Sản xuất, tiêu thụ nông sản tiếp tục gặp khó

NDO -

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến cho việc tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp chậm so với thời vụ thu hoạch, kéo theo giá một số mặt hàng nông sản giảm. Trong khi đó, giá vật tư sản xuất tiếp tục tăng khiến cho việc sản xuất và tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn.

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến cho việc tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp chậm so với thời vụ thu hoạch.
Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến cho việc tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp chậm so với thời vụ thu hoạch.

Theo báo cáo của Tổ công tác đặc biệt phía bắc (Tổ công tác 3430 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tại Lào Cai, giá bán rau xanh giảm khoảng 1.000-2.000 đồng/kg và tiêu thụ chậm hơn so với mọi năm. Mặt hàng chuối tiêu xanh từ nay đến cuối năm thu hoạch khoảng 17.500 tấn, tập trung vào khoảng tháng 9 - 11 nhưng hiện tại Trung Quốc dừng nhập khẩu chuối nên khó khăn trong tiêu thụ. Dự kiến, trong tháng 9 này sẽ thu hoạch khoảng 2.000 tấn và cần tìm thị trường trong nước để tiêu thụ.

Khó tiêu thụ nông sản

Tại Lào Cai, mặt hàng chuối tiêu xanh từ nay đến cuối năm thu hoạch khoảng 17.500 tấn, tập trung vào khoảng tháng 9 - 11 nhưng hiện tại Trung Quốc dừng nhập khẩu chuối nên khó khăn trong tiêu thụ.

Còn tại Lai Châu, Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu dẫn đến sản lượng chuối tồn đọng đến nay khoảng 3.000 tấn, sản lượng dự kiến thu hoạch trong tháng tới là 4.000 tấn.

Đối với mặt hàng chè khô tồn kho khoảng 2.400 tấn gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất sơ chế chè. Việc tiêu thụ các mặt hàng thủy sản chất lượng cao như cá tầm, cá hồi, cá nheo, cá lăng còn hạn chế.

Về lưu thông, cung ứng hàng hóa vật tư nông nghiệp trong địa phương đến nay, đã cơ bản bình thường, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong tỉnh. Tuy nhiên, một số địa phương phải nhập vật tư nông nghiệp từ các tỉnh khác hoặc từ nước ngoài thì gặp khó khăn trong lưu thông.

Đáng chú ý, do việc vận chuyển, lưu thông ra vào trong nội tỉnh và giữa các tỉnh thành khó khăn nên giá các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng cao. Cụ thể, giá phân bón tăng từ 20-50% so với cùng kỳ năm 2020; thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng khoảng 30% so với đầu năm 2021 và tiếp tục xu hướng tăng do giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng; thức ăn thủy sản tăng 20-30% so với cùng kỳ do giá nguyên liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài tăng; một số sản phẩm thú y tăng nhẹ; giá thuê nhân công lao động tăng.

Theo đánh giá của Tổ công tác, hiện nay, rau quả, chăn nuôi, thủy sản là những ngành hàng đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ. Cụ thể, đối với ngành chăn nuôi, khâu giết mổ, chế biến hoặc sơ chế chịu sự quản lý chặt chẽ về điều kiện kinh doanh, gây tắc nghẽn sản xuất kinh doanh; phát sinh các chi phí chăm sóc, ăn uống khi không xuất chuồng được; giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y ngày một tăng cao; trang trại và hộ chăn nuôi dè dặt tái đàn, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong nước về thịt, trứng gia cầm vào những tháng cuối năm.

Đối với ngành thủy sản, chỉ có 30% doanh nghiệp thủy sản phía nam bảo đảm điều kiện “3 tại chỗ”, công suất sản xuất trung bình giảm còn 40-50%; nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến và xuất khẩu chỉ đạt 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài, dự báo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất những tháng cuối năm thiếu hụt từ 20-30%; Đối với ngành chế biến gỗ, 60% doanh nghiệp bảo đảm sản xuất theo quy định “3 tại chỗ”, 40% còn lại phải ngừng sản xuất; chi phí xét nghiệm cao là gánh nặng cho doanh nghiệp.

Phần lớn doanh nghiệp sản xuất gia cầm giống và sản xuất trứng đều gặp khó khăn do thiếu vốn để duy trì sản xuất kinh doanh. Việc tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn gặp các vấn đề về vận chuyển, logistics, chi phí điện năng, vaccine…

Triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm. Đồng thời xem xét xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho ngành nông nghiệp. Có chính sách tín dụng hỗ trợ người sản xuất chịu ảnh hưởng của dịch,…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải có biện pháp tháo gỡ về chi phí logistics trong xuất khẩu hàng hóa; chỉ đạo các tập đoàn phân phối trong nước tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nông sản tại các địa phương nơi có hoạt động của doanh nghiệp. Đàm phán song phương với các nước đang xuất siêu nguồn thức ăn chăn nuôi sang Việt Nam có chính sách ưu đãi về thương mại trong trao đổi mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với Việt Nam, trước hết là ngô, lúa mỳ, đậu tương, đậu khô, DGGS, cám chiết ly từ thị trường Mỹ, Argentina, Brazil, Ấn Độ, Australia, Ucraina, Nga…..

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo giải quyết triệt để ách tắc trong vận chuyển vật tư nông nghiệp đầu vào cũng như sản phẩm đầu ra ở cả 2 khâu vào và ra khu vực trại chăn nuôi tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16. Đơn giản hóa các thủ tục để hàng hóa nông sản được lưu thông thuận lợi trên địa bàn.