Gỡ khó cho xuất khẩu cà-phê

NDO -

Niên vụ 2020-2021, sản lượng cà-phê của Việt Nam dự báo giảm 15%, niên vụ cà phê 2020/2021 chỉ còn bốn tháng xuất khẩu, nhưng ách tắc trong lưu thông đã làm trì trệ hoạt động thông quan mặt hàng này.

Ách tắc trong lưu thông đã làm trì trệ hoạt động thông quan của cà phê.
Ách tắc trong lưu thông đã làm trì trệ hoạt động thông quan của cà phê.

Sức tiêu thụ cà-phê trên toàn cầu giảm

5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà-phê ước đạt 720 nghìn tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, giảm 11,4% về lượng và giảm 5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Đại dịch Covid-19 khiến sức tiêu thụ cà-phê toàn cầu giảm. Trong khi đó, cước vận tải biển tăng cao khiến xuất khẩu cà-phê của Việt Nam gặp khó khăn.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) ước tính, xuất khẩu cà-phê của Việt Nam tháng 5-2021 đạt 135 nghìn tấn, trị giá 248 triệu USD, tăng 2,2% về lượng và tăng 0,7% về trị giá so với tháng 4-2021, so với tháng 5-2020 tăng 3,7% về lượng và tăng 12,6% về trị giá. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà-phê ước đạt 720 nghìn tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, giảm 11,4% về lượng và giảm 5,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Tháng 5-2021, giá xuất khẩu trung bình cà-phê của Việt Nam ước đạt 1.837 USD/tấn, giảm 1,5% so với tháng 4-2021, nhưng tăng 8,5% so với tháng 5-2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu trung bình cà-phê của Việt Nam ước đạt 1.810 USD/tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, cuối tháng 5-2021, giá cà-phê Robusta và Arabica trên thế giới tăng trở lại. Các thị trường tiêu thụ cà-phê lớn châu Âu và Hoa Kỳ tiếp tục nới lỏng giãn cách xã hội đã hỗ trợ giá tăng, trong khi lượng xuất khẩu từ hai nhà sản xuất hàng đầu thế giới Việt Nam và Brazil chậm.

Hiện, năng suất cà-phê của Việt Nam cao nhất thế giới, trung bình 2,6 tấn/ha nhân đối với cà-phê Robusta và 1,4 tấn/ha nhân đối với cà-phê Arabica. Việt Nam đứng thứ 3 về diện tích cà-phê được chứng nhận bền vững; đứng thứ 2 về xuất khẩu và chiếm 8,3% thị phần xuất khẩu cà-phê toàn cầu.

Cắt giảm chi phí hạ giá thành cước vận chuyển

Niên vụ 2020-2021, sản lượng cà-phê của Việt Nam dự báo giảm 15% do ảnh hưởng đợt mưa lũ hồi tháng 10-2020 và hạn hán hồi tháng 5 và tháng 6-2020. Niên vụ cà-phê 2020/2021 chỉ còn bốn tháng xuất khẩu, nhưng ách tắc trong lưu thông đã làm trì trệ hoạt động thông quan mặt hàng. Trong khi đó, mùa mưa đã bắt đầu, người dân cần tiền mặt để trang trải chi phí cho vụ mùa mới.

Dự báo giá cà-phê toàn cầu sẽ được hỗ trợ nhờ những thông tin tích cực. Theo Bloomberg, nguồn cung cà-phê niên vụ 2021/2022 được dự báo sẽ thiếu hụt khoảng 11,6 triệu bao do sản lượng của Brazil giảm. Trong đó, thế giới sẽ thiếu hụt 7,5 triệu bao cà-phê Arabica. Bên cạnh đó, việc các thị trường tiêu thụ cà-phê lớn toàn cầu nới lỏng giãn cách xã hội cũng sẽ tác động tích cực lên giá mặt hàng này.

Tuy nhiên, sự phục hồi của giá cà-phê không bền vững. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, tồn kho cà-phê có xu hướng tăng. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo, tồn kho mang sang niên vụ mới 2021/2022 ước khoảng 7,23 triệu bao Robusta, do xuất khẩu cà-phê của Việt Nam chậm, tình trạng thiếu container rỗng khiến cước phí vận tải biển tăng cao trong mùa dịch.

Đại diện Hiệp hội Cà-phê - Ca cao Việt Nam cho rằng, để hạn chế rủi ro vì giá cước vận tải tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu nên xem xét chuyển sang hình thức xuất khẩu FOB (giá giao hàng tại cảng xuất), thay vì chọn hình thức chịu chi phí giao hàng tận nơi. Cơ quan chức năng cũng cần làm việc với các hãng tàu để thúc đẩy giá cước phù hợp, hạ hoặc cắt giảm các khoản phí tại cảng lớn ở TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng…