Ukraine, vựa lúa mì của châu Âu    

Là nước cộng hòa thuộc Liên Xô (trước đây) tuyên bố độc lập từ năm 1991, Ukraine hiện là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Ukraine có nguồn tài nguyên phong phú, sở hữu nhiều loại khoáng sản, trong đó nhiều nhất là than, kim loại đen, kim loại mầu, các khoáng chất phi kim loại dùng trong xây dựng. Nguồn tài nguyên này đã giúp hình thành ở Ukraine nền công nghiệp phát triển, trong đó có nhiều ngành công nghiệp trình độ cao như vũ trụ, điện, than, dầu khí, đóng tàu, giao thông vận tải... Ukraine còn được thiên nhiên ưu đãi về nông nghiệp, được mệnh danh là "vựa lúa mì của châu Âu". Rau, hoa quả, thủy sản cũng phong phú và chất lượng cao. Ông P.Gát, một chủ trang trại có diện tích 25.000 ha đất thuê của Nhà nước, cho rằng để trở thành một doanh nghiệp nông nghiệp thành đạt không khó trong điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu như ở Ukraine. Ông I.Chi-khơ-ma-rơ, Tỉnh trưởng Ternopil, tỉnh ở phía tây Ukraine, cho biết, Ternopil hiện chiếm 3% sản lượng nông nghiệp của cả nước không chỉ bởi đất đai phì nhiêu, mà còn do công nghiệp chế biến nông sản phát triển. Cả tỉnh hiện có tám nhà máy đường, 12 nhà máy chưng cất rượu, 15 nhà máy sữa, bảy nhà máy đóng hộp thực phẩm và sản xuất bánh. Tỉnh có 13 trường đại học nổi tiếng cả nước và ở châu Âu. Dẫn chúng tôi thăm khu du lịch và thể thao nổi tiếng dưới chân núi Cát-pát, ông I.Pơ-rô-ních, Giám đốc Sở giao thông của tỉnh nói: Ðây là trung tâm thể thao mùa đông của cả Liên Xô trước đây, từng tổ chức các Thế vận hội thể thao mùa đông nổi tiếng với nhiều kỷ lục thế giới. Ngày nay, ngoài các cơ sở sẵn có, trung tâm xây dựng thêm hàng trăm khách sạn, hồ băng, sân trượt tuyết để đón khách du lịch vào mùa đông.

Ukraine chú trọng xuất khẩu và đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ukraine đã ký thỏa thuận hợp tác liên chính phủ với 70 nước, thỏa thuận không đánh thuế hai lần với 60 nước và vùng lãnh thổ, tạo hành lang pháp lý tương đối thông thoáng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ Ukraine thành lập cơ quan quốc gia về đầu tư nước ngoài và phát triển, một tổ chức ngang bộ chuyên trách về lĩnh vực này. Dòng vốn FDI vào nước này không ngừng tăng lên. Theo ông V.Ka-skíp, cố vấn của Thủ tướng về đầu tư, năm 2008 tuy bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu tổng vốn đầu tư vẫn đạt mức cao. Tổng vốn đầu tư của Ukraine hiện đạt 35,723 tỷ USD, trong đó vốn FDI hơn 10 tỷ USD.

Ukraine và Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị truyền thống. Ukraine đã tích cực giúp Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc. Từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (23-1-1992) đến nay, trong xu thế hội nhập và hợp tác cùng phát triển, hai nước lại càng có điều kiện tăng cường mối quan hệ hợp tác, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng liên tục. Năm 2008 đạt gần 340 triệu USD và sáu tháng đầu năm nay đạt khoảng 200 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là thủy hải sản, gạo, cao-su, hàng dệt may và nhập khẩu từ Ukraine sắt thép, phân bón, máy móc, thiết bị, hóa chất. Hiện có gần 10.000 người Việt Nam sinh sống, học tập và kinh doanh trên đất bạn; góp vào sự phát triển của Ukraine và là cầu nối hữu nghị, hợp tác kinh tế giữa hai nước. Chính phủ Ukraine đánh giá cao sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam vào sự phát triển kinh tế nước này. Chính phủ Ukraine cũng đã mời lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam - Ukraine, cùng nhiều đoàn doanh nghiệp khác sang thăm và tìm cơ hội đầu tư tại Ukraine, đồng thời cũng cử lãnh đạo các cơ quan phụ trách đầu tư và kinh tế đối ngoại thăm và tìm hiểu cơ hội mời gọi đầu tư ở Việt Nam...

Trao đổi với chúng tôi, Bộ trưởng T.Sê-híp, Chủ nhiệm Cơ quan quốc gia về đầu tư nước ngoài và phát triển cho rằng, với truyền thống hữu nghị và tiềm năng của hai nước, quan hệ hợp tác song phương, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và đầu tư đang có rất nhiều thuận lợi để phát triển. Ông cũng mong muốn các thủ tục hành chính tiếp tục thông thoáng hơn, thông tin đầy đủ và cập nhật, các cuộc tiếp xúc trực tiếp tăng cường hơn nữa và có đường bay thẳng nối Hà Nội và Kiev để thúc đẩy đầu tư, du lịch, xuất khẩu giữa hai nước tăng nhanh chóng, tương xứng tiềm năng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước.