Vườn tiêu tám năm tuổi rộng hơn hai héc-ta của gia đình ông Lê Quang Cường ở ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, niên vụ 2022-2023 chỉ thu được hơn hai tấn. Vụ mùa năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi và chăm sóc tốt nên vườn tiêu đạt sản lượng hơn bốn tấn.
Theo kinh nghiệm của ông Cường, vụ mùa năm ngoái khi thời điểm tiêu trổ bông gặp mưa nhiều nên không đậu trái. Còn niên vụ này, thời tiết thuận lợi nên tỷ lệ đậu trái cao. Bên cạnh đó, vườn tiêu của gia đình ông trồng theo hướng hữu cơ nên được đơn vị hợp tác thu mua với giá 105.000 đồng/kg. Ông Cường phấn khởi: “Vụ mùa năm nay, vườn tiêu cho năng suất cao hơn niên vụ 2022-2023, lại được giá. Năm ngoái, vườn tiêu thất mùa mà giá chỉ 70.000 đồng/kg. Năm nay, giá hơn 100.000 đồng/kg. Người trồng tiêu rất phấn khởi vì được mùa, được giá”.
Còn vườn tiêu hơn 1.300 trụ của gia đình ông Trần Đăng Nhuệ ở ấp Tân Bình, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp dù đã bước sang năm thứ 13 nhưng sản lượng cao hơn niên vụ trước khoảng 0,8 tấn. Mùa vụ năm ngoái, ông Nhuệ bán giá 56.000 đồng/kg, năm nay bán 97.000 đồng/kg. Vì vườn tiêu của gia đình ông không trồng theo hướng hữu cơ nên các thương lái trả giá thấp hơn. Tuy nhiên, sản lượng và giá cả mùa vụ năm nay cũng đã giúp gia đình ông cũng như nhiều hộ trồng tiêu khác có lãi.
Huyện biên giới Lộc Ninh được mệnh danh là thủ phủ của hồ tiêu Bình Phước, với tổng diện tích đạt khoảng 5.200 ha, năng suất đạt hơn 18 tạ/ha, sản lượng khoảng 9.400 tấn. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hồ Quang Khánh cho biết: Năm 2013, huyện đã thành lập các câu lạc bộ trồng tiêu sạch trên địa bàn. Quá trình triển khai các mô hình trồng hồ tiêu sạch với sự hỗ trợ của các ngành chức năng liên quan và Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến gia vị Nedspice Bình Phước, nông dân trồng hồ tiêu ở huyện Lộc Ninh đã quyết tâm chuyển đổi phương thức canh tác.
Từ trồng tự phát theo hướng truyền thống, nông dân dần chuyển sang ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến; ưu tiên phát triển sản xuất theo hướng sinh học, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để đưa hồ tiêu Lộc Ninh vươn xa trên thị trường. Qua mười năm phát triển mô hình, đến năm 2024, trên địa bàn huyện đã thành lập 24 câu lạc bộ với 604 hộ nông dân tham gia. Tổng diện tích sản xuất hồ tiêu của các câu lạc bộ là 645 ha. Tổng sản lượng hạt tiêu khô, tiêu sạch đăng ký cung ứng hằng năm cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến gia vị Nedspice Bình Phước khoảng 1.176 tấn.
Gần đây, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Ninh đã phối hợp các cơ quan liên quan, các xã, thị trấn thành lập được tám hợp tác xã sản xuất tiêu, với tổng diện tích hơn 250 ha. Mặc dù, các hợp tác xã này mới thành lập nhưng bước đầu hoạt động khá hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng nông sản, bảo đảm nguồn nông sản sạch cung ứng cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, do nhiều năm giá xuống thấp nên nhà nông bỏ bê vườn hồ tiêu. Mặt khác, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nên người dân không có điều kiện chăm sóc. Nhiều vườn tiêu hơn 600 trụ nhưng sản lượng chỉ đạt hơn 100 kg; thậm chí, rất nhiều chủ vườn bỏ hoang dẫn đến vườn tiêu ngày một già cỗi và chết dần. Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp huyện Bù Đốp, thời kỳ cao điểm huyện có đến hơn 4.000 ha hồ tiêu; tuy nhiên, hiện toàn huyện chỉ còn gần 3.000 ha hồ tiêu.
Ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp cho biết: Không chỉ cây tiêu mà với tất cả cây trồng khác, yếu tố giá cả thị trường tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất của người dân. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện giảm mạnh trong thời gian qua.
Giá tiêu tăng trở lại là động lực để người trồng hồ tiêu tái cơ cấu vườn, tăng năng suất mùa vụ. Gia đình chị Hà Thị Lơi ở ấp Tân Nghĩa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp trước đây có gần hai héc-ta hồ tiêu. Do một thời gian dài giá tiêu thấp, không chăm sóc vườn nên tiêu già cỗi và chết một nửa diện tích. Năm nay tiêu được mùa, được giá nên chị có kinh phí để đầu tư trồng lại diện tích đã chết; đồng thời, chăm bón thêm phần tiêu còn lại với hy vọng gặt hái được kết quả tốt trong mùa vụ tới.
Ông Hoàng Đức Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tiến cho biết: Hiện xã Tân Tiến còn khoảng 300 ha hồ tiêu, trong đó diện tích tiêu trên 10 năm tuổi chiếm gần 50%. Trước thực trạng giá tiêu phục hồi khởi sắc, rất nhiều hộ trồng tiêu đã và đang dự định tái cơ cấu lại vườn. Tuy nhiên, để tránh rủi ro, người dân nếu trồng tiêu nên chọn phương thức bền vững, chi phí đầu tư thấp, nhất là chỉ trồng bằng nguồn vốn tự có của gia đình, không nên đi vay để chạy đua mở rộng diện tích.