Doanh nghiệp tìm cách vượt khó trước “làn sóng” dịch Covid-19 thứ tư

Thông lệ hằng năm, đầu quý II là thời điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) mới quyết định gia nhập thị trường, còn DN đang hoạt động lên phương án tăng tốc sản xuất, kinh doanh thực hiện các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận theo kế hoạch. Nhưng từ cuối tháng 4 đến nay, DN như “ngồi trên đống lửa” vì những tác động tiêu cực của đợt cao điểm bùng phát dịch Covid-19 đang diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước.

Do tác động của dịch Covid-19, nhà ga hành khách sân bay Nội Bài vắng lặng.
Do tác động của dịch Covid-19, nhà ga hành khách sân bay Nội Bài vắng lặng.

Sản xuất trong tình trạng báo động cao

Từ 0 giờ ngày 18-5, UBND tỉnh Bắc Giang chính thức tạm dừng hoạt động bốn khu công nghiệp, đồng thời thực hiện cách ly xã hội một số địa bàn để thực hiện phòng, chống dịch. Từ thực tế của Bắc Giang, những địa phương và DN hoạt động trong các ngành thâm dụng lao động không khỏi “giật mình” và lập tức căng mình để vừa giữ sạch môi trường làm việc, vừa vận hành sản xuất, không để lây lan dịch bệnh trong khu công nghiệp. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho biết: Tình hình ở Hugaco rất căng thẳng, do diễn biến khó lường của dịch, các DN thành viên luôn đặt ở tình trạng báo động cao. Điều khiến các lãnh đạo DN thành viên của Hugaco lo lắng nhất là nếu bị phong tỏa nhà máy, sẽ “vỡ” hết tiến độ giao hàng. Đơn hàng hầu hết thanh toán chậm 60 ngày cho nên không giao được hàng sẽ không thể thanh toán tiền gia công, thiệt hại cho phía khách hàng và ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền của DN. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu lo lắng, nếu xảy ra trường hợp DN có công nhân dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 hoặc sống trong vùng bị phong tỏa, không thể sản xuất được thì DN thiệt hại rất lớn. Hiện nay, DN dệt may đều đã ký hợp đồng hết quý III-2021, nếu phải phong tỏa, không có công nhân đi làm sẽ kéo theo hệ quả rất tai hại là sản xuất đình trệ, các hợp đồng không thực hiện được đúng hạn, DN mất tiền gia công, mất hợp đồng, mất khách hàng và mất cả uy tín mà DN từng rất khó khăn mới tạo dựng được. “Do đó, việc tuyên truyền phải được làm thường xuyên từ xưởng sản xuất đến các phòng, ban, Vinatex sẽ tiếp tục duy trì và phát huy tính tự chủ, tự cường, linh hoạt trong chỉ đạo và sản xuất để vượt qua làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư”, Phó Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu chia sẻ.

Đang vào thời kỳ cao điểm thi công các dự án, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) huy động khoảng 1.600 người trên công trường cho nên rất cẩn trọng trong việc quản lý quân số, nhất là sau thời điểm nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Người lao động trở lại làm việc từ các địa phương có xuất hiện ca nhiễm đều đã được tự cách ly tại chỗ và theo dõi y tế hằng ngày, báo cáo chính quyền địa phương. Hết thời hạn tự cách ly theo quy định, được sự cho phép của Tổng thầu mới được trở lại làm việc bình thường,... Giám đốc Ban dự án hóa dầu Long Sơn (Lilama) Lê Hải Long cho biết, các kỹ sư, công nhân làm việc đều được kiểm tra thân nhiệt hằng ngày trước khi vào công trường và vào khu vực dự án lại được Tổng thầu kiểm tra thêm một lần nữa.

