Năm lên 9 tuổi, Ngài đã có duyên lành được đến học tập nơi chốn thiền môn với sự chỉ dẫn của các Tổ lớn ở Ninh Bình, Nam Định. Trải qua những năm tháng tu học dưới với sự dìu dắt của nhiều sư tổ, đến năm 16 tuổi Ngài được Sư tổ Vọng cho thụ giới Sa Di tại giới đàn trường hạ chùa Đống Cao, xã Yên Lộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Năm 18 tuổi, Đại lão Hòa thượng y chỉ vào Sư tổ Thích Quảng Tốn, trụ trì Tổ đình Viên Minh, thôn Khai Thái, xã Tầm Khê, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (nay là xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội). Khi vừa tròn 20 tuổi, Ngài được thọ Cụ Túc giới và Bồ Tát giới tại Đại giới đàn Tổ đình Viên Minh.
Sau khi đầy đủ giới pháp, với căn duyên và tư chất của người con Phật, Ngài dấn thân tìm thầy cầu đạo, theo học ở hầu hết các Sơn môn, Tổ đình lớn thời bấy giờ như Sơn môn Tế Xuyên, Sơn môn Hương Tích, Tổ đình Vĩnh Nghiêm.
Thấu triệt giáo lý vô thường, vô ngã, ngay từ lúc mới tìm thầy học đạo, trải qua nhiều vị trí khác nhau trong Giáo hội và xã hội, đến khi được Giáo hội tấn phong giáo phẩm hòa thượng và suy tôn ngôi vị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài luôn là bậc thanh cao, giản dị, cởi mở hòa đồng với mọi thành phần xã hội, không kể địa vị thấp cao, không phân biệt sang hèn, tín ngưỡng, tôn giáo.
Lúc đương thời cho đến khi đã 87 tuổi, Đại lão Hòa thượng luôn chủ trương “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” (tức: 1 ngày không làm thì 1 ngày không ăn). Vì vậy dù ở ngôi vị cao quý nhất của Giáo hội, nhưng ngài luôn chủ trương không phiền hà đến người khác, không thích chốn đô thị phồn hoa náo nhiệt mà luôn dành toàn bộ thời gian để tu và hành các Pháp của chư Phật. Với Ngài, tu trước hết phải là sửa những sai lỗi của chính mình theo chính pháp, rồi trên cơ sở đó giúp người, giúp chúng sinh sửa sai, từ đó rời khỏi bến Mê trở về bến Giác.
Là bậc cao tăng thông tuệ, am hiểu Tam tạng Thánh giáo, Ngài đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc biên soạn, dịch thuật và trước tác các tác phẩm về Phật học ở Việt Nam. Ngài dành cả cuộc đời cho sự nghiệp biên soạn, chú giải Đại Từ điển Phật học. Chú giảng và thuyết giảng kinh Lăng Nghiêm, Đề cương kinh Pháp Hoa, Kinh Bách Dụ, Phật Tổ tam kinh, Phật học là tuệ học, Kinh Di Đà Viên Trung sao, Bát Nhã Dư Âm. Các bộ Luật Tỷ khiêu, Luật Tỷ Khiêu Ni lược ký.
Ngoài những tác phẩm biên soạn, dịch thuật và trước tác về Phật học nêu trên, Ngài cũng sáng tác nhiều bài thơ Đường luật, theo thể thất ngôn bát cú để hướng dẫn hàng hậu học tu hành trong các khoá an cư kết hạ. Trên ngôi vị cao nhất của Giáo hội, Đại lão Hòa thượng luôn gương mẫu, định hướng và là thạch trụ tùng lâm của Giáo hội Phật giáo Việt nam theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” nhằm lan tỏa và tiếp nối tinh thần “hộ quốc an dân”, ‘Phục vụ chúng sinh là cúng dàng chư Phật” của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tôi có được duyên lành, được giúp việc nhiều vị Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tới thăm, đảnh lễ và đàm đạo với Ngài vào các dịp lễ trọng, lễ Tết cổ truyền của dân tộc, cũng như nhiều lần xuống thăm riêng, vấn đạo Ngài. Có thể thấy rằng, với 105 tuổi đời, 85 tuổi đạo, Đại lão Hòa thượng là bậc cao tăng lỗi lạc, đạo cao, đức trọng hiếm có xưa nay. Cuộc đời tu hành của Đại lão Hòa thượng đã có nhiều đóng góp to lớn cho Đạo pháp, dân tộc và cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ghi nhận những công lao to lớn của Đại lão Hòa thượng, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trao tặng Đại lão Hòa thượng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Ủy ban Trung Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bằng tuyên dương công đức của Giáo hội và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Công đức lớn và rạng ngời ấy của Ngài đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp làm sáng danh đạo Phật và dân tộc Việt Nam. Cuộc đời Ngài từ sơ tâm xuất gia cho đến lúc hoá duyên đã mãn luôn luôn là tấm gương chiếu sáng trong công phu tu thân, hành đạo cho cả giới xuất gia và tại gia. Ngài luôn lấy giới hạnh tinh nghiêm làm thân giáo để răn dạy, sách tấn hàng hậu học. Cuộc đời Ngài là biểu tượng tinh thần Bi - Trí - Dũng, đặc biệt trong công hạnh vô ngã vị tha, tận lực chuyên tâm vào sự nghiệp hoằng dương chính pháp, phục vụ nhân sinh, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo ngày càng vững mạnh.
NGUYỄN VĂN THANH, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Tôn giáo, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam