Tiếp sức cho doanh nghiệp nông nghiệp

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đang thiếu vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh; hàng hóa lưu thông khó khăn; sản xuất theo phương án “ba tại chỗ” phát sinh nhiều chi phí; nguy cơ chậm đơn hàng, mất thị trường xuất khẩu…  Tiếp sức mạnh mẽ hơn nữa cho doanh nghiệp trong giai đoạn này đang là yêu cầu cấp thiết.

Sơ chế, đóng gói thanh long xuất khẩu tại Công ty Vina T&T Group (Tiền Giang). Ảnh: VŨ SINH
Sơ chế, đóng gói thanh long xuất khẩu tại Công ty Vina T&T Group (Tiền Giang). Ảnh: VŨ SINH

Ghi nhận tại các cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ nông sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy: Tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 22% so với tháng 7/2021 và giảm 21,6% so với tháng 8/2020. Nguyên nhân không đến từ yếu tố thị trường mà là do doanh nghiệp chỉ có thể hoạt động 30 - 40% công suất dẫn đến thiếu nguồn hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, các vướng mắc logistics cũng khiến nhiều doanh nghiệp không kịp giao hàng theo tiến độ đã ký kết.

Khó “tứ bề”

Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Greenboo (TP Hồ Chí Minh) chuyên xuất khẩu trái cây sang thị trường châu Âu, Australia đã buộc phải ngừng hoạt động gần ba tháng nay do kho hàng, khu đóng gói nằm trong khu vực phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19. Giám đốc Nguyễn Đông Trúc cho biết: Nếu cứ tiếp tục ngưng trệ như hiện nay thì thiệt hại sẽ còn tăng nhiều. Đó là tiền thuê mặt bằng sản xuất, lương cho nhân viên vì cho họ nghỉ việc nhưng để giữ chân lao động, công ty vẫn hỗ trợ một phần chi phí. Nhưng thiệt hại khó đo đếm chính là mất đi một lượng khách hàng thân thiết mà công ty mất nhiều năm gây dựng. Lý do là họ vẫn có nhu cầu hàng hóa mà mình không cung cấp được thì họ buộc phải tìm đầu mối khác.  

Với doanh nghiệp sản xuất “ba tại chỗ”, nhiều vướng mắc cũng nảy sinh sau một thời gian thực hiện. Ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chia sẻ: Thực hiện phương án “ba tại chỗ”, doanh nghiệp hoạt động được 25 - 30% công suất, nhưng chi phí sản xuất tăng lên đến 70%. Bên cạnh đó, do cách ly nên các nhà máy sản xuất bao bì, gia vị, phụ liệu… nằm chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh không thể sản xuất được dẫn đến thiếu nguồn cung. Ngành tôm đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ chuỗi cung ứng.

Tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp trở lại sản xuất

Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group thì thời gian qua, lượng hoa quả thu hoạch được mới chỉ đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu xuất khẩu của công ty. Trong khi đó, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn phản ánh: Hiện các nhà máy chế biến thủy sản đều muốn khôi phục sản xuất để tăng sản lượng chế biến trở lại, đáp ứng các đơn hàng. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Nhu cầu hoạt động trở lại của các doanh nghiệp là rất lớn, nhưng hiện nay việc tiêm vắc-xin cho công nhân sản xuất, chế biến, thu hái, đóng gói, thu mua, vận chuyển lưu thông hàng hóa mới chỉ đáp ứng được 10 - 15% cho mũi thứ nhất, cho nên Bộ vẫn đang tiếp tục kiến nghị đẩy mạnh vấn đề này. Mặt khác, Bộ cũng đã kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và sáu tháng năm 2022; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản, vật tư đầu vào; giảm thuế bảo vệ môi trường; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021 - 2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch…