Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt, với đợt dịch bùng phát lần thứ 4, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cả hệ thống chính trị đã tiếp tục vào cuộc, nhất là lực lượng tuyến đầu, huy động, quy tụ được sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước với mọi nguồn lực để đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, chăm lo, ổn định đời sống người dân, người lao động. Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, mạnh mẽ trong việc đề xuất, ban hành và tổ chức thực thi các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp, linh hoạt, đặc thù nhằm kiểm soát dịch bệnh, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng chung sức phòng, chống dịch, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tích cực hưởng ứng, phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm chuyển tải, lan tỏa những chính sách, chỉ đạo của Chính phủ đến các tầng lớp nhân dân; chủ trì hiệp thương giữa các tổ chức thành viên phối hợp với chính quyền địa phương, kịp thời hỗ trợ nhân dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch và giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Tính từ ngày 1/5 đến ngày 23/9/2021, theo báo cáo của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên và Kho bạc Nhà nước, tổng số kinh phí và hiện vật đã vận động được: 18.246 tỷ đồng. Trong đó, qua hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là 9.554 tỷ đồng (tiền mặt là 4.115 tỷ đồng, hiện vật quy ra tiền là 5.439 tỷ đồng); qua Quỹ vaccine phòng Covid-19 là 8.692 tỷ đồng. Đã phân bổ, hỗ trợ các tỉnh, thành phố và chỉ mua vaccine phòng Covid-19: 12.835 tỷ đồng, trong đó phân bổ 3.028.176 phần quà Đại đoàn kết và túi quà an sinh, hỗ trợ mua thiết bị vật tư y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch... là 8.329 tỷ đồng. Quỹ vaccine đã chi 4.506 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Về kết quả phối hợp công tác, thời gian qua, sự phối hợp giữa hai bên ngày càng chặt chẽ, thực chất, hiệu quả với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, phù hợp yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, nổi bật là:
Phối hợp đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020, các Nghị quyết của Chính phủ và Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam hằng năm.
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam thường xuyên tham dự và phát biểu tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các hội nghị chuyên đề, góp phần cùng Chính phủ nhận diện các khó khăn, thách thức và đề ra giải pháp phù hợp, thiết thực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành luôn dành thời gian quan tâm, lắng nghe và trực tiếp nắm bắt tình hình nhân dân thông qua ý kiến phản ánh của người đứng đầu MTTQ Việt Nam để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng kịp thời nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc chăm lo, tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam tổ chức tốt các hoạt động như: Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX và Đại hội MTTQ các cấp, nhiệm kỳ 2019-2024; tham gia công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026.
Phối hợp tổ chức chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”, “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư”, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới...; đặc biệt, hai bên đã tập trung cao độ, nỗ lực cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ngăn chặn, đẩy lùi, quyết tâm vượt qua đại dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết”.
Hai bên ngày càng có nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả trong việc phát huy dân chủ, tham gia, góp ý xây dựng pháp luật, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng, lời thăm hỏi ân cần, sâu sắc, thân thiết nhất tới các đồng chí lãnh đạo, cán bộ MTTQ các cấp; cảm ơn sự đồng lòng, hưởng ứng, giúp đỡ, đồng hành của MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với Chính phủ qua các thời kỳ; khẳng định, MTTQ Việt Nam luôn luôn phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, mỗi người trên cương vị của mình được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.
Thủ tướng nêu rõ, đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, trong khu vực, cũng như ở nước ta, tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống xã hội, làm đảo lộn đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, chúng ta luôn có sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân. Đó là tài sản vô giá của dân tộc ta, giúp chúng ta chiến thắng dịch bệnh. Chúng ta lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu, vươn lên. Dưới sự lãnh đạo của MTTQ Việt Nam, chúng ta tập hợp được các tầng lớp nhân dân.
Thủ tướng đánh giá rất cao vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội, nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là trong lúc khó khăn vì đại dịch này; khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, dành tình cảm cho MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội.
Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam 5 năm qua. Mối quan hệ này qua nhiều thời kỳ cách mạng mang lại hiệu quả quan trọng, góp phần vào thành công của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Sự phối hợp giữa hai bên là đòi hỏi khách quan, phù hợp thực tiễn, vì lợi ích của đất nước.
Chính phủ, các thành viên Chính phủ luôn coi trọng, lắng nghe ý kiến của MTTQ Việt Nam; khẳng định Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam luôn được thực hiện hiệu quả.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu: phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập Nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ trân trọng đề nghị, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Dân vận T.Ư cùng sát cánh với Chính phủ, chung sức, đồng lòng trong triển khai các nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, trong đó tập trung vào một số nội dung:
Chúng ta chuyển sang giai đoạn mới trong phòng, chống dịch là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, do đó Thủ tướng mong MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đồng hành với Chính phủ trong công cuộc này.
Nhân dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm trong phát triển đất nước. Mọi chính sách đều phải hướng đến nhân dân. MTTQ phối hợp giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh. Tích cực phối hợp triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”.
Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, để những chính sách này thực sự phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống thì cần có sự tham gia tích cực của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm.
MTTQ Việt Nam phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Chính phủ trong nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo mọi điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia hiệu quả vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước kết hợp với phương thức vận động, tập hợp nhân dân.
Chính phủ luôn quán triệt quan điểm “Đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển bền vững”. Qua đó, Chính phủ đề nghị MTTQ Việt Nam tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai hiệu quả các đề xuất, kiến nghị tại Hội nghị này.
MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên làm tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội; phát huy tối đa trí tuệ của các nhà khoa học, những chuyên gia giàu kinh nghiệm; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa với Chính phủ trong việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về giám sát và phản biện xã hội để phát huy vai trò giám sát của nhân dân.
Phát huy vai trò tích cực của MTTQ Việt Nam trong tham gia kiểm soát quyền lực. Phối hợp đề xuất, xây dựng các cơ chế, phương thức phù hợp trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí ở ngay tại mỗi địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị; giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; kịp thời cập nhật thông tin từ các nguồn chính thống, đồng thời phản bác các tin giả, xấu độc, nhất là về tình hình và công tác phòng, chống dịch Covid-19; chú trọng tuyên truyền, cổ vũ những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, vượt khó vươn lên.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp; trong đó tập trung thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại, vận động, tăng cường đoàn kết đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các tôn giáo trong xã hội; xã hội hóa y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, bảo vệ môi trường...
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Ban Dân vận T.Ư tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan hành chính nhà nước các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng các nội dung của công tác dân vận chính quyền, tạo không gian rộng mở để người dân tham gia quyết định chính sách và thực hiện chính sách.
Dân vận khéo chính là nói đi đôi với làm, mang lại hiệu quả cho nhân dân. Vận động, kêu gọi nhân dân chấp hành mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, quan tâm đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.