Chiều 8/3, truyền thông Nga, các trang báo mạng Izvestia, RBC cho biết trên trang web chính thức của các cơ quan kể trên xuất hiện hình ảnh các xe tăng, lực lượng quân đội, cũng như cờ Nga và cờ Ukraine. Bộ Văn hóa Nga cũng xác nhận các tin tặc đã tấn công trang tin Interfax, theo đó viết: “Trang web này đã bị tấn công DdoS và làm chậm dịch vụ”.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2, trang web của nhiều cơ quan chính phủ, các cơ quan và các tổ chức lớn khác tại Nga đã liên tục bị tin tặc tấn công.
Chẳng hạn tối 25/2, người dùng đã gặp sự cố khi truy cập vào các trang web của Điện Kremlin, Chính phủ và Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga. Mintsifry sau đó cũng đã báo cáo về số lượng các cuộc tấn công DDoS gia tăng chưa từng có, bao gồm cả trên cổng dịch vụ công.
Ngày 28/2, tin tặc đã tấn công các trang web của RBC, TASS, Izvestia và Kommersant. Các tin nhắn xuất hiện có chữ ký của nhóm hacker Anonymous. Trong khi đó, vào ngày 1/3, Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin cũng xác nhận về các cuộc tấn công DDoS liên tục của các tin tặc nhằm vào các công ty và tổ chức ở Moskva.
Ngày 3/3, trang web của Bộ Ngoại giao Nga cũng bị tấn công mạng chưa từng có. Trong khi trước đó, Giám đốc Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos), ông Dmitry Rogozin đã phủ nhận việc hacker tấn công Trung tâm điều khiển Roscosmos. Dmitry Rogozin cho biết các trung tâm kiểm soát hoạt động vũ trụ đang hoạt động bình thường, hệ thống an ninh của Roscosmos đã tự động đẩy lùi các cuộc tấn công của tin tặc. Tuy nhiên ông Rogozin cảnh báo việc tấn công các vệ tinh là một tội ác.
Tấn công DDoS là một loại tấn công mạng trong đó một số lượng lớn các yêu cầu được gửi đến một trang web, vượt quá băng thông mạng. Kết quả là trang web bị ngừng hoạt động.