Thủ tướng dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021

NDO -

Ngày 8-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (TC-NSNN) năm 2020, triển khai nhiệm vụ TC-NSNN năm 2021 do Bộ Tài chính tổ chức.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Theo Bộ Tài chính, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Bộ đã trình Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu NSNN. Đồng thời, đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát để miễn, giảm các khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bên cạnh việc tập trung thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2020, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan khẩn trương triển khai các giải pháp thu ngân sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, giảm thiểu việc lợi dụng chính sách để trục lợi. Tính đến ngày 31-12-2020, đã có khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí được gia hạn, hoặc miễn giảm.

Cơ quan Thuế, Hải quan cũng đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để làm tốt công tác quản lý thu NSNN trên địa bàn; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý và thu hồi nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế trên thu ngân sách.

Bằng các biện pháp tài khóa đồng bộ, quyết liệt nêu trên, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế khác, đã cơ bản giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với thế giới và khu vực, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Qua đó, thu NSNN cũng đạt cao hơn so với đánh giá báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10 và 11-2020), với tổng thu cân đối NSNN ước đạt 1.507,1 nghìn tỷ đồng, bằng 98% dự toán (giảm 31,9 nghìn tỷ đồng), tăng gần 184 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt khoảng 23,9% GDP, huy động từ thuế và phí đạt khoảng 19,1% GDP; trong đó: thu nội địa đạt xấp xỉ 100% dự toán; thu từ dầu thô đạt 98,3% dự toán (giảm 602 tỷ đồng); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 93,8% dự toán, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu (sau khi trừ hoàn thuế giá trị gia tăng) đạt 86,2% dự toán (giảm 28,6 nghìn tỷ đồng). Theo phân cấp quản lý, thu ngân sách T.Ư bằng khoảng 90%, giảm khoảng 89 nghìn tỷ đồng so dự toán; thu ngân sách địa phương đạt 108,6%, vượt 56,8 nghìn tỷ đồng so dự toán.

Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra (100,4%), mức rất tích cực trong điều kiện thu NSNN năm 2020 khó khăn, tăng trưởng kinh tế thấp hơn rất nhiều so dự kiến. Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 85,5% năm 2020 (kế hoạch là 84-85%), tỷ trọng thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 30% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 14,2% năm 2020…

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, ngành tài chính không những hoàn thành toàn diện, vượt mức, xuất sắc nhiệm vụ 5 năm mà đặc biệt trong năm 2020, thực hiện càng xuất sắc hơn. Khái quát bảy kết quả nổi bật của ngành tài chính năm 2020, Thủ tướng cho biết, ngành đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ TC-NSNN trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, chủ động tham mưu ban hành nhiều cơ chế, chính sách ứng phó hiệu quả với Covid-19, khắc phục thiên tai, ổn định sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ nền kinh tế. Ngành đã triển khai nhiều giải pháp chính sách tài khóa linh hoạt như miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất với gần 124 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Thu NSNN cả năm đạt 98% dự toán, tăng 184 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 23,9% GDP; kiểm soát bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội cho phép (cuối năm 2020, bội chi dưới 4% GDP; nợ công 55,8% GDP; nợ Chính phủ 49,6% GDP).

Theo Thủ tướng, đây là con số rất có ý nghĩa, thể hiện sự vững mạnh của nền tài chính quốc gia trong bối cảnh đại dịch Covid-19, “con số này làm cho chúng ta thở phào, nói lên quản lý tài chính chặt chẽ”. Ổn định vĩ mô là bài học kinh nghiệm xương máu trong quản lý kinh tế thì chúng ta đã giữ được điều này”, Thủ tướng nói thêm.

Tính chung giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch; cơ cấu thu NSNN bền vững hơn. Thị trường tài chính, dịch vụ tài chính ngày càng phát triển theo các nguyên tắc thị trường, phù hợp các cam kết hội nhập quốc tế; tạo nhiều kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ cho hệ thống tín dụng, ngân hàng. Thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường ổn định, đạt mức tăng trưởng cao trên thế giới (quy mô thị trường đạt gần 88% GDP, tăng gần 21% so cuối năm 2019).

Năm 2021, Thủ tướng cho rằng tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, không chỉ dịch bệnh mà cả cạnh tranh quốc tế, nguy cơ khủng hoảng tài chính, tiền tệ, nợ công trên phạm vi toàn cầu có thể xảy ra. Đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến ngành tài chính, cả về thu và chi NSNN, nợ công, thị trường tài chính mà trước hết thu NSNN ở những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Trong bối cảnh đó, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong năm 2021 và những năm tiếp theo thì mới hiện thực hóa được khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển trong 5-10 năm tới. Tài chính phải góp phần khơi dậy và giải phóng nhiều nguồn lực của đất nước.

Thủ tướng đề nghị ngành tài chính tiếp tục đổi mới tư duy chiến lược theo hướng tài chính vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Cần chủ động phối hợp hiệu quả với các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện ngày càng tốt hơn sứ mệnh đặc biệt quan trọng của mình, đó là bảo đảm huyết mạch của nền kinh tế thông suốt, an toàn và tạo nền, điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Năm 2021, toàn ngành phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn và phải đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2020. Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị ngành tài chính thực hiện chín nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, bám sát phương châm hành động của Chính phủ để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 01 và 02/NQ-CP của Chính phủ. tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm điều tiết vĩ mô, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ hai, tập trung thực hiện rà soát sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, các cơ chế chính sách thuộc lĩnh vực TC-NSNN.

Thứ ba, làm tốt công tác quản lý thu NSNN, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; tăng cường chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, buôn lậu, gian lận thương mại...; giảm nợ đọng thuế năm 2021 xuống dưới 5% tổng thu NSNN; phấn đấu tăng thu NSNN tối thiểu 3% so dự toán theo Nghị quyết Chính phủ, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 15,5% GDP.

Thứ tư, điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Kiểm soát bội chi NSNN trong phạm vi 4% GDP và phấn đấu thấp hơn.

Thứ năm, tăng cường quản lý giá, thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả, thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán, đồng thời, quản lý và phân phối hiệu quả trong những trường hợp cứu trợ cấp bách.

Thứ sáu, đẩy mạnh phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, các sản phẩm bảo hiểm, mở rộng các kênh phân phối bảo hiểm mới, tăng cường kết nối sản phẩm bảo hiểm với các dịch vụ tài chính khác, ngang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Thứ bảy, Thủ tướng cho rằng, hiện còn một tồn tại là cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), “vậy năm nay có biện pháp gì”, do vấn đề thị trường hay thủ tục. Giải ngân vốn đầu tư công là thành công lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các địa phương nhưng giải ngân vốn ODA là một tồn tại, tồn tại nên việc tiếp theo cần khắc phục là cổ phần hóa DNNN. Cần thực hiện đúng lộ trình cổ phần hóa DNNN, không để chậm trễ.

Thứ tám, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính "có tâm, có tầm". Tiếp tụ cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp. Những gì gây phiền hà, phức tạp cho người dân, doanh nghiệp thì chúng ta nên tháo gỡ, tạo điều kiện cho sản xuất.

Thứ chín, ngành tài chính tiếp tục chủ động hội nhập tài chính quốc tế. Theo dõi tình hình hội nhập sâu rộng của Việt Nam, đánh giá tác động kịp thời để điều chỉnh chính sách. Không để lạc hậu về chính sách điều hành trong quá trình hội nhập về tài chính.