Nhớ về đồng chí Tổng Bí thư Ðỗ Mười (*)

Vào thời điểm Ðảng ta chuẩn bị Ðại hội VI, đang hình thành đường lối đổi mới, tất cả các đồng chí lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước ta lúc đó ai cũng day dứt về sự trì trệ, yếu kém của nền kinh tế và mong muốn phải có một sự đổi mới thực sự, trước tiên về kinh tế. Anh Ðỗ Mười là người rất sôi nổi, nhiệt tình cách mạng rất cao, anh đi nhiều, biết nhiều nên lại càng sốt ruột. Phụ trách ngành xây dựng, trực tiếp chăm lo phát triển công nghiệp, anh đặc biệt lo lắng thấy nước mình khi ấy chưa có được mấy cơ sở công nghiệp nặng đáng kể, nhất là về luyện kim và cơ khí chế tạo.

Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm một hộ làm kinh tế giỏi ở thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang (tháng 9/1994). (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)
Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm một hộ làm kinh tế giỏi ở thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang (tháng 9/1994). (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)

Anh nóng lòng muốn xây dựng công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng nhiều hơn, nhanh hơn. Anh đặt trọn niềm tin vào vai trò chỉ đạo kinh tế của Nhà nước, vào lực lượng kinh tế quốc doanh, nhưng rất e ngại và nhạy cảm với những biểu hiện tiêu cực của kinh tế tư nhân.

Công cuộc đổi mới của chúng ta rất diệu kỳ, một trong những sự diệu kỳ đó là công cuộc đổi mới lại do chính những người đã từng bị tư duy cũ trói buộc làm nên. Vẫn những đồng chí lãnh đạo ấy, từ trăn trở trước cuộc sống, đã thâm nhập thực tế, lắng nghe tiếng nói của người dân và ý kiến của cán bộ từ cơ sở, qua những cuộc thảo luận, tranh cãi quyết liệt, những tìm tòi thử nghiệm và cả trả giá, cuối cùng đã tự “lột xác” trở thành những người ủng hộ đổi mới, đề xướng đổi mới toàn diện rồi lãnh đạo công cuộc đổi mới của nước ta đi đến thành công. Anh Ðỗ Mười là một người lãnh đạo như thế.

Anh Ðỗ Mười làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng từ năm 1988 đến năm 1991 và làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng từ năm 1991 đến năm 1997. Những năm anh giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt của Ðảng và Nhà nước, chính là thời gian Ðảng ta đưa đường lối đổi mới toàn diện của Ðại hội VI vào cuộc sống, vượt qua muôn vàn khó khăn của buổi ban đầu, từng bước đổi mới thành công.

Đại hội VI của Ðảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện từ cuối năm 1986. Những năm đầu thực hiện đường lối ấy đất nước ta phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức mà chưa thể hái ngay quả ngọt. Từ năm 1986 đến năm 1988 lạm phát "phi mã", giá cả mỗi năm tăng ba con số. Ðầu năm 1988 hàng triệu người ở miền bắc lâm vào cảnh thiếu đói; Nhà nước phải lo chạy lương thực từng ngày để có đủ gạo, mỳ cung cấp cho các thành phố và khu công nghiệp. Ðồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và đồng chí Ðỗ Mười phải vào miền nam trực tiếp đôn đốc việc thu mua lương thực để cung cấp cho nhân dân các thành phố, cho cán bộ, công nhân, viên chức và quân đội.

Gian nan như thế, nhưng ban lãnh đạo Ðảng ta, trong đó có anh Ðỗ Mười, vẫn kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới, quyết không quay lại con đường cũ. Chẳng lâu sau, tình hình bắt đầu chuyển biến, lạm phát giảm dần, đến giữa năm 1989 Việt Nam bắt đầu xuất khẩu được gạo, các năm sau đó mỗi năm đều xuất khẩu hàng triệu tấn gạo, rồi nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ nhì thế giới. Ðây thật là một chuyển biến thần kỳ, một niềm vui lớn của đất nước. Từ đây chúng ta không còn phải đi xin lương thực, không còn lo thiếu "cái ăn" nữa.

Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, việc chuyển đổi cơ chế quản lý giá, từ chỗ Nhà nước định giá mọi sản phẩm một cách chủ quan chuyển sang cơ bản để thị trường định giá, từ cơ chế hai giá chuyển sang một giá là việc đặc biệt khó khăn. Ðây cũng là một khâu có ý nghĩa then chốt trong việc chuyển nền kinh tế từ cơ chế quản lý bao cấp, mang nặng tính phân phối hiện vật sang nền kinh tế thị trường.

