Ảnh hưởng lớn từ đại dịch
Năm 2021, Hà Nội triển khai chín dự án sử dụng vốn ODA với số vốn được giao là 8.654 tỷ đồng. Ðến ngày 22/7, giá trị giải ngân đạt 1.161 tỷ đồng, đạt 13,42% kế hoạch. Số vốn ODA mà các dự án tại TP Hồ Chí Minh đã giải ngân trong sáu tháng đầu năm là hơn 1.329 tỷ đồng, đạt 10,2% kế hoạch. TP Hải Phòng đạt hơn 88,2 tỷ đồng, đạt 20,36% kế hoạch. Con số này của tỉnh Quảng Ninh là 1,160 tỷ đồng, đạt 0,1% kế hoạch, là một trong 37 địa phương "đứng cuối bảng" về giải ngân vốn vay ODA.
Tiến độ giải ngân vốn ODA thấp trước hết là do tác động nặng nề của dịch Covid-19, bởi hầu hết thiết bị của các dự án phải nhập khẩu từ nước ngoài đều bị chậm tiến độ sản xuất và giao hàng. Gần đây, do diễn biến dịch tại các thành phố lớn ngày càng phức tạp, chính quyền thực hiện giãn cách xã hội, việc thi công các dự án phải tạm dừng. Ðại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) - chủ đầu tư Dự án tuyến đường sắt đô thị (ÐSÐT) số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội cho biết, việc duy trì trạng thái vừa thi công, vừa phòng, chống dịch đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án. Năm 2021, tổng số vốn giao cho dự án là hơn 4.934 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này, giá trị giải ngân mới được gần 1.269 tỷ đồng, đạt 25,71% kế hoạch. Dự án xây dựng tuyến ÐSÐT số 1 TP Hồ Chí Minh (Bến Thành - Suối Tiên) giải ngân được 655,7 tỷ đồng, đạt 7,25% kế hoạch năm 2021.
Tại tỉnh Quảng Ninh, dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Hạ Long sử dụng vốn vay JICA với tổng mức đầu tư 3.194 tỷ đồng, tương đương 143 triệu USD. Mục tiêu của dự án là bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long khỏi nguy cơ ô nhiễm do nước thải; giảm tình trạng ngập úng trong đô thị, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vệ sinh môi trường; tạo điều kiện phát triển du lịch và thu hút đầu tư. Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Nguyễn Tiến Dũng cho biết, quá trình vận động tài trợ, đàm phán, ký kết công hàm trao đổi và hiệp định vay vốn lần hai cho dự án kéo dài nhiều năm. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 xảy ra đã làm dự án bị chậm triển khai.
Nhiều bất cập trong quá trình thực hiện
Ngoài nguyên nhân khách quan nêu trên, tình trạng chậm giải ngân chủ yếu do yếu tố chủ quan. Hầu hết các dự án sử dụng vốn vay ODA đều là các dự án xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật lớn, phải giải phóng mặt bằng (GPMB) diện tích của nhiều hộ dân và nhiều công trình ngầm, nổi. Tuy nhiên, công tác tổ chức thực hiện còn bất cập, công tác GPMB bị dây dưa, kéo dài làm phát sinh nhiều vấn đề. Tại Dự án tuyến ÐSÐT số 3 Hà Nội, những vướng mắc kéo dài về GPMB tại vị trí xây dựng các ga ngầm: S9, S11 và S12 khiến dự án phải điều chỉnh thời gian và kinh phí của các gói thầu, nhà thầu phải giãn tiến độ và tạm dừng một số công việc. Ở Dự án xây dựng tuyến ÐSÐT số 1 TP Hồ Chí Minh, quá trình thi công cũng gặp vướng mắc trong việc di dời các công trình hạ tầng, nhà dân tại khu vực chín cầu bộ hành, làm phát sinh thêm chi phí và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các gói thầu.
