Tọa đàm về chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

NDO -

Ngày 28-8, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tổ chức tọa đàm Về chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến khai mạc buổi tọa đàm. Ảnh: NHAN SÁNG (TTXVN)
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến khai mạc buổi tọa đàm. Ảnh: NHAN SÁNG (TTXVN)

Các đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Uông Chu Lưu, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chủ trì. Dự tọa đàm có các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan của QH, một số bộ, ngành, địa phương; Trưởng đoàn đại biểu QH các tỉnh và các nhà khoa học...

Phát biểu ý kiến khai mạc tọa đàm, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Chính quyền địa phương là vấn đề rất quan trọng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Do vậy các đại biểu cần thảo luận, thống nhất, chuẩn bị trình  QH  thông qua  vào cuối năm nay.

Chủ tịch QH đề nghị các đại biểu thảo luận, thiết kế nội dung chính quyền địa phương cần quán triệt đường lối của Ðảng, tinh thần của Hiến pháp là xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.  Dự thảo cần tiếp thu, kế thừa, phát huy những tinh hoa, trí tuệ của nhân loại trong quá trình xây dựng nhà nước và của nước ta trong những lần sửa đổi Hiến pháp trước đây. Việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp lần này là phù hợp tình hình thực tế phát triển của nước ta. Chính quyền địa phương là một mắt xích trong bộ máy Nhà nước. Thiết kế xây dựng nội dung chính quyền địa phương phải phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Chính quyền địa phương phải có bộ máy hành chính được tổ chức khoa học, hiện đại, tinh gọn, có sức mạnh để đủ sức lãnh đạo ở các địa phương; gắn kết với trung ương, gắn kết với cơ sở, với nhân dân, giải quyết thủ tục hành chính tinh gọn, điều hành hành chính hiện đại, phục vụ trực tiếp nhân dân.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung cụ thể về việc chia các cấp trong đơn vị hành chính ở địa phương; cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hình thành mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các  đơn vị hành chính; cơ chế phân cấp, phân quyền giữa trung ương với địa phương sao cho vừa bảo đảm tính thống nhất quản lý của trung ương, vừa bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương; tính chất Hội đồng Nhân dân ở địa phương; cách quy định chế định chính quyền địa phương trong Hiến pháp...