Cuộc đổi đời của người dân Hưng Yên

NDO - Những năm tháng không thể nào quên Chúng tôi về thôn Phú Cốc, xã Quang Vinh (Ân Thi, Hưng Yên), tìm gặp lão đồng chí Bùi Thị Oanh, sinh năm 1922, cán bộ tiền khởi nghĩa, là một trong số ít người còn sống đã tham gia lãnh đạo nông dân phá kho thóc của Nhật vào đầu tháng 4-1945.

Trong câu chuyện về Cách mạng Tháng Tám tại quê hương, bà Oanh bồi hồi nhớ lại những năm tháng không thể nào quên: Trước năm 1945, người dân sống cơ cực, một cổ hai tròng, sưu cao, thuế nặng. Ruộng đất của nông dân về hết tay địa chủ, suốt ngày phải cày thuê, cuốc mướn để kiếm miếng ăn. Nạn đói khi ấy khủng khiếp lắm. Bọn địa chủ, cường hào, tay sai của Nhật ra sức vơ vét, tích trữ lương thực. Ðược Việt Minh giác ngộ, đầu tháng 4-1945, tôi cùng nhân dân các thôn trong xã Quang Vinh kéo về phá kho thóc của Nhật ở ấp Phú Cốc. Khi đó, bọn địa chủ Hàn Thế, Hàn So làm tay sai cho giặc, quản lý kho thóc hoàn toàn bất lực trước sức dân như nước vỡ bờ...

Nguyên Bí thư Ðảng ủy xã Quang Vinh (Ân Thi), Lê Hồng Quang cho chúng tôi xem sơ thảo lịch sử Ðảng bộ xã, có ghi: Nhân dân trong xã đi phá kho thóc của bọn địa chủ, chủ ấp phản động ở Sa Lung, thuộc tổng Huệ Lai; ấp Ðồng Mái (La Mát) của tên địa chủ người Nhật; ấp Cả Thái của tên địa chủ người Pháp để lấy thóc chia cho dân nghèo đói khắp vùng... Cùng tham gia phong trào phá kho thóc của Nhật tại xã Quang Vinh khi ấy còn có ông Ðặng Quang Thiệp, ở thôn Ðỗ Hạ. Là trung nông nên trong nhà vẫn có bát ăn, bát để, nhưng ông vẫn tích cực tham gia cùng nhân dân địa phương đi phá kho thóc của Nhật ở ấp Phú Cốc để chia cho dân nghèo, cứu đói. Ông dùng chiếc đầm bằng gang, nặng 7 kg, để phá khóa cửa kho thóc. Hiện chiếc đầm này đang được trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Chỉ thị "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" chỉ rõ: "Bám lấy nạn đói mà cổ động quần chúng lên đường tranh đấu (tổ chức những cuộc biểu tình đòi gạo, đòi ăn hay phá những kho gạo thóc của đế quốc)". Các cơ sở Việt Minh ở Hưng Yên hướng dẫn quần chúng nhân dân chống thuế, phá kho thóc của Nhật để giải quyết nạn đói. Các cuộc đấu tranh, phá kho thóc nối tiếp nhau và kéo dài từ đầu tháng 4 đến tháng 6-1945, điển hình tại Giai Phạm (Yên Mỹ), Bần (Mỹ Hào), Ðống Long (Kim Ðộng)... Phong trào phá kho thóc của Nhật đã lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia  đấu tranh cách mạng. Từ ngày 14 đến 18-8-1945, tổ chức Việt Minh lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền tại các huyện Phù Cừ (14-8), Khoái Châu (15-8), Mỹ Hào, Ân Thi, Văn Giang (17-8). Ngày 23-8-1945, chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Hưng Yên được thành lập.

Thành tựu của công cuộc đổi mới

Trở lại câu chuyện với người nữ cán bộ tiền khởi nghĩa Bùi Thị Oanh. Bà xúc động cho biết: "Cả cuộc đời tôi đi theo cách mạng, cho nên, dù bất cứ hoàn cảnh nào, tôi luôn một lòng, một dạ kiên trung với Ðảng, với Bác Hồ. Giờ đây, chứng kiến sự đổi thay của quê hương, đất nước, tôi càng tự hào với con đường cách mạng mà mình đã đi theo". Luôn tự hào với truyền thống cách mạng của gia đình, với mẹ là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, anh trai là liệt sĩ, anh Ðặng Xuân Lĩnh - con trai ông Ðặng Quang Thiệp (người dùng chiếc đầm phá khóa cửa kho thóc của Nhật) ở thôn Ðỗ Hạ (Quang Vinh, Ân Thi), cho biết: "Con trai tôi vừa xung phong lên đường nhập ngũ, tiếp nối truyền thống của gia đình. Tôi luôn dạy bảo các con noi gương ông, bà tích cực tham gia bảo vệ và xây dựng Tổ quốc". Bí thư Ðảng ủy xã Quang Vinh Nguyễn Minh Bạ cho biết thêm: Trong kháng chiến cũng như trong thời bình, nhất là trong công cuộc đổi mới, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Quang Vinh luôn phát huy truyền thống cách mạng, tích cực xóa đói, giảm nghèo và quan tâm đến gia đình thương binh, liệt sĩ. Hằng năm, xã đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà, khám, chữa bệnh, tặng thuốc các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Theo Bí thư Huyện ủy Ân Thi, Lê Thanh Xuân, qua các cuộc kháng chiến, huyện có 3.094 người hy sinh tại các chiến trường, 1.125 người trở về phải mang thương tích, có 124 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...

Khi mới tái lập tỉnh (năm 1997), kinh tế của Hưng Yên chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp (chiếm 52%); số dự án đầu tư vào tỉnh còn thấp (14 dự án); thu nhập bình quân đầu người mới đạt 205 USD. Sau 14 năm tái lập, tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là sau năm năm (2006-2010) thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Năm năm qua, Hưng Yên có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,75%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH, HÐH; mức thu ngân sách tăng bình quân 23,4%/năm, năm 2010 đạt 3.360 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 20 triệu đồng. Các chỉ tiêu về xã hội khác đều đạt và vượt so mục tiêu đề ra. 66 năm qua, nhân dân Hưng Yên cùng với cả nước đã bảo vệ vững chắc và phát huy thành quả Cách mạng Tháng Tám lên tầm cao mới. Từ thành quả đã đạt được, nhất là sau 14 năm tái lập tỉnh, Hưng Yên đã có nhiều khởi sắc trên tất cả các lĩnh vực. Cách mạng Tháng Tám đã góp phần đổi đời người dân Hưng Yên.