Ngoài ra, không ít dự án chưa thể triển khai do chưa hoàn thành xong thủ tục. Ðơn cử như dự án tuyến ÐSÐT số 2, do thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án chưa thực hiện xong; quy hoạch ga ngầm C9 bên hồ Hoàn Kiếm chưa được thông qua, cho nên không thi công được các gói thầu xây lắp. Tương tự, Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Hải Phòng có tổng mức đầu tư hơn 3.588 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là gần 2.378 tỷ đồng, nhưng dự án chưa đủ điều kiện để ký kết hiệp định, cho nên chưa tiến hành giải ngân. Ðối với Dự án xây dựng tuyến ÐSÐT số 1 TP Hồ Chí Minh, việc giải ngân vốn ODA được cấp phát, bố trí cho dự án bị chậm trễ. Bên cạnh đó, các gói thầu đang triển khai thi công được thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC, nhưng việc cung cấp các thông số liên quan cần thiết của các gói thầu chưa được cụ thể ngay từ giai đoạn lập hồ sơ mời thầu, làm ảnh hưởng đến công tác thiết kế và tiến độ của các gói thầu.
Một trong những nguyên nhân quan trọng nữa là việc triển khai tổng thể dự án ODA của các bộ, ngành chưa đúng tiến độ, làm ảnh hưởng đến việc triển khai, giải ngân các dự án nhánh tại các địa phương. Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại (Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hải Phòng) Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, những dự án chậm giải ngân vốn ODA trong sáu tháng qua phần lớn là dự án nhánh của các bộ, ngành. Ðơn cử như dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới đến hết tháng 6/2021 mới giải ngân được hơn 1,26 tỷ đồng đạt 2,5% kế hoạch vốn ODA năm 2021. Ðây là dự án nhánh trong dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, nhưng Bộ mới hình thành dự án khung. Hiện, dự án tại Hải Phòng mới trong giai đoạn triển khai các thủ tục đầu tư, tư vấn, thiết kế, đấu thầu và tháo gỡ các vướng mắc phát sinh, chưa thực hiện các gói thầu xây lắp… Ngoài ra, tinh thần, thái độ làm việc chưa tích cực của một số cán bộ chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu cũng làm cho giải ngân vốn ODA sáu tháng đầu năm thấp. Ðó là tình trạng ngại giải ngân nhiều lần, làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần, chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm. Nhiều gói thầu được phê duyệt kế hoạch đấu thầu đầu năm thì phải đến giữa năm mới lựa chọn được nhà thầu và ký kết hợp đồng, theo đó việc tạm ứng vốn hợp đồng, hay giải ngân khối lượng thực hiện thường tiến hành vào cuối năm.
Cần những giải pháp quyết liệt hơn
Tại hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình giải ngân vốn ODA mới đây, nêu các giải pháp nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn ODA, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, giải pháp quan trọng nhất vẫn là nâng cao vai trò của các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú cho biết, UBND thành phố Hà Nội thành lập các tổ công tác để đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư công của thành phố, trong đó có dự án ODA, kịp thời báo cáo các khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền với UBND thành phố để thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án và giải ngân đạt tỷ lệ cao. Ðối với dự án tuyến ÐSÐT Nhổn - ga Hà Nội (là dự án quan trọng quốc gia), UBND thành phố thành lập tổ công tác riêng giúp chủ đầu tư giải quyết các khó khăn vướng mắc của dự án, thúc đẩy tiến độ thực hiện, khả năng giải ngân để đưa đoạn trên cao vào vận hành vào năm 2022.
Căn cứ tình hình thực tế về tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn vay ODA, tỉnh Quảng Ninh đôn đốc các chủ đầu tư nghiêm túc triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm. Ðồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ở các cấp ngân sách, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương với kết quả giải ngân, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP của tỉnh và cả năm 2021 đạt hơn 10%. Còn TP Hải Phòng tập trung cao trong việc thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA, bảo đảm cam kết với các nhà tài trợ.
Giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài có vai trò thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nhất là trong bối cảnh nước ta đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế. Do vậy, ngoài việc khắc phục khó khăn do tác động khách quan từ đại dịch, các bộ, ngành cũng cần quan tâm, phối hợp các địa phương cùng tháo gỡ những nút thắt liên quan đến công tác GPMB, phê duyệt chủ trương đầu tư, xử lý khác biệt giữa quy định hiện hành của Việt Nam và thông lệ quốc tế, quy định nhà tài trợ… để việc giải ngân được thông suốt, tiến độ các dự án được đẩy nhanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, thực hiện tốt nhiệm vụ về tài chính, ngân sách dự toán đã được Quốc hội giao.
Hương Toản và Dũng Thọ Liêm