Dưới tác động do dịch Covid-19 diễn ra liên tiếp, các DN vận tải đang phải cố gắng cầm cự khi thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công và đứng trước nguy cơ phá sản nếu không kiểm soát được dịch. Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) Khúc Hữu Thanh Hải cho hay, DN vẫn chưa hồi phục vì thua lỗ từ những đợt dịch trước; đợt dịch này, đơn vị đã tạm dừng hoạt động khoảng 80% số phương tiện. Trong các xe còn hoạt động, lượng khách cao nhất mỗi xe cũng chỉ đạt khoảng 20%. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, tình hình còn tồi tệ hơn rất nhiều. “Phương tiện chạy cũng chết mà không chạy cũng chết. Ngoài việc cắt giảm đến mức thấp nhất chi phí để cố gắng cầm cự, chúng tôi cũng chưa nghĩ ra được cách gì hơn”, ông Hải ngao ngán. Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (sở hữu hãng xe Sao Việt) Đỗ Văn Bằng cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, tất cả xe khách của đơn vị gần như dừng hoạt động do không có khách. Doanh nghiệp có 100 xe, nhưng chỉ chạy hai, ba xe để duy trì tuyến, mỗi chuyến xe tuyến Hà Nội - Lào Cai chỉ thu được 2 triệu đồng, trong khi chi phí vận hành khoảng 7,5 triệu đồng. DN vận tải khách hoạt động cầm chừng, các bến xe cũng rơi vào cảnh đìu hiu, thất thu vì vắng phương tiện. Ở bến xe Mỹ Đình, lúc bình thường, tần suất xe xuất bến khoảng 800 lượt/ngày, hiện nay chỉ còn khoảng 300  lượt nhưng cũng rất vắng khách. 

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa thông báo tiếp tục dừng chạy hàng loạt mác tàu trên các tuyến bắc - nam, công nhân lao động tạm ngưng việc ngày càng nhiều. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội Nguyễn Viết Hiệp cho biết, kể từ đợt bùng phát dịch đầu năm 2021 đến nay, do không có nguồn hỗ trợ, công ty chỉ trả lương ngừng việc đối với người lao động ngừng việc do phải cách ly y tế, còn lại thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không hưởng lương. Cùng cảnh “đứng ngồi không yên”, các hãng hàng không cũng tính toán cắt giảm tần suất bay và thu hẹp đường bay đã mở. Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, ngày 29-4, Hãng Vietjet Air khai thác 366 chuyến bay, vận chuyển hơn 60 nghìn khách, ngày 15-5 chỉ còn 61 chuyến bay, 8.000 khách; Vietnam Airlines (VNA) ngày 29-4 khai thác hơn 420 chuyến bay, hơn 70 nghìn khách, đến ngày 15-5, chỉ còn 45 chuyến bay, 6.000 khách,...

Hỗ trợ để DN phục hồi 

Dựa trên những thông tin cập nhật diễn biến mới của dịch Covid-19, nhiều tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2021 sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi cuộc chiến chống dịch trên thế giới và tại Việt Nam chưa thể kết thúc sớm. Nhiều ngành kinh tế quan trọng sẽ tiếp tục trải qua một năm đầy khó khăn và khó đoán định, trong đó có nhóm ngành hàng tiêu dùng. Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã trình Đại hội cổ đông thông qua mục tiêu doanh thu, lợi nhuận ở mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Nguyên nhân chính khiến Habeco sụt giảm doanh thu, lợi nhuận là do tác động từ dịch Covid-19 khiến sức cầu yếu. Theo đó, dự kiến lượng bia tiêu thụ giảm gần 30 triệu lít so với thực tế bán ra năm 2020, doanh thu các sản phẩm tiêu thụ chính đạt hơn 5.391 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 255 tỷ đồng. Tổng Giám đốc Habeco Ngô Quế Lâm cho biết, Ban lãnh đạo Habeco xác định mục tiêu trọng tâm trong năm 2021 là duy trì và củng cố vị thế dẫn đầu của DN về thị phần tại các thị trường truyền thống, vượt qua khó khăn để hoàn thành kế hoạch kinh doanh,…

