Mở “cánh cửa lớn” cho nông nghiệp

Trong xu thế hội nhập, để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, liên kết  là  nhu cầu bức thiết, điều kiện mang tính sống còn, đồng thời  mở ra “cánh cửa lớn” để nông nghiệp Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu.  Làm thế nào để thúc đẩy và mở rộng liên kết trong sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, hiệu quả đang là câu hỏi từ cuộc sống.

Sơ chế sản phẩm nhãn tại Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Ảnh: ÐINH TÙNG
Sơ chế sản phẩm nhãn tại Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Ảnh: ÐINH TÙNG

Bài 1: Thay đổi trong tư duy

Những năm gần đây,  từ nhu cầu  thực tế như:  liên kết để làm ra khối lượng nông sản lớn, cùng chất lượng, chủng loại, đáp ứng đơn hàng của các doanh nghiệp; cùng nhau mua một vài loại phân bón, vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi với số lượng lớn, giá bán buôn hoặc nhu cầu cung ứng các dịch vụ nông nghiệp... đã đưa nhiều nông dân xích lại gần nhau, lập nên những hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán... hoạt động rất hữu ích, hiệu quả.

Hội quán của những ước mơ làm giàu

Chủ nhiệm Thuận Tâm hội quán (xã Mỹ Ðông, huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp) Nguyễn Văn Thuận chia sẻ: “Ðịnh kỳ hằng tháng, 40 thành viên hội quán ngồi lại với nhau bàn chuyện làm ăn, qua đó, những người nông dân có sự liên kết rất chặt chẽ. Ðó là cùng mua chung vật tư nông nghiệp để giảm giá, cùng bán chung nông sản số lượng lớn đáp ứng nhu cầu của nhà thu mua. Nhờ tham gia hội quán, chúng tôi có tầm nhìn xa hơn trong liên kết tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp. Hiện nay, hội quán không chỉ dừng lại là một tổ chức tự nguyện của nông dân nữa mà đã thu hút nhiều doanh nhân và trí thức. Và đây chính là “ngôi nhà chung” của những người có cùng lý tưởng, ước mơ, hoài bão vì sự phát triển nông nghiệp của quê hương. Tham gia mô hình, nông dân được tập huấn sản xuất, được gặp gỡ các nhà khoa học, các lãnh đạo đầu ngành, lãnh đạo tỉnh. Những cuộc trao đổi đó đã “truyền lửa” cho nông dân bước đầu chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp”.

Hội quán là mô hình liên kết nông dân đặc sắc của Ðồng Tháp. Hội quán đầu tiên được thành lập ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành vào tháng 6/2016, với tên gọi Canh Tân hội quán, tập hợp những người nông dân cùng ngành nghề trong xóm, ấp, tự nguyện đến gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trên tinh thần cùng nhau biết, cùng nhau hiểu và cùng nhau làm, hướng đến xây dựng một cộng đồng gắn kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất và đời sống. Hội quán ra đời với mong muốn giúp nông dân thoát khỏi nếp nghĩ “đèn nhà ai nấy rạng, ruộng nhà ai nấy cấy”, để mọi người hợp sức, làm cho khu vườn lớn hơn, vùng nguyên liệu quy mô hơn, nhằm thoát ra cái bẫy sản xuất nhỏ, manh mún, tự phát. Ðến nay, Ðồng Tháp có hơn 110 hội quán hoạt động gắn với từng ngành hàng, ngành nghề đặc trưng của địa phương, tạo ra xu hướng mới trong hợp tác sản xuất, làm nền tảng phát triển và nâng cao chất lượng kinh tế tập thể. Ðáng chú ý, đã có 22 hợp tác xã (HTX) kiểu mới được hình thành từ nền tảng mô hình hội quán. Ðây là dấu ấn rõ nét cho những đổi thay tích cực về tinh thần hợp tác - liên kết sản xuất.

Mở “cánh cửa lớn” cho nông nghiệp -0
 Hợp tác xã Trường Tiến (xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) liên kết trồng 416 ha cam với các hộ nông dân. Ảnh: THÙY ANH

Sức hút từ những hợp tác xã tự nguyện

Vụ xoài năm nay tại tỉnh Sơn La, mặc dù giá khá rẻ, nhưng theo anh Nguyễn Văn Bằng ở bản Nông Xôm, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn thì người dân cũng không lo lắng tồn hàng hay bị thương lái ép giá, bởi toàn bộ diện tích trồng xoài của các hộ gia đình đã được HTX Thiên Tân thu mua hết với mức giá bảo đảm có lợi nhuận. Giám đốc HTX Thiên Tân (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn) Nguyễn Bá Tuân cho hay: “HTX  được thành lập từ tháng 6/2018 với bảy thành viên trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, tổ chức sản xuất xoài theo quy  trình chung, được sự đồng thuận của tất cả các hội viên tham gia: mua chung vật tư nông nghiệp, chung cách thức chăm sóc, chung tiêu chuẩn chất lượng và HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm”. Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La Lê Tiến Lợi, những năm qua, việc thu mua, bao tiêu nông sản cho các hội viên đã được nhiều HTX làm rất tốt, không những tránh tình trạng nông sản phải “giải cứu” mà còn mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ðến nay, toàn tỉnh có 641 HTX nông nghiệp, tăng 522 HTX so với năm 2016. HTX cà-phê Bích Thao Sơn La hiện có 11 thành viên, diện tích trồng cà-phê hơn 30 ha. Các thành viên HTX góp vốn bằng tiền mặt và giá trị quyền sử dụng đất. HTX còn liên kết sản xuất với 1.500 hộ nông dân trên diện tích hơn 2.000 ha. Theo đó, HTX ký hợp đồng liên kết với các hộ, bảo đảm thu mua sản phẩm giá cao hơn thị trường, với điều kiện các hộ trồng, chăm sóc, thu hoạch cà-phê theo đúng quy trình kỹ thuật được đại diện HTX giám sát chặt chẽ. Giám đốc HTX Nguyễn Xuân Thao cho biết: “Hiện các sản phẩm cà-phê của HTX đã có mặt tại 40 tỉnh, thành phố trên cả nước, và một số sản phẩm chế biến sâu đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ... Mới đây, một số doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã trực tiếp đến HTX phân tích, thử nghiệm chất lượng cà-phê để hướng tới hợp tác thu mua”. Ngoài cà-phê, hiện Sơn La còn khá nhiều HTX rau quả, trái cây hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho các nông hộ. Chính nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các HTX, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp, với 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu.

Tại tỉnh Lâm Ðồng, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sunfood Ðà Lạt (Sunfood Dalat CO.OP) đang đứng tốp đầu trên địa bàn tỉnh trong triển khai hiệu quả chuỗi liên kết trong nông nghiệp, với 120 thành viên hợp tác sản xuất trên diện tích 70 ha. Quy trình hoạt động của Sunfood Dalat CO.OP khép kín đầu vào - đầu ra ổn định và liên tục phát triển. Trong đó, người sản xuất liên kết được HTX cung ứng vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, thực hành kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX có hợp đồng với các hộ liên kết, bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch với mức giá ổn định. HTX được cấp thương hiệu “Ðà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, cung ứng ra thị trường 120 sản phẩm gồm rau đạt chuẩn VietGAP, hàng đặc sản, trái cây và hoa Ðà Lạt. Ðến nay, thị trường đầu ra đã mở rộng lên 200 cửa hàng, siêu thị, doanh nghiệp hợp tác tại 35 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Phạm Ngọc Thạch khẳng định: HTX tính toán chi tiết với từng thành viên liên kết sẽ trồng loại cây gì, lời lãi bao nhiêu trên từng diện tích, nếu không đủ chúng tôi sẽ bù, người dân chỉ thực hiện đúng quy trình mà chúng tôi đưa ra là bảo đảm có thu nhập ổn định.

Tại khu vực đồng bằng sông Hồng, mô hình HTX cũng phát triển mạnh ở nhiều địa phương. Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có 322 HTX nông nghiệp, trong đó nhiều HTX thực hiện liên kết hiệu quả như: HTX nhãn lồng Nễ Châu, xã Hồng Nam, TP Hưng Yên; HTX dịch vụ tổng hợp xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm; HTX dịch vụ, chăn nuôi nông nghiệp Ðức Thắng, huyện Tiên Lữ. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên  Nguyễn Văn Tráng cho biết: Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại các HTX trên địa bàn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, gắn với sơ chế, chế biến. Ðáng chú ý, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, giao dịch nông sản cần có khối lượng lớn, đạt tiêu chuẩn chất lượng, giao hàng đúng lúc... thì vai trò đó càng có cơ hội phát huy. Còn tại Hải Dương, năm 2020, tỉnh đã triển khai liên kết tổ chức sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm trồng trọt tại bảy HTX, với tổng diện tích 164 ha cho ba sản phẩm là khoai tây, bắp cải và dưa chuột.

Từ câu chuyện hội quán đến sức hút của HTX rõ ràng đã thể hiện sự thay đổi trong tư duy làm nông nghiệp của người nông dân, bước đầu biết tập hợp lại với nhau, chung nhau sản xuất hướng tới sự ổn định và làm giàu từ nông nghiệp. Câu nói “chung nhau thì giàu, chia nhau thì khó” hoặc “muốn đi xa phải đi cùng nhau” đang rất đúng với những người làm nông nghiệp hiện nay.

(Còn nữa)