Hà Tĩnh chủ động dạy học trong tình hình mới

NDO -

Chỉ còn vài ngày nữa, hơn 1,3 vạn học sinh từ cấp học THCS trở lên ở Hà Tĩnh sẽ bước vào năm học mới với phương thức dạy học trực tuyến trong điều kiện tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Mặc dù đã nhận diện được những khó khăn phía trước, song với quyết tâm và niềm mong mỏi trong năm học mới, thầy trò vùng đất học đã lên "dây cót" tinh thần để vượt qua.

Nhiều học sinh ở Hà Tĩnh đã làm quen, tiếp cận với loại hình dạy học trực tuyến từ năm học 2020 -2021. (Ảnh: NGÔ TUẤN).
Nhiều học sinh ở Hà Tĩnh đã làm quen, tiếp cận với loại hình dạy học trực tuyến từ năm học 2020 -2021. (Ảnh: NGÔ TUẤN).

Theo kế hoạch, sáng 5/9 tỉnh Hà Tĩnh sẽ tổ chức lễ khai giảng năm học 2021-2022 bằng hình thức trực tiếp tại Trường THCS Lê Văn Thiêm (TP Hà Tĩnh). Lễ khai giảng năm học mới sẽ phát sóng truyền hình trực tiếp để tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh theo dõi. Sau đó các cơ sở giáo dục sẽ dạy học bằng hình thức trực tuyến, riêng bậc học mần non và tiểu học tạm thời chưa tổ chức dạy học đến khi có thông báo mới.

Nhận diện khó khăn

Theo chia sẻ của nhiều thầy cô giáo ở Hà Tĩnh, dù đã được làm quen với hình thức dạy học trực tuyến từ trước, nhưng đây là lần đầu tiên ngành giáo dục triển khai hình thức dạy học trực tuyến đại trà sau ngày khai giảng nên khó tránh khỏi những bỡ ngỡ bước đầu. Lo lắng, băn khoăn là điều không thể tránh bởi một số học sinh chưa có thiết bị để học trực tuyến, việc triển khai dạy học ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… còn nhiều bất cập.

Kết quả rà soát ban đầu tại các trường học trên địa bàn cho thấy, trong tổng số hơn 1,3 vạn học sinh đang theo học tại bậc các trường THCS, THPT, Giáo dục nghề nghiệp thì có đến 8,54% học sinh ở cấp học THCS và 13,53% học sinh cấp học THPT chưa có phương tiện học tập trực tuyến.

Hiệu trưởng Trường THCS Gia Hanh (Can Lộc), Đặng Quang Huy, chia sẻ, với đặc thù của một trường học đóng trên địa bàn khó khăn nên công tác chuẩn bị, tiếp cận loại hình dạy học trực tuyến ở đây vất vả hơn nhiều so với các trường học khác. Kết quả rà soát cho thấy, đến thời điểm hiện nay mới chỉ có 20/487 em học sinh có máy tính để học tập; trong tổng số 423/487 em có điện thoại thông minh để học tập, có đến 285 em đang dùng chung một thiết bị với nhiều anh, chị em trong nhà. Cá biệt, nhiều gia đình có đến 4, 5 học sinh tham gia học trực tuyến nhưng nhà chỉ có một điện thoại kết nối mạng. Ngoài ra, nhà trường có đến 64 em không có phương tiện để học trực tuyến.

Theo thầy giáo Đặng Quang Huy, mặc dù ngành giáo dục đã hướng dẫn, phân nhóm học sinh theo từng hoàn cảnh cụ thể để tiếp cận hình thức học tập mới hiệu quả nhất. Tuy vậy, phương thức dạy học mới này đòi hỏi phải có tính đồng bộ cao, nếu duy trì các phương án “chữa cháy” trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dạy học.  

Anh Trần Văn Tố, phụ huynh của 5 học sinh tại xã Gia Hanh cho biết, do gia đình chỉ có một máy điện thoại có thể kết nối mạng nên trước mắt gia đình sẽ mượn điện thoại có kết nối mạng của anh em họ hàng, lối xóm để các cháu được học tập kịp thời. “Điều khiến chúng tôi lo lắng nhất là việc quản lý, kiểm soát các cháu học tập tại nhà khi bố mẹ đi làm”. Anh Tố cho biết thêm.

Bên cạnh những khó khăn, thiếu thốn phương tiện dạy học, hạn chế hạ tầng truyền dẫn, thiết bị máy móc đồng loạt tăng giá… thì khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên, quản lý nề nếp của học sinh đang là những trở ngại trước thềm năm học mới.  

