Uy tín, danh dự của Ðảng không tự nhiên mà có. Ðó là kết quả của sự phấn đấu, hy sinh, rèn luyện không ngừng của Ðảng, của mỗi cán bộ, đảng viên về phẩm chất, đạo đức, về trí tuệ, trình độ lý luận, về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực tiễn, về bản lĩnh chính trị và sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị, năng lực dự báo, nắm bắt và vận dụng đúng đắn quy luật khách quan và ở mối quan hệ mật thiết với nhân dân, giữ trọn niềm tin của nhân dân. Thắng lợi của cách mạng quyết định và cũng là thước đo uy tín, danh dự của Ðảng và niềm tin của nhân dân.
Hồ Chí Minh là mẫu mực của sự trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam và phát triển những giá trị cách mạng, khoa học trong tư tưởng của Người - tư tưởng Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là tấm gương trong sáng về đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, suốt đời hy sinh, phấn đấu vì độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Phong cách Hồ Chí Minh: dân chủ, khoa học, thiết thực. Người phê phán những biểu hiện hình thức, phù phiếm, quan cách, xa dân. "Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ" (Ðiếu văn của Ban Chấp hành Ðảng Lao động Việt Nam do Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9-9-1969). Cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, là niềm tự hào của Ðảng, Nhà nước và dân tộc Việt Nam và đã tạo dựng, không ngừng bồi đắp danh dự, uy tín bền vững của Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Danh dự và uy tín của Ðảng, như Hồ Chí Minh đặt ra, phải rèn luyện tư cách của người cách mạng, tư cách của Ðảng chân chính cách mạng. Trong Ðường cách mệnh (năm 1927), Người nêu rõ 23 điều về tư cách của một người cách mệnh phải tu dưỡng, rèn luyện suốt đời mà đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Sự cần kiệm, cả quyết sửa lỗi mình, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, giữ chủ nghĩa cho vững, hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất,... đã trở thành chuẩn mực của những người cộng sản Việt Nam ở mọi thời kỳ, trở thành hình ảnh cao đẹp khắc sâu trong lòng dân tộc và nhân dân. Cùng với Hồ Chí Minh là những tấm gương trong sáng, cao cả của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên tiêu biểu mà tên tuổi trở thành niềm tự hào của Ðảng và đất nước, được nhân dân kính trọng, bạn bè quốc tế tin cậy, đối phương phải nể trọng. Ðiều đó làm nên danh dự, uy tín của Ðảng.
Tư cách của Ðảng chân chính cách mạng với 12 điều, được Hồ Chí Minh nêu rõ trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947). Người nhấn mạnh: "Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng"(1). Cán bộ Ðảng "phải hiểu biết lý luận cách mạng" và thực hành trong thực tế, tổng kết thực tiễn. Từ nơi quần chúng để "kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị đó có đúng hay không". Phải "đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân". Gắn bó với quần chúng và học hỏi quần chúng. Ðảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa để tiến bộ. Lựa chọn những người rất trung thành, hăng hái, đoàn kết thành nhóm trung kiên lãnh đạo. "Ðảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài". "Ðảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới". "Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí, hành động phải nhất trí". Ðó là kỷ luật tự giác về nhiệm vụ của đảng viên đối với Ðảng. Theo Hồ Chí Minh, làm tốt 12 điều đó, Ðảng thật sự vững bền, vai trò và uy tín của Ðảng được nâng cao. Người cho rằng: "Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Ðảng không có lợi ích gì khác"(2).
Uy tín, thanh danh của Ðảng là từ lý tưởng, mục tiêu cao cả của Ðảng, thật sự vì nước, vì dân, đồng thời cũng từ việc làm cụ thể, chuẩn mực đạo đức, lối sống của mỗi cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh luôn luôn giáo dục cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết "Dĩ công vi thượng", không sa vào chủ nghĩa cá nhân, không mưu lợi ích riêng. Phải chống những thói xấu như gian giảo, tham lam, lười biếng. Cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào cũng phải luôn được tu dưỡng đạo đức cách mạng, coi đạo đức là gốc, "Cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc". Khi Ðảng hoặc cán bộ, đảng viên mắc sai lầm, khuyết điểm đều ảnh hưởng đến uy tín và thanh danh của Ðảng. Nhưng nếu biết chân thành nhận lỗi, nghiêm túc sửa chữa thì danh dự và uy tín của Ðảng lại được củng cố và nâng cao. Việc xử lý vụ án Trần Dụ Châu năm 1950; sửa chữa sai lầm của cải cách ruộng đất năm 1956; bệnh chủ quan, duy ý chí, nóng vội, giáo điều trong lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội mà sự nghiệp đổi mới từ Ðại hội VI đã khắc phục và có được thành tựu to lớn; việc ngăn chặn sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng hiện nay; đã chứng minh điều đó.