Năm 1987, Hội nghị Trung ương 2, khóa VI quyết định chuyển giá mua bán nông sản, hàng tiêu dùng sang giá thị trường. Ðến đầu năm 1988, Bộ Chính trị bắt đầu bàn việc bỏ hệ thống giá cung cấp của Nhà nước đối với vật tư, nhiên liệu, năng lượng... đồng thời định lại tỷ giá hối đoái, đưa hệ thống giá tư liệu sản xuất và tỷ giá hối đoái tiếp cận giá thị trường. Theo đó, dự kiến giá cả vật tư hàng hóa sẽ tăng lên nhiều lần. Ðây thực chất là bước tổng điều chỉnh giá, lương, tiền mới, khi thực hiện tình hình thị trường, tài chính, tiền tệ và tình hình kinh tế chung diễn biến thế nào thì còn rất khó lường. Bộ Chính trị nhất trí cho rằng việc này là cần thiết, nhưng mọi người đều băn khoăn lo lắng. Anh Ðỗ Mười ủng hộ thực hiện bước đi này nhưng kiên quyết yêu cầu các cơ quan nhà nước không được chỉ tính toán một cách võ đoán trong bàn giấy mà phải kết hợp đi xuống một số xí nghiệp thử tính xem với giá "đầu vào" mới, giá thành và giá bán sản phẩm của xí nghiệp sẽ đội lên đến đâu, thị trường có chấp nhận được không, tiền lương và tài chính tiền tệ của Nhà nước sẽ như thế nào, sau đó mới quyết định.

Tôi còn nhớ cuộc tranh luận về việc này ở TP Hồ Chí Minh lúc đó gay gắt đến mức có một đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng không tiếp thu những ý kiến phê phán đã đứng lên xin từ chức ngay tại cuộc họp. Tập thể Bộ Chính trị, cả đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng không đồng tình với thái độ này, cho rằng trong tranh luận nếu có ý kiến nào nói quá thì nên rút kinh nghiệm, nhưng việc tranh luận là hoàn toàn cần thiết và bình thường. Ý kiến của đồng chí Ðỗ Mười được Bộ Chính trị chấp thuận và sau đó được đưa vào kết luận của cuộc họp. Không lâu sau, anh Ðỗ Mười nhận chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thay đồng chí Phạm Hùng và chính anh đã chỉ đạo Chính phủ thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về cuộc điều chỉnh giá lần này thành công, hoàn thành một bước quan trọng đầy khó khăn trong quá trình chuyển đổi thể chế kinh tế mà không gây ra xáo trộn lớn. Nền kinh tế nước ta tiếp tục đổi mới, từng bước phát triển kinh tế nhiều thành phần, thoát khỏi bao cấp, xác lập thể chế kinh tế thị trường, hội nhập với nền kinh tế thế giới, lạm phát nguội dần, nhịp độ phát triển kinh tế nhanh hơn, đến năm 1995 đạt đỉnh cao tăng 9,5%.

Vậy là cùng với Trung ương Ðảng, anh Ðỗ Mười đã lãnh đạo đất nước đưa đường lối đổi mới vào cuộc sống thành công, bước đầu định hình được thể chế kinh tế mới, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, bước sang giai đoạn mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa và mở cửa hội nhập với thế giới. Ðây là những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong quá trình cách mạng xây dựng và bảo vệ đất nước của Ðảng ta, nhân dân ta.

Anh Ðỗ Mười cầm lái con thuyền cách mạng vào thời điểm Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu sụp đổ, phe xã hội chủ nghĩa tan rã. Trước kia không ai nghĩ là Liên Xô có thể sụp đổ nhanh thế, dễ dàng thế, cú sốc này lớn quá, đột ngột quá, ghê gớm quá. Lúc này bản lĩnh chính trị của cơ quan lãnh đạo Ðảng, của đồng chí Tổng Bí thư thật quan trọng, có ý nghĩa quyết định, sống còn. Anh Ðỗ Mười đã thể hiện được tinh thần vững vàng, kiên định đó, vừa chỉ đạo đổi mới, vừa giữ vững được chế độ chính trị, bảo đảm ổn định xã hội. Ðảng ta thấy rõ không đổi mới là không được, nhưng đổi mới theo kiểu bất chấp thì sẽ đi vào con đường của Ðông Âu. Chúng ta quyết tâm đổi mới, nhưng cũng kiên quyết giữ chế độ, giữ sự lãnh đạo của Ðảng, giữ định hướng xã hội chủ nghĩa. Cũng trong những năm ấy, nước ta đã phá được thế bị bao vây cấm vận, đặt lại quan hệ bình thường với Trung Quốc và nhiều nước khác, rồi đặt quan hệ với Mỹ, gia nhập khối ASEAN, đàm phán phân định biên giới trên bộ và trên vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, đàm phán hiệp định thương mại tay đôi với Mỹ và nhiều nước, đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Tất cả những cuộc đàm phán này đều đi đến thành công mở ra cục diện đối ngoại mới chưa từng có trong lịch sử nước ta. Anh Ðỗ Mười ghi đậm dấu ấn lãnh đạo trong tất cả những cột mốc đối ngoại quan trọng ấy.

