... Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, ta quyết tâm giải phóng miền nam trong năm 1975... Trong một cuộc họp lãnh đạo Bộ Công an, anh Trần Quốc Hoàn phổ biến những nghị quyết của Bộ Chính trị nhưng không nói rõ ngày giải phóng. Anh nói: Tôi cử một đoàn vào Trung ương Cục do đồng chí Viễn Chi phụ trách cùng một số đồng chí lãnh đạo cấp Cục như: Cục Bảo vệ chính trị, tình báo, nghiên cứu tổng hợp cùng điện đài cơ yếu theo đường Trường Sơn... Anh Hoàn nói: "Ðoàn đi đến đâu phải kết hợp với địa phương, nắm tình hình rồi điện về cho tôi biết để có chỉ thị tiếp theo".
Ðây là lần thứ ba tôi vào nam từ năm 1954 theo lệnh của anh Hoàn... Khi chúng tôi qua Ðà Nẵng... tôi gặp đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy Khu V... trình bày mục đích chuyến đi này. Ðồng chí Võ Chí Công rất vui mừng nói: "Ta mới giải phóng Ðà Nẵng, anh nên ghé qua Công an Khu V và ghé qua Ðà Nẵng để góp ý kiến với các đồng chí về kinh nghiệm vùng mới giải phóng"...
Tôi góp ý kiến về đối sách của ta với ngụy quân, ngụy quyền, gián điệp và các đảng phái phản động. Rút kinh nghiệm từ lần trước, ta phải phổ biến cho nhân dân chính sách của Chính phủ là trừng trị những phần tử nguy hiểm ngoan cố, khoan hồng cho những người bị ép buộc hoặc nay đã hối cải tố giác đồng bọn lập công chuộc tội... Tôi tranh thủ gặp đồng chí Hồ Tuyên, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ðà để trao đổi với đồng chí những kinh nghiệm đã qua và giúp công an quản lý vùng mới giải phóng... Qua Quảng Ngãi, được anh em cho biết trước khi rút lui, địch đã cài máy nghe trộm ở các cơ quan công an. Tôi bàn với anh em cắt hết dây điện cũ của địch và dùng dây điện mới tránh địch dùng kỹ thuật để nắm tình hình của ta...
Ngay từ đầu, Bộ Công an đã có những đơn vị chuyên trách nghiên cứu miền nam do đồng chí Trần Quốc Hoàn phụ trách, còn các việc khác của Bộ đều do các đồng chí Thứ trưởng chịu trách nhiệm... Có bộ phận chuyên nghiên cứu địch tình, có bộ phận chuyên nghiên cứu các chính sách đối với ngụy quân, ngụy quyền, gián điệp. Gần đến ngày giải phóng, anh Hoàn còn giao cho anh em nghiên cứu và thông báo niêm yết cho nhân dân biết về chính sách tiếp quản của ta, tổ chức bộ phận biên soạn các sổ tay cho cán bộ ở vùng mới giải phóng như: công tác điều tra nghiên cứu, quản lý trại giam, giữ gìn trật tự xã hội, công tác xét hỏi và xây dựng lực lượng... Chúng tôi kết hợp kinh nghiệm giải phóng Quảng Trị năm 1972 và kinh nghiệm của Huế, Ðà Nẵng với việc phổ biến những tài liệu của Bộ đã biên soạn để anh em tham khảo và trình Bí thư Trung ương Cục quyết định.
Ngày 30-4-1975, các quân đoàn 1, 2, 3, 4 và binh đoàn 232 từ các nơi rầm rộ tiến vào Sài Gòn... Ðoàn xe chúng tôi tiến thẳng vào Tổng nha Cảnh sát... Thông qua báo cáo của các địa phương, tôi đã nắm được tình hình an ninh đầy phức tạp một cách tổng quát.
Qua khai thác một tên tình báo Mỹ bị bắt, ta được biết một số tên nội gián chui vào hàng ngũ ta, trong đó có một tên đã hoạt động được hơn 10 năm, mang tên trùng với hai đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh. Y đã cung cấp nhiều tin tức rất quan trọng cho địch. Tây Ninh là căn cứ Trung ương Cục nên mọi tin tức quan trọng về quân sự, chính trị của ta, y đều biết và cung cấp cho CIA. Những tin tức này được Lầu Năm Góc rất chú ý, chúng coi y là một tên tình báo số 1. Y có trí nhớ rất tốt. Chỉ cần đọc một lượt những chỉ thị, nghị quyết của ta là y có thể chép lại hầu như nguyên văn.
