Tín hiệu tích cực từ bài toán di cư

Tình trạng vượt biên trái phép vào Mỹ đã giảm mạnh sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden triển khai một loạt chính sách di cư mới kể từ đầu tháng 1/2023. Đây là tín hiệu tích cực ban đầu, cho thấy bài toán di cư ở Trung Mỹ đang được xử lý đúng hướng, giúp giải tỏa kịp thời những áp lực đối với hệ thống an ninh và an sinh xã hội của Xứ Cờ hoa.
0:00 / 0:00
0:00
 Một cậu bé di cư cố gắng vượt qua hàng rào thép gai do Lực lượng Vệ binh Quốc gia Texas đặt tại biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico với mục đích củng cố an ninh biên giới và ngăn chặn người di cư vượt biên vào Hoa Kỳ, ngày 7/1/2023. (Ảnh: REUTERS)
Một cậu bé di cư cố gắng vượt qua hàng rào thép gai do Lực lượng Vệ binh Quốc gia Texas đặt tại biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico với mục đích củng cố an ninh biên giới và ngăn chặn người di cư vượt biên vào Hoa Kỳ, ngày 7/1/2023. (Ảnh: REUTERS)

Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết, tính đến ngày 11/12/2022, trung bình mỗi ngày có 3.367 người vượt biên trái phép vào Mỹ. Tuy nhiên, kể từ khi Mỹ triển khai chính sách di cư mới ngày 5/1/2023, số người vượt biên trái phép vào Mỹ trung bình đã giảm xuống còn 115 người/ngày. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ nhấn mạnh, chính sách mới này giúp giảm khoảng 97% số người vượt biên trái phép vào Mỹ từ bốn quốc gia gồm Cuba, Haiti, Nicaragua và Venezuela.

Hồi đầu năm 2023, trước sức ép gia tăng từ dòng người di cư ùn ùn kéo vào Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã công bố các biện pháp kiểm soát biên giới mới, hạn chế người nhập cư bất hợp pháp song lại khuyến khích việc nhập cảnh vào Mỹ bằng các con đường an toàn và hợp pháp. Theo đó, tối đa 30.000 người di cư từ Cuba, Haiti, Nicaragua và Venezuela có thể nhập cảnh hợp pháp vào Mỹ mỗi tháng. Xứ Cờ hoa cũng đẩy mạnh việc trục xuất những người di cư trái phép từ bốn quốc gia này.

Kể từ khi Mỹ triển khai chính sách di cư mới ngày 5/1/2023, số người vượt biên trái phép vào Mỹ trung bình đã giảm xuống còn 115 người/ngày. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ nhấn mạnh, chính sách mới này giúp giảm khoảng 97% số người vượt biên trái phép vào Mỹ từ bốn quốc gia gồm Cuba, Haiti, Nicaragua và Venezuela.

Cách tiếp cận vấn đề di cư theo hai hướng nêu trên được nhận định là kết hợp giữa cứng rắn và mềm dẻo, nhân đạo. Chính sách mới vừa nhằm chấm dứt những chỉ trích từ các thành viên đảng Cộng hòa khi số lượng người di cư vượt qua biên giới Mỹ-Mexico ở mức cao kỷ lục; vừa xoa dịu các thành viên đảng Dân chủ - những người vốn cho rằng, biện pháp hạn chế áp đặt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã ngăn cản người di cư thực hiện quyền xin tị nạn. Kể từ ngày 18/1 vừa qua, người di cư ở biên giới phía bắc Mexico có thể sử dụng ứng dụng điện thoại di động trước khi nhập cảnh Mỹ để đẩy nhanh tiến trình xin quy chế tị nạn.

Mexico là một trong những con đường mà người di cư từ phía nam phải đi qua để tìm tới Mỹ - "miền đất hứa" mà họ mong mỏi có một cuộc sống tốt đẹp hơn so với thực trạng nghèo đói, thiên tai, dịch bệnh, thất nghiệp và bạo lực ở quê nhà.

Trong các cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo Mỹ, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador từng nhiều lần đề cập đến nguyên nhân sâu xa của những hành trình di cư đầy rẫy nguy hiểm này và nhấn mạnh, lời giải hiệu quả nhất cho bài toán di cư là xây dựng những "bức tường thịnh vượng" ở khu vực tam giác Bắc Trung Mỹ và miền nam Mexico, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an toàn và tạo việc làm để người dân khu vực này không buộc phải rời bỏ quê hương. Khi đó, với người dân Trung Mỹ, di cư sẽ trở thành một lựa chọn chứ không còn là hành động bắt buộc để sinh tồn.

Trong năm 2022, ít nhất 36 người di cư đã thiệt mạng khi cố gắng băng qua tuyến đường này. Con số thực tế có thể lớn hơn gấp nhiều lần bởi nhiều người đã mất tích trên hành trình di cư.

Trong cuộc gặp mới đây giữa Tổng thống Mexico Lopez Obrador và người đồng cấp Mỹ Joe Biden, phía Mexico kêu gọi Mỹ tăng cường tài trợ cho khu vực Trung Mỹ và miền nam Mexico để ngăn chặn làn sóng di cư từ đây.

Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cảnh báo, hiện tượng dòng người di cư bất hợp pháp băng qua rừng rậm Darien, một trong những khu rừng được mệnh danh là nguy hiểm nhất thế giới, để tìm đường đến Mỹ sẽ tiếp diễn trong năm nay, mặc dù giảm bớt về quy mô sau khi Mỹ ban hành các quy định nhập cư mới. Trong năm 2022, ít nhất 36 người di cư đã thiệt mạng khi cố gắng băng qua tuyến đường này. Con số thực tế có thể lớn hơn gấp nhiều lần bởi nhiều người đã mất tích trên hành trình di cư.

Nước Mỹ đã ghi nhận những bước tiến tích cực trong việc kiểm soát dòng người vượt biên trái phép, song tình trạng một số lượng lớn người di cư từ các quốc gia Trung Mỹ băng qua những tuyến đường nguy hiểm để tìm đến "miền đất hứa" vẫn tiếp diễn. Điều này phản ánh nhu cầu cấp bách giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở các quốc gia trong khu vực, cũng như quản lý hiệu quả tình hình di cư, bảo đảm di cư hợp pháp, an toàn, có trật tự để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.