Dấu ấn tự hào - 70 năm giải phóng Bắc Cạn

NDO -

NDĐT - Chiều 23-8, Tỉnh ủy Bắc Cạn tổ chức Hội thảo khoa học “Dấu ấn tự hào - 70 năm giải phóng Bắc Cạn (24-8-1949 - 24-8-2019)”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện được Bắc Cạn tổ chức trong năm 2019, nhân Kỷ niệm 70 ngày giải phóng tỉnh.

Hội thảo khoa học “Dấu ấn tự hào - 70 năm giải phóng Bắc Cạn”.
Hội thảo khoa học “Dấu ấn tự hào - 70 năm giải phóng Bắc Cạn”.

Dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Quốc phòng, tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, lão thành cách mạng và các nhà khoa học.

12 tham luận được gửi đến hội thảo đã tập trung làm rõ sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, Tỉnh ủy Bắc Cạn đối với chiến trường Bắc Cạn; ý nghĩa, giá trị lịch sử của sự kiện; vai trò, đóng góp của quân, dân Bắc Cạn; phát huy lợi thế, tiềm năng đưa Bắc Cạn ngày càng phát triển.

Theo Đại tá Phạm Anh Tuấn, Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử quân sự (Viện Lịch sử quân sự), Bắc Cạn là nơi có “địa lợi, nhân hòa” với thế chiến lược “tiến có thể đánh, lui có thể giữ” nên được Trung ương Đảng, Bác Hồ lựa chọn làm căn cứ địa, hậu phương kháng chiến, là chỗ đứng chân của các cơ quan Trung ương. Trong năm 1948, quân và dân Bắc Cạn đã tổ chức, tham gia 68 trận đánh lớn, nhỏ, trong đó, có 31 trận đánh độc lập và 37 trận đánh phối hợp, loại khỏi vòng chiến đấu 382 tên địch, thu một số vũ khí, trang bị.

Từ ngày 15-3 đến 30-4-1949, Bộ Tổng tư lệnh mở chiến dịch Cao -Bắc - Lạng tiến công tuyến phòng thủ đường 4 và lực lượng chiếm đóng của thực dân Pháp ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn. Kết quả, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.400 tên địch, phá hủy 80 xe quân sự, san bằng, phá hủy hàng chục đồn, bốt. Ngày 9-8-1949, quân địch đóng ở thị xã Bắc Cạn rút chạy lên Cao Bằng. Quân ta truy kích, tiêu diệt hơn 100 tên, phá hủy 15 xe quân sự ở Bằng Khẩu (Ngân Sơn). Ngày 24-8-1949, Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Bắc Cạn tổ chức mít-tinh chào mừng tỉnh được giải phóng.

Trong chiến thắng giải phóng Bắc Cạn có vai trò to lớn của Trung đoàn 72. Thượng tá Nguyễn Quân, nguyên hậu cần Trung đoàn nhớ lại, Trung đoàn 72 là một trong ba trung đoàn của Chiến khu I, thành lập ngày 22-5-1946; trang bị vũ khí thô sơ, thiếu thốn, khoảng 50% quân số dùng mã tấu và lựu đạn. Tiểu đoàn 55 là đơn vị trang bị khá nhất cũng chỉ có hai khẩu đại liên, tám trung liên, 60% bộ đội có súng trường. Trung đoàn 72 chỉ có ba năm lịch sử (1946 đến 1949) thì hai năm chiến đấu tại chiến trường Bắc Cạn, trong đó, có những trận đánh bước ngoặt, như: công đồn Phủ Thông vào đêm 25-7-1948, trận đánh công kiên quy mô cấp tiểu đoàn đầu tiên của quân đội ta; trận truy kích quân Pháp rút chạy tại Bằng Khẩu (Ngân Sơn)…

Đánh giá về ý nghĩa sự kiện giải phóng Bắc Cạn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay, PGS.TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhấn mạnh, sau giải phóng, Bắc Cạn đã kiện toàn bộ máy lãnh đạo, tổ chức chính quyền, đoàn thể các cấp; khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, đóng góp cho kháng chiến; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ hậu phương kháng chiến… Thực tiễn xây dựng, phát triển giai đoạn 70 năm qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là: phải luôn quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn Bắc Cạn; luôn xác định “phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”; đặc biệt chú trọng bảo vệ chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Tại hội thảo, các cán bộ lão thành cách mạng, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cũng đóng góp nhiều ý kiến. Thông qua các tham luận, ý kiến đã khẳng định, thắng lợi trên chiến trường Bắc Cạn sau gần hai năm chiến đấu chống thực dân Pháp bắt nguồn từ đường lối kháng chiến kiến quốc đúng đắn, sáng tạo của Đảng, là kết quả kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Bắc Cạn đóng vai trò quyết định. Những thành tựu, kinh nghiệm trong 70 năm xây dựng, phát triển từ khi giải phóng có ý nghĩa quan trọng trong vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có để xây dựng tỉnh ngày càng giàu, đẹp.