Tình báo Mỹ trước khi rút khỏi Việt Nam đã cài y ở lại. Y giao hẹn là tất cả hồ sơ, báo cáo của y gửi cho cảnh sát và CIA đều phải đốt hết để không còn tung tích. Nhưng Mỹ đã rút về nước, công an cảnh sát ngụy thì mất hết tinh thần, không còn bụng dạ nào đốt hồ sơ của y nữa. Cảnh sát trưởng ngụy ở Tây Ninh lúc đó là tên Nguyễn Tấn Danh trực tiếp nắm y. Chúng tôi đã bắt tên Nguyễn Tấn Danh. Tên này khai báo đầy đủ quá trình sử dụng và bàn giao Võ Văn Ba cho tình báo Mỹ. Qua khai thác Nguyễn Tấn Danh, chúng tôi biết đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy bị bắt là oan, ký tên trong báo cáo có tên Nguyễn Văn Ba là tên giả mạo. Nguy hiểm hơn, trong Thường vụ Tỉnh ủy có hai đồng chí tên là Ba. Chúng tôi tìm hồ sơ trong Tổng nha Cảnh sát ngụy và nắm được toàn bộ hồ sơ của y do chính tay y viết. Ðồng chí Tô Quyền (cán bộ miền bắc chi viện cho miền nam), Trưởng ban An ninh Tây Ninh, báo cáo cụ thể với tôi.
Sau khi thu thập đầy đủ tài liệu, nghiên cứu hồ sơ của Võ Văn Ba với Ty công an ngụy và Tổng nha Cảnh sát, tôi báo cáo Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn bàn cách bắt Võ Văn Ba để khai thác, đồng thời can thiệp với Tỉnh ủy Tây Ninh để minh oan cho hai đồng chí. Nhưng vì tình tiết sự việc phức tạp nên sau một thời gian dài mới minh oan được cho hai đồng chí đó.
Vụ Võ Văn Ba là vụ nội gián quan trọng. Y đã chui sâu, leo cao vào nội bộ ta. Trong 10 năm, y đã thu thập rất nhiều tin tức quan trọng cho địch, nhưng vì ta có nhiều tin tức và bút tích của y còn lưu lại trong hồ sơ cảnh sát cộng với lời khai của Nguyễn Tấn Danh (người trực tiếp phụ trách y) nên việc kết tội y không khó khăn. Công an Tây Ninh bắt tên gián điệp Võ Văn Ba đưa về trại giam của Tổng nha Cảnh sát ngụy cũ... Sau khi đến nhà anh Trần Quốc Hoàn báo cáo kết quả khai thác, anh Hoàn chỉ thị cho tôi bàn giao tên này cho An ninh Trung ương Cục... Trong giờ tập thể dục buổi sáng của anh em, Võ Văn Ba đã dùng dây quần thắt cổ tự tử.
Ðược tin này, tôi rất sửng sốt và ân hận vì đã không bàn giao kỹ cho anh em. Ðối với những tên nội gián nguy hiểm, sau khi bị bắt, biện pháp cuối cùng của chúng là kết liễu đời mình... Bọn chúng như con rắn độc khi đã chui vào nội bộ ta thì tìm mọi cách cắn chết bất cứ người nào để bảo vệ tính mạng mình. Võ Văn Ba khai tên giả trùng với tên của hai đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh với mục đích trút tội cho hai đồng chí này, khiến hai đồng chí bị bắt oan. Nếu ta không sớm tìm ra bộ mặt thật của y, không biết số phận hai đồng chí này ra sao.
Sau giải phóng miền nam, một cơ sở tình báo của tôi ở nước ngoài báo, một cán bộ công an hoạt động hợp pháp ở Hồng Công đã bị CIA mua chuộc. Nghe tin này, tôi giật mình vì ở Hồng Công tôi có một cán bộ tên là Thận đã ở đó hai, ba năm. Trước đó anh ta đã ở Cam-pu-chia, An-giê-ri và một số nước khác. Xem báo cáo của anh ta thấy không có điểm gì đáng quan trọng. Lúc đó tôi đã nhắc Cục Nghiệp vụ tìm người thay anh ta. Nay được tin này tôi càng nghi ngờ và điện cho đồng chí Phạm Mai (Cục phó) tìm cách gọi anh ta về nước báo cáo tình hình, nhận chỉ thị mới. Sau đó một tuần, anh ta từ Hồng Công về Hà Nội. Tôi báo cáo anh Hoàn rồi đáp máy bay về ngay Hà Nội. Sau vài ngày nghỉ ngơi, tôi cho mời Thận đến báo cáo... Khi hỏi về mối quan hệ gần đây nhất của anh ta, anh ta loanh quanh với nhiều đầu mối không quan trọng, cố tình che giấu quan hệ với CIA ở Hồng Công. Khi đưa ra những tài liệu chứng cứ cụ thể nhưng anh ta vẫn cố tình giấu giếm. Nhưng thấy thái độ cương quyết của tôi, anh ta phải thú nhận. Anh ta kể về một đầu mối nữ Việt Nam tên là Ðỗ Thị Tính ở Hồng Công (trước ở Cam-pu-chia).