Đối với ngành hàng không, ngay khi chịu tác động của dịch, Chính phủ đã có chính sách giảm 50% giá cất - hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay và tiếp tục gia hạn đến năm 2021; áp dụng các chính sách hỗ trợ DN cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, miễn giảm lãi phí vay, tháo gỡ các khó khăn về vốn,… Cuối năm 2020, gói giải pháp hỗ trợ 12 nghìn tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua để bù đắp thanh khoản và tăng vốn chủ sở hữu cho VNA, tuy nhiên tiến độ giải ngân bị chậm. Đến nay, gói hỗ trợ cho vay tái cấp vốn (4.000 tỷ đồng) đã hoàn tất toàn bộ hành lang pháp lý cần thiết và dự kiến có thể giải ngân từ tháng 6 tới. Phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (8.000 tỷ đồng) đang được triển khai các bước cần thiết theo quy định và dự kiến sẽ hoàn tất trong quý IV-2021. Trong thời gian qua, các chính sách, giải pháp ngắn và trung hạn đã được Chính phủ đưa ra giúp các hãng hàng không giảm chi phí sản xuất, kinh doanh thông qua các chương trình giảm thuế, phí hoặc hỗ trợ tài chính. Nhưng để giúp các hãng tồn tại, phát triển ổn định, bền vững, đủ tiềm lực cạnh tranh sòng phẳng với các hãng trên thế giới thì những chính sách dài hạn nhằm giải quyết các vấn đề dư thừa nguồn lực, cạnh tranh giá vé và các hệ lụy rủi ro về bất ổn thị trường cần được Chính phủ lưu tâm, xem xét và quyết định. Theo một số chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiện nay Chính phủ nên có những chiến lược để giải cứu các hãng hàng không theo tầm nhìn của quốc gia chứ không phải để các hãng cố gắng sống “qua ngày đoạn tháng”. Cần nhìn rõ cứu trợ không phải để “hà hơi thổi ngạt” mà chính là đầu tư cho tương lai. Đặc biệt, Hãng hàng không quốc gia có vai trò nhất định trong việc bảo đảm các mục tiêu như nhiệm vụ chính trị, hiện đại hóa xã hội,… Với sự chủ trì của Chính phủ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ, cùng sự cam kết của các hãng hàng không trong việc nâng tầm dịch vụ và tạo động lực cho phát triển quốc gia, hy vọng bức tranh toàn cảnh của ngành hàng không sẽ có nhiều thay đổi tích cực sau khi đại dịch kết thúc.

Theo đánh giá của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, khó khăn chung của rất nhiều DN hiện nay là mất cân đối dòng tiền. Hiện tượng này bắt đầu nảy sinh từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và ngày càng trầm trọng. Tín hiệu tích cực là trong “làn sóng” dịch Covid-19 lần thứ tư, Chính phủ đã chỉ đạo đồng bộ, xuyên suốt và cụ thể các giải pháp vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Chủ trương “không ngăn sông cấm chợ”, “khoanh vùng hẹp” để bảo đảm sản xuất, duy trì phát triển kinh tế được thực hiện đồng bộ ở các địa phương, giúp hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch đối với hoạt động của DN. Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021, chính sách hỗ trợ rất tốt cho DN. Bản thân các DN cũng rất chủ động ứng phó với dịch Covid-19 nhưng tiềm lực và sức chống chịu có hạn. Nhiều khó khăn tích tụ đến nay đã vượt tầm của một DN, trở thành vấn đề của một ngành, một lĩnh vực, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của địa phương và cơ quan quản lý nhà nước cũng như ý kiến tham vấn của chuyên gia kinh tế, hiệp hội ngành hàng. Các gói hỗ trợ từ trước đến nay là cần thiết nhưng chỉ mang tính ngắn hạn, cộng đồng DN mong mỏi nhiều hơn thế, trước hết là chính sách hỗ trợ cụ thể tập trung cho từng ngành, lĩnh vực. Chính sách mới cần tính toán đến biên độ phục hồi cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực, không nên tiếp tục duy trì tư duy “giải cứu”. 

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nhìn nhận, sau một năm chịu tác động của dịch Covid-19, tình hình của DN và người lao động hiện rất khác so với năm 2020. Rất nhiều DN đã không thể trụ được, phải cắt giảm lao động, thậm chí đóng cửa hoặc chuyển sang ngành nghề khác. Về phía người lao động cũng không thể ngồi nhà nhận tiền hỗ trợ và chờ quay trở lại công việc vì diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp và kéo dài, buộc họ phải tìm kiếm việc làm mới tạm thời. Trước thực trạng này, việc đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ DN và người lao động cần phải thay đổi theo hướng hỗ trợ phục hồi và phát triển thay vì mục tiêu hỗ trợ thanh khoản để cầm cự như thời điểm một năm trước. Ông Cung cho rằng, chính sách hỗ trợ trong giai đoạn này cần tập trung trợ giúp, khuyến khích đầu tư nhằm vào những đối tượng, khu vực đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, thay vì hỗ trợ chung chung cho tất cả các đối tượng chịu ảnh hưởng sẽ khiến nguồn lực bị phân tán, dàn trải, kém hiệu quả. Các lĩnh vực được lựa chọn khuyến khích hỗ trợ, đầu tư phải là chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, những mô hình kinh doanh mới. Cùng với đó, phải quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN, tháo gỡ các nút thắt trong thủ tục đầu tư để DN bứt lên nắm bắt cơ hội kinh doanh.