Hà Tĩnh chủ động dạy học trong tình hình mới -0
 Học sinh trường THCS Cương Gián (Nghi Xuân) kiểm tra đường truyền dẫn trước ngày khai giảng. (Ảnh: NGÔ TUẤN)

Tương tác đa chiều

Tại trường THCS Cương Gián (Nghi Xuân) nơi có gần một nửa học sinh đang có bố, mẹ hoặc cả bố lẫn mẹ không ở nhà, vì vậy nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn học sinh lẫn phụ huynh tương tác với thầy cô giáo và giáo án điện tử được ban giám hiệu nhà trường hết sức chú trọng.

Hiệu trưởng trường THCS Cương Gián, Trần Trọng Khiêm cho biết, sau khi rà soát tình hình, ngoài việc thiết lập các nhóm tương tác giữa giáo viên và học sinh, nhà trường đã yêu cầu các thầy cô giáo phối hợp chặt chẽ với phụ huynh thông qua các nhóm tương tác Zalo, Facebook của mỗi lớp để trao đổi kế hoạch, thống nhất cách làm với phụ huynh và người giám hộ nhằm quản lý chặt chẽ các em trong quá trình học tập.

Cùng với đó, nhà trường đã phối hợp với đối tác cung cấp dịch vụ viễn thông trang bị smarttivi, lắp đặt hệ thống camera, micro, kéo mạng LAN đến từng lớp phục vụ tối đa việc trao đổi, tương tác đa chiều giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Để “hóa giải” khó khăn ở giai đoạn đầu học trực tuyến, trưởng phòng Giáo dục huyện Can Lộc, Nguyễn Thị Hường cho biết: “Giải pháp trước mắt là phân thời gian học trực tuyến buổi sáng dành cho học sinh THPT, buổi chiều là học sinh THCS. Hiện nay, các nhà trường đang rà soát lại hạ tầng công nghệ thông tin, mua tài khoản phần mềm Zoom để quản lý dạy học. Đồng thời, sẽ triển khai công tác xã hội hóa, vận động nhà hảo tâm hỗ trợ thiết bị cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, Nguyễn Quốc Anh, trước những bất cập, khó khăn về thiết bị khi dạy học trực tuyến, ngành giáo dục đã chỉ đạo các nhà trường nắm rõ hoàn cảnh của từng học sinh, từ đó phân thành 3 nhóm để có giải pháp tổ chức dạy học phù hợp, đạt hiệu quả, không để học sinh nào không được học tập.

Theo đó, nhóm có phương tiện học tập, các trường học chủ động xác định các môn học, nội dung dạy học trực tuyến phù hợp; hướng dẫn học sinh khai thác sử dụng hiệu quả sách giáo khoa để học tập. Thời lượng mỗi tiết dạy học khoảng 40 - 45 phút; mỗi buổi dạy không quá 4 tiết. Thời gian học được thực hiện hằng ngày (từ thứ Hai đến thứ Bảy), trong đó cấp Trung học phổ thông học từ 7 giờ đến 11 giờ, cấp Trung học cơ sở học từ 14 giờ đến 17 giờ hằng ngày.

Đối với học sinh không thể học được trực tuyến nhưng phụ huynh kèm cặp được, hiệu trưởng các trường chỉ đạo giáo viên bộ môn phối hợp với giáo viên chủ nhiệm chuyển giao nhiệm vụ học tập cho các em thông qua tin nhắn SMS, Vnedu, qua Zalo, Facebook hoặc gửi tài liệu đến học sinh.

Học sinh không học được trực tuyến và phụ huynh không kèm cặp được, nhà trường sẽ tham mưu với chính quyền địa phương để huy động sự giúp đỡ của hội phụ nữ, đoàn thanh niên, ban công tác mặt trận thôn... và phân công giáo viên kèm cặp; phát động phong trào “Đôi bạn cùng tiến” để giúp đỡ các em học tập.

Sau khi học sinh trở lại học trực tiếp, nhà trường sẽ tổ chức đánh giá chất lượng học sinh, bổ sung, ôn tập kiến thức cho các em chưa đạt yêu cầu. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh cũng giao hiệu trưởng các trường hướng dẫn và hỗ trợ giáo viên xây dựng, phát triển kho video bài dạy minh họa, kho học liệu điện tử; xây dựng tài liệu hướng dẫn dạy học trực tuyến, tổ chức dạy học trực tuyến bảo đảm chất lượng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức dạy học trực tuyến; tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.

Hà Tĩnh chủ động dạy học trong tình hình mới -0

Một tiết dạy học bình thường tại trường THPT Cẩm Bình khi chưa có dịch Covid -19. (Ảnh: NGÔ TUẤN).