Đăng ký tạm trú, thoáng nhưng… không dễ

Thực hiện quyền công dân mà sao khó thế?

Anh V. làm việc tại một cơ quan Nhà nước, hộ khẩu tại quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) nhưng thuê nhà và tạm trú tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, than thở: “Khi chuyển về nơi ở mới, tôi chấp hành nghiêm chỉnh việc đăng ký tạm trú. Thế nhưng, khi đi thực hiện quyền công dân này, tôi mới thấy thật rắc rối”. Ngày đầu tiên anh tìm đến văn phòng khu phố để đăng ký tạm trú, người trực ở đây bán cho hai tờ khai nhân khẩu và một tờ cam kết bảo lãnh của chủ nhà với giá 5.000 đồng, hẹn làm xong mang ra cùng hai tấm ảnh 3x4, một bản photocopy giấy CMND. Tuy nhiên, theo anh V., khó nhất vẫn là thuyết phục được chủ nhà cam kết bảo lãnh cho tạm trú. Rồi khi chủ nhà đồng ý bảo lãnh thì anh vẫn chưa thể đăng ký tạm trú, vì khi trình hồ sơ thì cán bộ khu phố yêu cầu phải có thêm quyết định cấp số nhà của chủ nhà…

Từ Nghệ An vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp đã gần 10 năm, nhưng anh T. vẫn chưa đủ điều kiện để đăng ký thường trú nên đang thuê nhà trọ tại quận Tân Bình. Mới đây, anh lập gia đình và có con nên muốn có sổ tạm trú dài hạn (KT3) để tiện xin đi nhà trẻ và xin cấp thẻ bảo hiểm y tế cho cháu. Sau nhiều lần đi lại, anh vẫn chưa thể có được sổ tạm trú vì chủ nhà anh thuê trọ từ chối bảo lãnh.

Còn chị C., công nhân may ở quận Tân Phú, đang ở nhờ nhà bà con cùng quận cho biết, khi biết những người tạm trú được hưởng định mức nước với giá rẻ hơn, chị đi đăng ký thì phía cấp nước yêu cầu phải có sổ tạm trú KT3. Chị đi xin đăng ký tạm trú thì cán bộ thụ lý yêu cầu phải có hợp đồng thuê nhà có công chứng, giấy bảo lãnh của chủ nhà, quyết định cấp số nhà… “Về giấy bảo lãnh thì do là người nhà nên có thể có được. Còn quyết định cấp số nhà thì tìm đâu ra khi đây là một căn nhà tạm…” - chị C. giãi bày.

Có người khi đi đăng ký tạm trú còn bó tay với yêu cầu phải có giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự của ban chỉ huy quân sự địa phương nơi đăng ký hộ khẩu. Theo giải thích của cán bộ đăng ký thì đây là quy định của TP Hồ Chí Minh theo Quyết định 90(?).

Đẻ thêm giấy phép con

Tại Điều 30, 31 và 32 của Luật Cư trú nêu rõ: Công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú và cấp sổ tạm trú cho họ. Cụ thể, người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại công an xã, phường, thị trấn. Người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình: Giấy CMND hoặc giấy tờ có xác định của công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đã đăng ký thường trú; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở đó; nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu. Trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ nói trên, trưởng công an xã, phường, thị trấn phải cấp sổ tạm trú theo mẫu quy định của Bộ Công an… Tuy nhiên, theo một cán bộ công an, trong trường hợp được chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đồng ý cho đăng ký tạm trú thì không cần xuất trình giấy tờ về chỗ ở. Trong trường hợp anh V. đã xuất trình sổ đăng ký tạm trú do chủ hộ vừa là chủ nhà đứng tên và cam kết bảo lãnh bằng văn bản thì không cần hợp đồng thuê nhà có công chứng hay quyết định cấp số nhà để chứng minh chỗ ở.

Về trường hợp yêu cầu thêm giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự, qua tìm hiểu thì nhiều phường đã bỏ điều kiện này sau khi có Luật Cư trú. Vì theo Quyết định 90/2005 của UBND TP Hồ Chí Minh, muốn đăng ký tạm trú có thời hạn tại TP Hồ Chí Minh, nam công dân từ đủ 17 tuổi đến dưới 18 tuổi phải có giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự của ban chỉ huy quân sự cấp huyện nơi người đó có hộ khẩu thường trú…; nam công dân từ đủ 18 đến 27 tuổi phải có một trong các loại giấy như quyết định xuất ngũ, giấy tạm hoãn hoặc miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự do cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy xác nhận chưa gọi nhập ngũ của ban chỉ huy quân sự cấp xã nơi người đó có hộ khẩu thường trú… Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Như vậy, nếu Quyết định 90/2005 của UBND TP Hồ Chí Minh còn hiệu lực thì cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh không được thực hiện tiếp quyết định này mà phải làm theo Luật Cư trú.

Vướng mắc lớn nhất của người đi đăng ký tạm trú hiện nay là chủ nhà trọ không chịu bảo lãnh. Mặt khác, một số chủ nhà trọ xây cất nhà cửa không phép, tạm bợ nên rất khó làm hợp đồng công chứng và kèm theo quyết định cấp số nhà. Có ý kiến cho rằng, giải pháp tốt nhất là bỏ các thủ tục về bảo lãnh của chủ nhà, hợp đồng công chứng. Chỉ cần người dân tới công an địa phương khai báo tạm trú, lý lịch cá nhân và cam kết chỗ ở không bị tranh chấp là đủ để cấp sổ tạm trú. Vì theo Hiến pháp, công dân có quyền tự do cư trú, có cấp thẻ hay không họ vẫn có quyền cư trú ở nơi họ muốn. Mặt khác, cần loại bỏ các điều kiện “ăn theo” như điện, nước… để quyền tối thiểu của công dân được thực hiện một cách dễ dàng.