Đẩy mạnh giáo dục STEM trong trường phổ thông

Thời gian qua, ngành giáo dục đã tích cực thực hiện giáo dục STEM, xây dựng các chủ đề dạy học liên môn. Việc dạy học các chủ đề STEM góp phần đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên, một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ mục đích ý nghĩa của hoạt động giáo dục STEM khiến việc triển khai chưa hiệu quả.

Học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt (Đà Nẵng) hào hứng với giờ học trải nghiệm công nghệ Sony.
Học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt (Đà Nẵng) hào hứng với giờ học trải nghiệm công nghệ Sony.

Giáo dục STEM là phương thức giáo dục tích hợp liên môn (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán) chứ không phải là một môn học. Trong đó, các bài học được xây dựng theo chủ đề STEM, nhằm lồng ghép kiến thức khoa học và toán, công nghệ, hướng đến sự vận dụng kỹ thuật trong việc giải quyết các vấn đề cụ thể.

Thời gian qua, nhiều chương trình của giáo dục STEM đã được các trường học lựa chọn triển khai giảng dạy cho học sinh và đã khích lệ được học sinh tham gia học tập, sáng tạo. Thí dụ, tại Trường tiểu học và THCS Đức Trí (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã đạt được những kết quả tích cực khi đưa chương trình Robotics và khoa học máy tính vào giảng dạy. Kết quả, học sinh nhà trường liên tục giành giải cao trong các cuộc thi Robotics và khoa học máy tính cấp quốc tế các năm 2017, 2018 và đại diện cho Việt Nam tham gia các buổi triển lãm giới thiệu các sản phẩm sáng tạo khoa học - công nghệ trong khuôn khổ các hoạt động APEC 2017. Trường tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cũng đã giáo dục về Robotics dưới hình thức câu lạc bộ, giúp học sinh hình thành kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình... Tháng 4-2019, nhóm năm học sinh Trường tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu) đã vượt qua hơn 60 đội tuyển của nhiều quốc gia để được vinh danh tại cuộc thi khoa học ứng dụng cấp quốc tế tại Mỹ do kỹ năng “Hợp tác thiết kế tốt tại cuộc thi”.

Tuy nhiên, việc triển khai giáo dục STEM tại một số trường vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm chưa đáp ứng cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Việc thực hiện cũng chưa đồng đều và thường xuyên, hoạt động giáo dục STEM chủ yếu thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và tham gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật. Chủ đề dự án học tập STEM chủ yếu là nội dung của các hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) qua thực tế triển khai, giáo dục STEM còn có hạn chế là do nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cộng đồng về giáo dục STEM. Một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ mục đích ý nghĩa, nội dung của hoạt động giáo dục STEM, từ đó việc triển khai chỉ đạo chưa thật tích cực, chưa động viên, khuyến khích kịp thời những giáo viên và học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Tâm lý của nhiều học sinh và phụ huynh học sinh chỉ chú ý đến các môn văn hóa để chuẩn bị cho các kỳ thi mà chưa quan tâm đến các hoạt động giáo dục STEM. Vì vậy, nhiều học sinh có năng lực khoa học nhưng không được cha mẹ ủng hộ tham gia hoạt động này.

Theo Phó Giám đốc Sở GD và ĐT thành phố Đà Nẵng, Mai Tấn Linh, để thực hiện giáo dục STEM, từ năm 2019 đến nay, Sở đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho hàng trăm cán bộ quản lý, giáo viên về giáo dục STEM; tập trung cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán cấp THPT các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học. Các trường THCS, THPT triển khai giáo dục STEM với các yêu cầu mỗi học kỳ thực hiện ít nhất hai chủ đề và sinh hoạt chuyên môn thông qua nghiên cứu bài học. Từ khi triển khai giáo dục STEM, đã có 61 trường THCS tham gia với hơn 600 chủ đề/năm học; 29 trường THPT tham gia với hơn 150 chủ đề/năm học… Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, việc dạy học các chủ đề STEM chính là dạy học gắn với thực tiễn, là cơ hội đổi mới tư duy dạy học, khuyến khích sự sáng tạo và tăng cường hợp tác trong công việc của giáo viên; đồng thời tăng cường khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức, khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh và thúc đẩy sự tham gia của gia đình, cộng đồng vào hoạt động giáo dục của nhà trường. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương, cơ sở giáo dục trung học thực hiện thành công giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Vừa qua, một số sở GD và ĐT đã có giải pháp thúc đẩy giáo dục STEM, như: phát động và tổ chức cuộc thi thiết kế và bài giảng chủ đề STEM đến các phòng GD và ĐT, các trường THPT và chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện các chuyên đề dạy học STEM, tổ chức các hội thảo chuyên đề cấp huyện, cấp thành phố với sự tham dự của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Thời gian tới, các trường cần chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn xây dựng các chủ đề dạy học STEM, dạy học tích hợp liên môn và đưa các nội dung này vào kế hoạch giáo dục của tổ, nhóm ngay từ đầu năm học.