Thận khai: "Một hôm đi làm về tôi thấy một người phụ nữ Việt Nam khoảng 35 tuổi nhưng còn trẻ đẹp chào tôi bằng tiếng Việt (hình như cô ta đã đợi tôi từ trước). Gặp đồng hương ở nước ngoài trong lúc đời sống cô quạnh tôi rất mừng. Lúc đó chị ta nói với tôi: "Em thuê một căn phòng gần chỗ làm việc của anh, lúc nào rỗi mời anh sang chơi. Em sống một mình". Lúc đó gần đến Tết âm lịch, cán bộ cơ quan đều về nước ăn Tết, còn tôi phải ở lại trực. Chị ta đem bánh chưng, rượu và giò đến. Tôi nhận và cảm ơn chị ta. Sau đó, tôi sang nhà chị ta chơi. Ngôi nhà trang hoàng rực rỡ. Chị ta ăn mặc diêm dúa, khoác một chiếc áo voan mỏng và rót rượu mời tôi. Do bản chất hiếu sắc, lại xa vợ lâu ngày nên sau mấy chén rượu ngà ngà tôi ngả vào lòng chị ta. Từ đó bắt đầu mối quan hệ giữa hai chúng tôi mà tôi cho là không ai biết...
Một hôm, chị ta nói với tôi có người bạn buôn bán với chị ta muốn gặp tôi bàn chuyện làm ăn. Tôi nhận lời. Khi gặp nhau, giới thiệu chào hỏi xong, anh ta tự giới thiệu là người của CIA, đưa ra những bức ảnh khỏa thân của chúng tôi và nói: "Ðây là nghề nghiệp của tôi mong anh thông cảm. Tôi được biết Chính phủ của các anh rất nghiêm, không thể tha thứ cho một cán bộ ra nước ngoài công tác lại chơi bời trác táng như thế này". Hắn cho tôi hai điều kiện: một là hằng tháng phải báo cáo tình hình cơ quan, những chủ trương của Chính phủ cho hắn thì sẽ được tiếp tục sống như trước; nếu không thì hắn sẽ gửi tất cả những bức ảnh này cho Công an Việt Nam... Giữa lúc hoang mang đó tôi nhận được điện của Bộ gọi về nước để báo cáo tình hình và nhận nhiệm vụ mới...".
Tôi nói với Thận: "Nếu tôi giao cho anh nhiệm vụ gọi Tính về nước thì anh có làm được không?". Anh ta trả lời: "Tôi có thể làm được". Sau đó anh ta dùng điện tín gọi thị Tính về nước... Tôi bố trí cho chị ta ở khách sạn Thắng Lợi và cử một nữ cán bộ giả làm tiếp viên của khách sạn phục vụ chị ta để có thể tiếp cận thường xuyên. Tôi cũng tạo điều kiện cho Thận gặp thị Tính dưới sự theo dõi của ta...
Tôi báo cáo anh Trần Quốc Hoàn tất cả tình hình vụ án kèm theo những nhận xét của tôi về đề nghị cho chị ta vào nam nhận diện những tên CIA địch cài lại ở Hồng Công mà chị ta biết. Nếu có điều kiện thì tìm một ngôi nhà trang bị tiện nghi đầy đủ để làm một khách sạn nhỏ, giao cho chị ta đón khách ở Hồng Công dưới sự theo dõi của ta... Riêng đối với Thận... bị giam rồi đuổi ra khỏi ngành.
Sau khi rút chạy, đế quốc Mỹ vẫn chưa từ bỏ âm mưu trở lại Việt Nam. Chúng sử dụng bọn tay sai trong số phản động, lợi dụng tôn giáo... để kích động đồng bào chống đối cách mạng... nhưng sau cũng bị thất bại. Ở vùng Tây Nguyên, tình báo Mỹ nắm được một số người cầm đầu trong dân tộc ít người, sau chúng tái lập lại tổ chức FULRO... Nhiều vụ án bạo loạn với âm mưu lật đổ chính quyền đã nổ ra ở Sài Gòn và các tỉnh phía nam nhưng đều bị lực lượng quần chúng tố giác, đập tan...
Tôi có nhiều suy nghĩ về tinh thần đấu tranh anh dũng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Ðảng và sự mưu trí, dũng cảm của lực lượng Công an nhân dân cũng như của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Trong cuộc chiến đấu đó biết bao cán bộ, chiến sĩ công an đã ngã xuống. Sự hy sinh đó thật đáng tự hào biết bao.
---------------
(*) Ðầu đề là của Báo Nhân Dân.