Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong
Thời gian càng lùi xa, những điều Bác Hồ căn dặn về vai trò của cán bộ và công tác cán bộ càng thấy quý biết bao: Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy thì toàn bộ máy cũng tê liệt. Người cho rằng, có cán bộ tốt, việc gì cũng xong, bởi cán bộ là người đem chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước thi hành trong nhân dân và cũng là người nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để xem lại chủ trương, đường lối, chính sách đúng chưa; là người dìu dắt, đào tạo các lớp cán bộ kế cận cho cả hệ thống chính trị. Cán bộ tốt sẽ tạo động lực cho nhân dân đồng lòng làm theo Ðảng, "nơi nào có cán bộ tốt, thì cả vùng đó hoạt động như một bộ máy... tỏ ra một bầu không khí hăng hái, vui vẻ. Nơi nào cán bộ xoàng, thì vùng đó, như đang ngủ say. Trên giấy thì cái gì cũng có. Nhưng sự thật, thì việc gì cũng uể oải, lúi xùi". (Hồ Chí Minh toàn tập. H.2011. Tập 5, tr 166, 167).
Nói đến cán bộ, Bác Hồ luôn coi trọng cả hai mặt đức và tài, trong đó đức là gốc. "Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai" (SÐD. Tập 10, tr 345, 346); nhưng không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Theo Người, cán bộ có đức, có tài là người chịu khó học hỏi, cầu tiến bộ, học cái hay ở người khác, siêng năng và tiết kiệm; đối với đồng chí mình thì thân ái, nhưng không che đậy những điều dở; không tranh giành, hoặc ghen ghét, đố kỵ nhau; đối với công việc phải nghĩ cho kỹ, có việc làm trước mắt thành công nhưng thất bại về sau, có việc địa phương này làm có lợi nhưng hại cho địa phương khác; đối với nhân dân phải hiểu nguyện vọng, cực khổ của họ và học sáng kiến của họ; đối với đoàn thể phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh, tuyệt đối trung thành, sẵn sàng hy sinh tính mạng, lợi quyền, giữ danh giá của đoàn thể,...
Ðức và tài ở cán bộ là kết quả của quá trình dày công rèn luyện, giáo dục của Ðảng, "như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu"; là sự phấn đấu không ngừng của bản thân và sự chăm lo, nuôi dưỡng, đùm bọc của nhân dân. Những năm 1926, 1927, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp mở các lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên ưu tú của Việt Nam về chủ nghĩa cộng sản, về phương pháp cách mạng mới, sau đó đưa về nước và trở thành những "hạt giống đỏ" của cách mạng nước ta. Suốt cuộc đời hoạt động của mình, Người luôn chăm lo rèn luyện, nuôi dưỡng cán bộ cho Ðảng, cho dân. Nhiều bài viết, bài nói chuyện của Người đã thành "cẩm nang" của những người làm công tác tổ chức xây dựng Ðảng, của cán bộ, đảng viên, như Sửa đổi lối làm việc; Ðạo đức cách mạng; Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân,... Qua các tác phẩm đó, càng thấy vấn đề Người đặc biệt quan tâm là đạo đức của cán bộ, cảnh báo những thói hư tật xấu mà cán bộ dễ mắc phải như cậy thế mà làm trái phép nước, quan liêu, hách dịch, xa rời dân chúng, lười biếng, kiêu ngạo, ham địa vị, hẹp hòi, kéo bè, kéo cánh,... Tất cả những thói hư đó là do chủ nghĩa cá nhân mà ra, nó khiến cho con người ta ngại khó, ngại khổ, không chịu học tập để tiến bộ. Người nhắc nhở, phải loại trừ các căn bệnh đó và mỗi cán bộ cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bản thân, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, không che giấu khuyết điểm, thực hiện rộng rãi tự phê bình, phê bình, giúp nhau cùng tiến bộ. Nghệ thuật dùng người, dùng cán bộ của Bác là như thế.
Chọn người có đức, có tài lo việc nước
Trọng dụng người có đức, có tài là truyền thống quý báu của dân tộc ta suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Thời nào biết trọng dụng hiền tài thì đất nước thịnh và ngược lại đất nước sẽ suy, nhân dân cơ cực, lầm than. Tư tưởng đó của cha ông ta được Bác Hồ kế thừa, phát triển và hoàn thiện trong điều kiện mới. Tháng 11-1946, đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Người viết Tìm người tài đức đăng trên báo Cứu quốc số 411. Khẳng định kiến thiết cần phải có nhân tài; nhân tài trong nhân dân, Người kêu gọi chính quyền các địa phương ngay lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước, lợi dân phải báo cáo ngay cho Chính phủ. Và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người trọng dụng nhân tài hơn ai hết. Biết cụ Huỳnh Thúc Kháng từng là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ thời thuộc Pháp, nổi tiếng tài năng, đức độ và có lòng yêu nước, Bác Hồ đã mời ra làm Bộ trưởng Nội vụ và giao Quyền Chủ tịch nước khi Người sang Pháp, năm 1946. Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, một trí thức thời thuộc Pháp được giao trọng trách là người đứng đầu ngành giáo dục 29 năm; cụ Bùi Bằng Ðoàn, một Thượng thư Bộ Hình dưới triều Nguyễn cũng được mời làm Trưởng ban thanh tra đặc biệt của Chính phủ và sau này làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội,...
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, người có đức, có tài trong nhân dân không thiếu. Nơi nào mà cán bộ cấp trên biết lựa chọn và dìu dắt, thì có nhiều cán bộ mới nảy nở và công việc rất phát triển. Trái lại, nơi nào cán bộ cấp trên không biết lựa chọn, dìu dắt thì vẫn thiếu người mà công việc cứ luộm thuộm. Nhưng người có đức, có tài không phải tự nhiên mà có, phần lớn do công tác, do tập luyện mà nên. "Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ" (SÐD. Tập 5, tr 320). Việc dùng người có đức, có tài còn phải biết tùy tài mà dùng, "Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy" (SÐD. Tập 4, tr 43); không thể thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao.
Ðọc lại các bài viết về công tác cán bộ, nhất là cách dùng người của Bác Hồ trong lúc chúng ta đang tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội XIII của Ðảng càng thấm thía những điều Người dặn. Rõ ràng, việc lựa chọn, bố trí cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ thể hiện sức mạnh của Ðảng mà còn là niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Ðó phải là những người có đức, có tài thật sự. Ðội ngũ cấp ủy viên các cấp từ Trung ương đến cơ sở là sự biểu hiện tập trung trí tuệ, ý chí, bản lĩnh và danh dự của mỗi đảng bộ và toàn Ðảng, trong nhiệm kỳ Ðại hội XII đã cơ bản làm tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, con số gần 100 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã để lại bài học sâu sắc, thậm chí là đắt giá.
Chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần yêu cầu kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời không để lọt vào cấp ủy những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; mị dân, chuyên quyền, độc đoán; không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị; không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít nói không đi đôi với làm; có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác không rõ nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính... Ðây là việc làm thiết thực nhất thực hiện những điều Bác Hồ căn dặn về cách dùng người, dùng cán bộ.