Bình ổn giá vật tư nông nghiệp là nhiệm vụ cấp bách hiện nay

NDO -

Tổ Công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn về việc tăng cường kiểm tra vật tư nông nghiệp trong tình hình dịch Covid-19 gửi Tổ Công tác 970 Bộ Công thương, đề nghị chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh phía nam phối hợp Thanh tra Cục Bảo vệ thực vật và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thường xuyên kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu) không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng… tạo khan hiếm giả tạo để trục lợi.

Nông dân đang gặp khó do giá vật tư nông nghiệp tăng cao. (Ảnh: Thanh Vũ)
Nông dân đang gặp khó do giá vật tư nông nghiệp tăng cao. (Ảnh: Thanh Vũ)

Qua khảo sát của Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19 (Tổ Công tác 970) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết hợp tổng hợp từ số liệu sản xuất trong nước và nhập khẩu cho thấy: Giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long liên tiếp tăng. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, nhu cầu về các sản phẩm nông sản cả tươi sống, đông lạnh và chế biến đều tăng mạnh, đòi hỏi các giải pháp để sớm bình ổn thị trường, thúc đẩy sản xuất.

Cụ thể, giá phân bón hiện nay tăng ở mức quá cao so đầu năm 2021. Theo khảo sát, giá phân bón sản xuất trong nước: Phân đạm Cà Mau từ mức 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng/kg (tăng 72%); Phân DAP Đình Vũ từ mức 8.550 đồng/kg lên 14.300 đồng/kg (tăng 67,3%); Phân NPK Bình Điền, loại NPK 16-16-8+13S từ mức 8.860 đồng/kg lên 10.760 đồng/kg (tăng 24,3%).

Giá Phân bón nhập khẩu: Phân SA bột của Trung Quốc từ mức 3.270 đồng/kg lên 5.250 đồng/kg (tăng 60,6%); Phân DAP 64% nhập khẩu Trung Quốc từ 11.200 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg (tăng 50%); Phân Kali miểng Israel từ 6.650 đồng/kg lên 11.500 đồng/kg (tăng 72,9%).

Thuốc bảo vệ thực vật có tăng nhưng không nhiều. Đối với con giống, thức ăn chăn nuôi, do khó khăn trong vận chuyển (kể cả đường bộ và đường thủy) do nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nên có nguy cơ thức ăn chăn nuôi tiếp tục bị đẩy giá lên cao.

Trong khi đó, về nhu cầu thị trường, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), các sản phẩm đông lạnh xuất khẩu dự đoán sẽ tăng nhu cầu từ tháng 9/2021 đến 1/2022, do các nước bắt đầu mùa đông từ 20/9 hằng năm đến giữa tháng 3 năm sau, nên hầu hết các sản phẩm nhiệt đới họ không thể tự sản xuất (có sản xuất được cũng chi phí cao hơn nhập khẩu).

Chính vì vậy, nhiều quốc gia sẽ tăng nhu cầu nhập khẩu hàng nông sản từ các nước nhiệt đới như Việt Nam. Theo đó, các nước sẽ tăng mua hàng từ nay đến cuối tháng 10/2021 để trữ hàng bán vào các lễ hội của thế giới tầm từ tuần thứ 2 của tháng 11/2021 và dịp năm mới 2022. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang tìm các hợp đồng dài hạn để ký giá cố định cho đến tháng 6/2022. Đối với thị trường trong nước, nhu cầu hàng nông sản các loại cũng sẽ tăng trở lại khi lưu thông hàng hóa được thông suốt.

Để nắm bắt cơ hội này, một trong những vấn đề quan trọng đặt ra với các địa phương lúc này là bảo đảm duy trì sản xuất nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến… nhằm đón đầu nhu cầu thị trường sôi động trở lại, nhất là dịp cuối năm. Theo đó, cần khẩn trương, quyết liệt bình ổn giá các loại vật tư nông nghiệp để nông dân không bị thiệt thòi và các hoạt động sản xuất được duy trì, đẩy mạnh hơn nữa.