Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt trên 6.000 tỷ đồng mỗi ngày, tăng gần 5% so với tuần trước đó.
Lúa mì lên mức cao nhất 9 tháng
Nhóm nông sản đóng vai trò dẫn dắt xu hướng thị trường khi có đến 6 trên 7 mặt hàng đồng loạt tăng mạnh. Trong đó, lúa mì Chicago tăng vọt gần 6,6%, ghi nhận tuần khởi sắc thứ ba liên tiếp, đồng thời chạm mức cao nhất 9 tháng ngay từ phiên đầu tuần. Lực mua được thúc đẩy trong bối cảnh triển vọng mùa vụ tương đối tiêu cực ở hai quốc gia cung ứng hàng đầu thế giới là Nga và Mỹ.
Các khu vực trồng lúa mì trọng điểm của Nga là Lipetsk, Voronezh và Tambov đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong tuần vừa rồi, do sương giá đầu tháng 5 đã gây thiệt hại nặng nề cho cây trồng. Đáng chú ý, diện tích cây trồng chết hoặc bị hư hại nghiêm trọng ở thành phố Voronezh đã vượt quá 265.000 héc-ta. Ngoài ra, thời tiết khô hạn ở miền nam nước Nga cũng đang tiếp tục đe dọa tới năng suất lúa mì vụ đông.
Cùng với đó, cuối tuần vừa qua, báo cáo Cung-cầu nông sản tháng 5 đã được công bố với các số liệu cho thấy nguồn cung thu hẹp. Cụ thể, Bộ nông nghiệp Mỹ cho biết dự báo sản lượng lúa mì Mỹ niên vụ 2024-2025 sẽ đạt 1,81 tỷ giạ, thấp hơn so với dự đoán của giới phân tích. Việc sản lượng dự kiến của Mỹ có thể không đạt kỳ vọng, trong khi mùa vụ ở Nga gặp thời tiết bất lợi khiến thị trường lo ngại thế giới có thể bước nào niên vụ tiếp theo với nguồn cung eo hẹp hơn. Trong bối cảnh này, MXV nhận định, đà tăng của giá lúa mì có thể tiếp tục được nối dài trong một vài tuần tới.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận vào cuối tuần trước (10/5), giá giao dịch lúa mì nhập khẩu tại miền Bắc tương đối ổn định. Cụ thể, giá chào bán lúa mì Nam Mỹ tại cảng Cái Lân kỳ hạn giao quý II và đầu quý III năm nay dao động trong khoảng 6.500 – 6.550 đồng/kg.
Hỗ trợ vĩ mô kết hợp cung-cầu nâng đỡ giá kim loại tăng cao
Kết thúc tuần giao dịch 6-10/5, hầu hết các mặt hàng nhóm kim loại đồng loạt tăng giá nhờ hỗ trợ kép từ yếu tố vĩ mô kết hợp với cung-cầu. Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim tăng mạnh sau loạt dữ liệu cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ, củng cố cho kỳ vọng hạ lãi suất.
Chốt tuần, giá bạc bật tăng 6,8% lên 28,5 USD/ounce, đánh dấu tuần tăng giá mạnh nhất của giá bạc trong một tháng trở lại đây. Giá bạch kim lấy lại mốc 1.000 USD nhờ tăng 4,34%, đóng cửa tuần tại mức 1.007,2 USD/ounce, cao nhất kể từ cuối tháng 12 năm ngoái.
Theo số liệu Bộ Lao động Mỹ công bố tuần trước, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ đạt 231.000 đơn trong tuần kết thúc ngày 4/5, mức cao nhất kể từ tháng 8/2023. Dữ liệu này theo sau báo cáo bảng lương của Mỹ giảm mạnh và cơ hội việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm, càng cho thấy thị trường lao động Mỹ đang gặp áp lực. Loạt dữ liệu yếu kém này đã góp phần củng cố cho kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất trong năm nay, giá kim loại quý vì thế cũng được hưởng lợi.
Đối với kim loại cơ bản, áp lực vĩ mô suy yếu cũng giúp giá đồng COMEX chinh phục lại mức đỉnh 2 năm sau khi chốt tuần tăng 2,32%. Bên cạnh đó, giá đồng còn được hưởng lợi nhờ kỳ vọng tiêu thụ lạc quan, trong khi rủi ro thiếu hụt nguồn cung vẫn tiềm ẩn.
Trong cuộc họp gần đây, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cam kết tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế và vực dậy lĩnh vực bất động sản. Điều này đã giúp củng cố cho triển vọng tiêu thụ đồng, đầu vào quan trọng của nền kinh tế.
Trong khi đó, Ngân hàng Goldman Sachs đã nâng dự báo giá đồng lên 12.000 USD/tấn vào cuối năm nay, từ mức 10.000 USD/tấn trong dự báo trước, do thị trường đồng đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung và có nguy cơ thâm hụt tới 454.000 tấn trong năm nay, tăng từ mức thâm hụt 428.000 tấn trong dự báo trước.
Trong diễn biến khác, giá quặng sắt giảm 1,12% về 116,02 USD/tấn, chủ yếu là do tiêu thụ tại Trung Quốc không đạt được như kỳ vọng. Kỳ nghỉ lễ của Trung Quốc kết thúc nên hoạt động đầu cơ bổ sung tồn kho đã chấm dứt. Ngoài ra, một quan chức của công ty khai thác quặng sắt Vale cho biết, trong năm nay, nhập khẩu quặng sắt tại Trung Quốc dự kiến giữ nguyên so với năm ngoái, chỉ đạt mức 1,17-1,18 tỷ tấn.