Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến

NDO - Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2023 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 83 nghìn tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. (ẢNH: LINH KHOA)
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. (ẢNH: LINH KHOA)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 20/5, Quốc hội nghe Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Báo cáo.

Năm 2023 tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước đạt 83 nghìn tỷ đồng

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính cho biết, năm 2023, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh và phát huy trên nhiều lĩnh vực.

Trong lĩnh vực lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, thu ngân sách Nhà nước năm 2023 thực hiện đạt 1.754,1 nghìn tỷ đồng, tăng 133,4 nghìn tỷ đồng (tăng 8,2% so dự toán). Thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194 nghìn tỷ đồng. Chi ngân sách Nhà nước năm 2023 ước đạt 2.109,9 nghìn tỷ đồng, bằng 101,6% dự toán, tăng gần 74 nghìn tỷ đồng.

Công tác điều hành chi ngân sách Nhà nước được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, bảo đảm đúng chính sách, chế độ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa cần thiết, chậm triển khai. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2023 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 83 nghìn tỷ đồng.

Đến cuối năm 2023 quy mô nợ công/GDP ước khoảng 37%, nợ Chính phủ/GDP ước khoảng 34% và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/Thu ngân sách Nhà nước khoảng 19%, trong phạm vi Quốc hội cho phép. Ước vay, trả nợ Chính phủ bảo lãnh năm 2023 trong hạn mức được duyệt, tổng dư nợ bảo lãnh đến ngày 31/12/2023 ước khoảng 279.719 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,7% GDP, giảm 18.243 tỷ đồng so năm 2022.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến ảnh 1

Các đại biểu tham dự phiên họp chiều 20/5. (Ảnh: LINH KHOA)

Bộ trưởng Tài chính cho biết, công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 tiếp tục chuyển biến, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm.

Tổng số cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt 183.044 cơ sở (đạt 69,8%). Tổng số cơ sở nhà, đất còn phải sắp xếp là 79.404 cơ sở. Năm 2023, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 379 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương.

Trong đầu tư xây dựng, đầu tư công; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin: Cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Lũy kế thanh toán từ đầu năm 2023 đến ngày 31/1/2024 là 661,7 nghìn tỷ đồng, đạt 80,75% kế hoạch, đạt 92,99% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công góp phần khởi công mới, đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án, công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia.

Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ: Cả nước có 74.890 căn, nhà công vụ với tổng diện tích là 2.700.289m2 sàn nhà; việc quản lý vận hành nhà ở công vụ bảo đảm hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng nhà ở công vụ còn hạn chế.

Trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước, Chính phủ đã ban hành 27 Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các bộ, ngành đã giảm 17 tổng cục và tương đương; giảm 10 Cục và 144 Vụ/Ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 108 phòng trong Vụ/Ban thuộc bộ, ngành; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập.

Các địa phương giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; 2.572 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập (năm 2023 giảm 236 đơn vị), còn 46.385 đơn vị sự nghiệp công lập. Số đối tượng tinh giản biên chế năm 2023 là 7.151 người. Các bộ, cơ quan đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 30 văn bản để cắt giảm, đơn giản hóa 341 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528/1.086 thủ tục hành chính.

Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2023, đã thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp với giá trị 11,7 tỷ đồng, thu về 24 tỷ đồng. Các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng thu về 206,3 tỷ đồng. Công tác xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả có tiến triển tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Liên quan đến công tác thanh tra góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ trưởng Tài chính cho biết: Năm 2023, ngành Thanh tra đã triển khai 7.689 cuộc thanh tra hành chính và 193.774 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; qua đó phát hiện vi phạm về kinh tế 257,7 nghìn tỷ đồng, 616ha đất; kiến nghị thu hồi 188,6 nghìn tỷ đồng và 166ha đất.

Thông tin về nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ năm 2024, với 9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực; hoàn thiện quy định pháp luật liên quan; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực: quản lý ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; công tác tổ chức bộ máy, quản lý lao động, thời gian lao động...

Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn bộc lộ một số tồn tại hạn chế, như một số bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch lập pháp, còn tình trạng chậm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh tiếp tục diễn ra.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại một số bộ, ngành, địa phương chậm do nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra trong các báo cáo, trong nhiều năm vừa qua, nhưng chưa có giải pháp kiên quyết và biện pháp khắc phục triệt để, hữu hiệu.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến ảnh 3

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 tại phiên họp. (ẢNH: LINH KHOA)

Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công chưa đầy đủ; còn nhiều vướng mắc trong xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm; còn tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương để hoang hóa, lãng phí...

Bên cạnh đó, tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ dẫn đến trì trệ, kém hiệu quả trong hoạt động điều hành của bộ máy nhà nước ở một số cơ quan, tổ chức mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng chậm được khắc phục. Việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều khó khăn, vướng mắc...

Công tác cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tiến độ chậm. Tình hình nợ thuế có xu hướng tăng và ngày càng cao, tác động bất lợi đến việc xử lý thu hồi nợ thuế, đến ngày 31/12/2023, số nợ thuế là 163.591 tỷ đồng, tăng 10,7% so với 31/12/2022.

Việc xử lý các dự án, cụm dự án theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 chưa đạt yêu cầu. Mới có phương án xử lý đối với 17/51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 11/13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 14/19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 501/880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

Trong thời gian tới, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia và các dự án đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án quan trọng quốc gia góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong đấu thầu, triển khai các dự án đầu tư công, Chương trình mục tiêu Quốc gia, mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư.

Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất; phê duyệt phương án kinh doanh, liên kết kinh doanh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm tránh lãng phí, thất thoát và nguy cơ tham nhũng; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, tài sản công, lao động, …; quản lý chặt chẽ, có phương án xử lý tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương.

Xử lý các vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ; hướng dẫn xác định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; sớm ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu trong từng ngành, lĩnh vực.

Nghiên cứu, có giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về các quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật chưa thực sự phù hợp.

Có giải pháp hữu hiệu, tăng hiệu quả, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân thông qua ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng; điều hành hợp lý tỷ giá, lãi suất; giảm lãi suất cho vay, gỡ bỏ những rào cản chưa phù hợp trong lưu thông, phân phối, tháo gỡ khó khăn cho các thị trường bất động sản, thị trường lao động.