việc sẽ tiếp tục được gia hạn thời gian cư trú thêm 9 tháng.

Đối với lao động hết hạn hợp đồng 3 năm đang xin đăng ký gia hạn thêm 1 năm 10 tháng, trước ngày thi hành chính sách này, chủ sử dụng lao động xin đăng ký hủy gia hạn 1 năm 10 tháng thì người lao động đó thuộc đối tượng được tự động gia hạn thời gian cư trú thêm 1 năm theo chính sách này.

Tăng số lượng lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp

Chính phủ Hàn Quốc quyết định tăng số lượng lao động được phép sử dụng tại doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp ngành sản xuất chế tạo có dưới 50 lao động thì được tăng 20% số lao động nước ngoài được phép sử dụng. Doanh nghiệp ngành ngư nghiệp được tăng thêm từ 2 đến 4 người.

Trước đó, ngày 24/12/2021, Bộ Tư pháp Hàn Quốc có thông báo dự kiến áp dụng một số quy định liên quan đến lao động thời vụ. Cụ thể như: mở rộng phạm vi đối với người nước ngoài được tham gia lao động thời vụ tạm thời; mở rộng các chế độ ưu tiên đối với lao động thời vụ trung thành như bảo đảm cơ hội tái nhập cảnh. Đối với lao động thời vụ visa E-8 làm việc trung thành trong thời hạn 5 năm thì có thể được phép chuyển sang visa lao động kỹ sư chuyên ngành (E-7-5) để được phép làm việc ổn định tại địa phương; áp dụng bắt buộc quy định về tiền ký quỹ đối với lao động thời vụ khi hai địa phương ký Biên bản thỏa thuận hợp tác; tăng cường xử phạt và hạn chế việc tuyển dụng lao động nước ngoài đối với chủ sử dụng lao động có sử dụng lao động cư trú bất hợp pháp. 

Được biết, trong năm 2021, cả nước đưa được hơn 45.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thị trường Hàn Quốc thu hút 1.036 lao động Việt Nam, đứng vị trí thứ ba trong các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận nhiều lao động nước ta nhất.
Trong năm 2021, hợp tác lao động-việc làm giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã ghi nhận một điểm mới tích cực. Lần đầu tiên, hai quốc gia đã ký kết Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội.
Văn bản này góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động hai nước, trong đó có quyền và nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội. Qua đó, hướng tới tránh việc đóng 2 lần bảo hiểm xã hội với người lao động. Đồng thời, thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được 2 quốc gia công nhận lẫn nhau.