Thử nghiệm công nghệ khí hóa than ngầm tại bể than đồng bằng sông Hồng

Dự án thử nghiệm này sẽ được thực hiện tại khu mỏ Tiên Dung (huyện Khoái Châu, Hưng Yên), có tổng trị giá khoảng 6,5 triệu USD; trong đó, Vinacomin góp 60%, Linc Energy và Marubeni mỗi đối tác góp 20% tổng chi phí dự án.

 Công nghệ UCG là công nghệ sản xuất khí tổng hợp (có thành phần tương tự như khí thiên nhiên) bằng phương pháp đốt trực tiếp than ngay trong lòng đất. Công nghệ hiện đại, tiên tiến này đã được phát minh từ lâu trên thế giới, gần đây được các nước quan tâm hoàn thiện và phát triển. UCG là công nghệ năng lượng sạch tiềm năng, thân thiện với môi trường, là định hướng chủ yếu của nhiều nước trong vấn đề an ninh năng lượng, được nhiều quốc gia đánh giá cao hơn so với điện nguyên tử.

Đây là công nghệ mới, lần đầu tiên được triển khai thử nghiệm ở nước ta, ba bên sẽ tiến hành khoan 8 -10 lỗ, kết hợp vừa thăm dò địa chất vừa khí hóa than. Quy mô diện tích tạm trưng dụng của dự án thử nghiệm khoảng 10 ha đất canh tác nông nghiệp ở xã An Vĩ (Khoái Châu) trong thời gian một năm.

Công nghệ UCG sẽ áp dụng tại đây đã và đang được đối tác Linc Energy triển khai thành công tại bang Queensland (Australia). Việc khí hóa than sẽ được tiến hành ở độ sâu dưới mức – 300 m.

Nếu việc thử nghiệm công nghệ UCG của dự án thành công, ba bên sẽ tiến hành lập công ty liên doanh thử nghiệm việc dùng khí tổng hợp cho phát điện bằng công nghệ IGCC, công suất khoảng 100 MW hoặc hóa lỏng thành dầu diesel.

Ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đánh giá: “Đây là là một bước rất quan trọng để đánh giá công nghệ lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Tập đoàn đã giao Công ty Năng lượng Sông Hồng (SHE) cùng các đối tác thực hiện dự án trên quan điểm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên than ở bể than Đồng bằng sông Hồng vốn rất khó khai thác bằng các công nghệ truyền thống. Công nghệ UCG có tầm quan trọng không chỉ đối với khu mỏ thử nghiệm Tiên Dung, mà còn có ý nghĩa đặc biệt đối với phát triển toàn bộ bể than này”.

 Bể than nằm dưới lòng đồng bằng sông Hồng có tổng trữ lượng dự báo khoảng 210 tỷ tấn, trải dài trên diện tích 3.500km2 từ Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình... rồi kéo thẳng ra biển. Số liệu khảo sát dự án được thực hiện trên diện tích 960km2 gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội cho thấy trữ lượng than dự báo khoảng 30 tỉ tấn, trong đó diện tích tìm kiếm tại huyện Khoái Châu (Hưng Yên) có trữ lượng hơn 1,5 tỉ tấn. Riêng khu vực Bình Minh (Khoái Châu) qua thăm dò sơ bộ, có trữ lượng khoảng 456 triệu tấn. Đây là loại than Á Bitum B chất lượng tốt, có giá trị cho các ngành sản xuất công nghiệp, nhất là luyện thép, nhiệt điện, xi măng, hóa chất,…

Ngoài công nghệ UCG, trong thời gian tới, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam sẽ đồng thời tổ chức thử nghiệm các công nghệ khai thác than hầm lò truyền thống như khai thác hầm lò phần nông dưới -500 m cho dự án mỏ Bình Minh và công nghệ khai thác hầm lò phần sâu cho dự án mỏ Tây Sa (Khoái Châu II) và công nghệ thu hồi khí mêtan trong các vỉa than cho khu mỏ ở huyện Tiền Hải (Thái Bình).

Khi các dự án thử nghiệm này thành công, theo đánh giá của SHE, Tập đoàn Than – Khoáng sản có thể đưa vào cân đối khoảng 20 -30 tỷ tấn trữ lượng than, (gấp 5 – 6 lần so với trữ lượng hiện có ở vùng Quảng Ninh), góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.