Vai trò của giáo dục mở, từ xa và điều kiện bảo đảm chất lượng

Ðánh giá vai trò và tầm quan trọng của GDTX trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới, Ðảng và Nhà nước có những chủ trương, đường lối rõ ràng về phát triển GDTX. Nghị quyết T.Ư 2 (Khóa VIII) chỉ rõ: "Mở rộng các hình thức học tập thường xuyên, đặc biệt là hình thức học từ xa". Văn kiện Ðại hội Ðảng CS Việt Nam lần thứ IX chỉ rõ: "Xây dựng quy hoạch đào tạo nhân lực theo phương thức kết hợp học tập trung, học từ xa, học qua máy tính". Quyết định số 112/2005/QÐ-TTg ngày 18-5-2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Ðề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2015" nêu rõ: "Ðẩy mạnh áp dụng phương thức giáo dục từ xa để thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên; tăng nhanh khả năng cung ứng cơ hội học tập theo phương thức giáo dục từ xa đối với các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin và truyền thông hiện đại...". Quyết định số 164/2005/QÐ-TTg ngày 4-7-2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Ðề án "Phát triển giáo dục từ xa giai đoạn 2005-2010" đề ra các chỉ tiêu và nhiệm vụ chủ yếu: "Phát triển phương thức giáo dục từ xa ở các trường đại học, cao đẳng. Phấn đấu đến năm 2010 có ít nhất 20% số sinh viên học tập theo phương thức giáo dục từ xa...". Qua các văn bản nêu trên cho thấy Ðảng và Nhà nước rất quan tâm phát triển loại hình GDTX để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và phát triển đất nước.

Nước ta là một nước đang phát triển, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực là khá lớn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện có khoảng 45 triệu lao động, chỉ có khoảng mười triệu lao động qua đào tạo. Ðặc biệt, 65% số lao động lại thuộc các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, nhưng chỉ có 3,85% số lao động đã qua đào tạo. Trong những năm gần đây, nhiều trường mới được thành lập, số lượng tăng rất nhanh, nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Do đó,  phương pháp GDTX với hệ thống học liệu được thiết kế và biên soạn tốt, tiêu chuẩn hóa sẽ là giải pháp cho bài toán quy mô và chất lượng.

Phương pháp luận của GDTX dựa trên nguyên lý sử dụng hệ thống học liệu được chuẩn bị trước và tiêu chuẩn hóa đã đạt được lợi ích kinh tế vô cùng to lớn do quy mô đem lại. Nguyên lý của loại hình giáo dục đào tạo này là phát huy cao nhất khả năng tự học, tự đào tạo của người học. Người học không bị ràng buộc bởi thời gian, điều kiện công tác hoặc hoàn cảnh gia đình. Những người lao động do nhu cầu của công việc cần được đào tạo và nâng cao trình độ, cập nhật về kỹ năng nghề nghiệp, trau dồi kiến thức trong khi không đủ thời gian để theo học những lớp học tập trung, thì GDTX là giải pháp phù hợp. Nhiều người muốn nâng cấp về trình độ để đạt văn bằng cao hơn, do trước kia bị ngắt quãng trong sự nghiệp học hành vì lý do nào đó, thì GDTX mang đến cho họ cơ hội thứ hai.

Trong tiến trình CNH, HÐH, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao qua đào tạo. Nếu chỉ dựa vào phương thức đào tạo truyền thống giới hạn bởi khuôn viên nhà trường và những lớp học bị khép kín bởi những bức tường thì không thể đáp ứng nhu cầu đó. Ngành giáo dục và đào tạo nêu chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2010, đạt tỷ lệ 200 sinh viên/vạn dân, năm 2020 tỷ lệ 450 sinh viên/vạn dân; tỷ lệ hiện nay là 188 sinh viên/vạn dân. Theo Quyết định số 164/2005/QÐ-TTg ngày 4-7-2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Ðề án "Phát triển giáo dục từ xa giai đoạn 2005-2010" đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2010 có ít nhất 20% số sinh viên học tập theo phương thức GDTX, tương ứng với 300 nghìn sinh viên. Dự báo đến năm 2020 có khoảng 30% số  sinh viên học từ xa, tương ứng với 500 nghìn sinh viên. Ngoài ra, hàng triệu người có nhu cầu theo học các chương trình GDTX ngắn hạn. Triết lý về giáo dục mở và những nguyên lý của GDTX đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm tải cho giáo dục mặt-giáp-mặt. Hệ thống GDTX ở nước ta đã hình thành và phát triển với quy mô học viên khoảng hơn 200 nghìn. Tuy nhiên, xã hội còn hoài nghi và các nhà quản lý cũng chưa thật sự yên tâm về chất lượng đào tạo của loại hình GDTX. Ðể GDTX đạt  chất lượng và phát triển bền vững, cần có những yếu tố và điều kiện bảo đảm, từ khâu chuẩn bị đến khi đánh giá kết quả học tập; nhất là về học liệu, phương tiện và kiểm tra, đánh giá. PGS, TS Phạm Minh Việt, Viện trưởng Viện Ðại học mở Hà Nội cho biết: Thiết kế, biên soạn và phát triển học liệu có chất lượng cao là yếu tố then chốt trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Học liệu tiện dụng, phổ biến nhất hiện vẫn là giáo trình in ấn và được phụ trợ bằng học liệu điện tử dưới dạng đĩa CD, CD-ROM, chương trình trực tuyến, chương trình phát thanh. Hệ thống học liệu được biên soạn và biên tập thống nhất, tuân thủ các tiêu chí của học liệu cho loại hình GDTX của khu vực và quốc tế bảo đảm nội dung và phương pháp  sư phạm. Thông qua học liệu, người dạy không những chuyển tải tri thức, phát triển kỹ năng cho người học mà còn hướng dẫn cách học sao cho hiệu quả và hứng thú. Hiện Viện Ðại học mở Hà Nội đang tổ chức biên soạn lại các giáo trình của 55 môn học theo hướng hiện đại hóa.

TÓM lại, về lý luận giáo dục mở và từ xa nhằm tạo sự bình đẳng cho mọi người dân về cơ hội học tập, giảm những rào cản gây ra bởi khoảng cách địa lý, yếu tố kinh tế, tuổi tác, thời gian và hoàn cảnh cá nhân. GDTX đã thành một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống giáo dục quốc dân. Ðể GDTX bảo đảm chất lượng và phát triển ổn định, cần có sự tham gia tích cực của các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, giảng viên, tổ chức xã hội và mọi cộng đồng trong cả nước.

Trần Phan