Danh dự và uy tín của Ðảng không phải ở chỗ Ðảng tuyệt đối không phạm sai lầm, khuyết điểm mà chính là dũng cảm thừa nhận và quyết tâm sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm đó. Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (tháng 10-2016) đã nêu rõ 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp và thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng đó và đã đạt được những kết quả rất quan trọng, củng cố niềm tin trong Ðảng và nhân dân. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, đã xử lý nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, trong đó có hơn 90 cán bộ do Trung ương quản lý, có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng, Bí thư thành ủy, tỉnh ủy và thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Dân chủ trong Ðảng thực chất hơn, xã hội đồng thuận, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước và đã trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong Diễn văn kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Ðảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Ðất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay".
Những ngày tháng chống đại dịch Covid-19 đầy căng thẳng, chống dịch như chống giặc là một thách thức lớn và đã tỏ rõ sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng, Nhà nước, sức mạnh của đoàn kết dân tộc của hệ thống chính trị và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sự chỉ đạo bài bản, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hành động đầy bản lĩnh và trách nhiệm của các ngành y tế, quân đội, công an, ngoại giao, lãnh đạo các địa phương, làm cho người dân cả nước, đồng bào từ nước ngoài trở về Tổ quốc cảm động và vững tin, người nước ngoài ở Việt Nam và bạn bè quốc tế biết ơn, khâm phục. Các tầng lớp nhân dân Việt Nam tự hào về các nhà lãnh đạo, về những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các nhà khoa học, nhất là các bác sĩ, nhân viên y tế, chiến sĩ quân đội, công an đã hết lòng vì sức khỏe, tính mạng và cuộc sống của người dân, vì nhân dân phục vụ.
Ðảng, Nhà nước đang phải tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội hoàn thành những mục tiêu đề ra, lại phải dồn sức chống dịch bệnh, phải thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, phải tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng. Nhiệm vụ và thách thức mới vô cùng nặng nề. Từ khó khăn, gian khổ đó đã có rất nhiều cán bộ, đảng viên tỏ rõ trình độ, năng lực, bản lĩnh trong lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết công việc, thể hiện trách nhiệm cao trước nhân dân, đất nước. Khó khăn, thử thách càng sáng lên những tấm gương thể hiện phẩm chất đạo đức của người cộng sản.
Sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây có biết bao tấm gương của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, đảng viên dù trong lao tù đế quốc hay trước pháp trường của kẻ thù đã kiên cường giữ vững khí tiết, lý tưởng của người cộng sản, bảo vệ danh dự và uy tín của Ðảng. Ngày nay, các thế lực thù địch vẫn ra sức chống phá Ðảng, Nhà nước, xuyên tạc, vu cáo hòng phá hoại sự lãnh đạo, uy tín và thanh danh của Ðảng. Mỗi cán bộ, đảng viên của Ðảng dù ở cương vị hay lĩnh vực hoạt động nào cũng cần nhận rõ âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch, kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, bảo vệ lý tưởng, con đường xã hội chủ nghĩa và bằng việc làm thực tế bảo vệ danh dự và uy tín của Ðảng, nêu tấm gương sáng trước quần chúng nhân dân.
Uy tín và danh dự của Ðảng có được từ những sự nghiệp lớn lao mà Ðảng đã làm vì dân, vì nước như lãnh đạo giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước, chăm lo đời sống của nhân dân. Song danh dự, uy tín của Ðảng cũng từ những tấm gương, những việc làm cụ thể của mỗi cán bộ, đảng viên. Gìn giữ thanh danh, uy tín của mỗi cán bộ, đảng viên là gìn giữ danh dự, uy tín chung của Ðảng. Kiên quyết không sa vào chủ nghĩa cá nhân, không gục ngã trước những cám dỗ vật chất, không tham nhũng, tham vọng quyền lực. Luôn luôn suy ngẫm để có hành động đúng từ lời nhắc nhở của Bác Hồ: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân"(3). Người còn dạy: "Hạnh dục phương" nghĩa là đức hạnh, đạo đức là phải vuông vắn, ngay thẳng, không làm điều gì khuất tất.
--------------------------------------------------
1Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 5, trang 289.
2Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 5, trang 290.
3Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 15, trang 672.