Trong công tác xây dựng Ðảng, anh Ðỗ Mười có nhiều đóng góp quan trọng, chính anh là người khởi xướng "Quy chế dân chủ ở cơ sở" mà Ðảng ta vẫn đang thực hiện. Chủ trương rất đúng đắn, sáng tạo này được anh đưa ra sau khi suy ngẫm thực tế sự việc xảy ra ở Thái Bình. Hồi đó, nhiều cán bộ Ðảng và chính quyền tỉnh Thái Bình tha hóa, hư hỏng, sống xa hoa, xa dân, có nhiều việc làm vi phạm quyền lợi của dân nên đã bị người dân bất bình phản đối quyết liệt. Anh Ðỗ Mười cho rằng để ngăn chặn tình trạng này từ gốc thì phải phát huy được dân chủ từ cơ sở, để người dân được biết, được tham gia góp ý kiến và giám sát việc thực hiện các chủ trương quan trọng của Ðảng, chính quyền, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền lợi thiết thân của người dân. Anh trực tiếp thành lập và chỉ đạo tổ chuyên viên nghiên cứu dựa theo tinh thần "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" nói trên mà xây dựng thành dự thảo quy chế dân chủ ở cơ sở, đưa ra tập thể lãnh đạo Ðảng thảo luận và ban hành thành quy chế thực hiện trong cả nước.

Có một độ, không rõ từ đâu có dư luận rộ lên là anh Ðỗ Mười đã dùng riêng cho mình toàn bộ một triệu đô-la quà tặng của Hàn Quốc trong dịp anh đi thăm Hàn Quốc. Sự thật là khi đi thăm Hàn Quốc, một công ty của Hàn Quốc biết đồng chí Tổng Bí thư rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nên đã tặng đồng chí một triệu đô-la. Khi về đồng chí đã báo cáo Bộ Chính trị việc này và sau khi phía Hàn Quốc báo đã chuyển tiền, anh Mười đã chỉ đạo Văn phòng Trung ương Ðảng và Ban Khoa giáo Trung ương giao toàn bộ số tiền này cho ngành giáo dục để hỗ trợ các trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật ở cả ba miền trung, nam, bắc. Bản thân anh chưa bao giờ "đụng đến" số tiền ấy. Về sau, để những người không có thông tin khỏi hoài nghi, Ban Bí thư đã ra thông báo công khai sự việc này và chính tôi là người soạn thảo thông báo đó.

Tôi có một thời gian vinh dự được làm việc với anh Ðỗ Mười dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh. Khi anh Ðỗ Mười làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, tôi đang công tác ở Văn phòng Trung ương, lúc đầu là Phó Văn phòng, sau là Chánh Văn phòng Trung ương Ðảng. Ðối với thế hệ chúng tôi, anh Ðỗ Mười thuộc lớp các bậc lão thành cách mạng đi trước. Ấn tượng để lại trong chúng tôi sau những năm tháng được ở gần, cùng làm việc với anh rất sâu đậm. Ðây là một đồng chí lãnh đạo suốt đời cống hiến cho sự nghiệp của Ðảng, một lòng vì Ðảng, vì dân, sống cần kiệm, chân chất giản dị, gần gũi, chan hòa với đồng chí, đồng bào. Anh là người trung thành tuyệt đối với lý tưởng và mục tiêu của Cách mạng, là người lãnh đạo luôn sôi nổi, nhiệt tình, đặc biệt có bản lĩnh rất kiên định, vững vàng trước mọi thử thách, sóng gió. Cái làm chúng tôi càng rất quý anh Mười là anh có cái tâm rất sáng. Anh tự rèn luyện trong thực tiễn cách mạng, làm việc gì cũng có chủ ý, có những ý kiến độc lập; những ý tưởng sáng suốt, sâu sắc ở tầm chiến lược mà chúng tôi rất khâm phục. Vấn đề khởi xướng Quy chế dân chủ ở cơ sở, vấn đề tôn vinh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… đều là đề xuất của đồng chí Tổng Bí thư Ðỗ Mười.

Có thể nói, trải qua các giai đoạn cách mạng đầy khó khăn gian khổ và trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, đồng chí Ðỗ Mười đã góp phần công lao to lớn. Sau này, với cương vị Tổng Bí thư của Ðảng, đồng chí đã cùng Ban lãnh đạo của Ðảng đưa đường lối đổi mới toàn diện của Ðảng đi vào cuộc sống thành công, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng và đặt nền móng cho những bước đổi mới, hội nhập ngày càng sâu rộng; đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ta tới những thắng lợi huy hoàng mới.

Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Ðỗ Mười sẽ còn sống mãi trong lòng Ðảng ta, nhân dân ta.

----------------------------

(*) Theo cuốn Ðồng chí Ðỗ Mười - dấu ấn qua những chặng đường lịch sử, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2012.