Tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư

Năm 2024 được xác định là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ 7. Ngay từ đầu năm, tình hình phát triển kinh tế và thu hút đầu tư của Bà Rịa-Vũng Tàu đã cho thấy nhiều tín hiệu khả quan để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
0:00 / 0:00
0:00
Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải nhìn từ trên cao.
Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải nhìn từ trên cao.

Năm 2024, Công ty TNHH Công nghệ điện tử nghe nhìn BOE Bắc Kinh (Trung Quốc) là doanh nghiệp đầu tiên chính thức được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng vốn khoảng 278 triệu USD. Mục tiêu của dự án sau khi hoàn thành là lắp ráp và sản xuất màn hình cho máy vi tính (MNT) bảy triệu chiếc/năm; lắp ráp và sản xuất ti-vi ba triệu chiếc/năm; sản xuất bảng giá điện tử (ESL) 40 triệu chiếc/năm; sản xuất mô-đun bảng giá điện tử (ESL) 20 triệu chiếc/năm; sản xuất cấu kiện nhựa 20 triệu chiếc/năm; sản xuất bo mạch SMT 44,75 triệu chiếc/năm.

Cuối tháng 1 vừa qua, tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 (thị xã Phú Mỹ), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Thọ và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Hyosung, Hàn Quốc nghe báo cáo về dự án sản xuất HVO (dầu diesel tái tạo, nhiên liệu hàng không bền vững được sản xuất thông qua xử lý dầu và chất béo từ xúc tác hydro). Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến gần 400 triệu USD, trên diện tích 8,4 ha. Sản lượng dự kiến 234 triệu tấn nhiên liệu hàng không bền vững/năm.

Đại diện Hyosung cho biết: Đây là một trong những dự án sử dụng công nghệ mới tại Việt Nam, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường do sử dụng nguồn nguyên liệu sinh học tinh chế như dầu ăn đã qua sử dụng, dầu cá, dầu cọ, mỡ động vật. Công nghệ này giúp giảm 73-84% lượng khí thải các-bon so với nhiên liệu thông thường. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Tập đoàn Hyosung đã đầu tư ba dự án có quy mô lớn tại Bà Rịa-Vũng Tàu, với tổng mức đầu tư dự kiến 1,66 tỷ USD, chứng minh cho sức hút của tỉnh với các nhà đầu tư quốc tế.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Trong tháng 1/2024, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh có những dấu hiệu tích cực, các nhóm ngành chính của tỉnh đều tăng trưởng cao hơn hoặc bằng so với Nghị quyết đề ra.

So với cùng kỳ, giá trị sản xuất công nghiệp (tính theo giá so sánh năm 2015) trừ dầu thô và khí đốt tăng 18,08%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) kể cả dầu thô và khí đốt tăng 11,29%; riêng chỉ số sản xuất công nghiệp trừ dầu khí tháng 1 ước tăng 22,64%; doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 6,29%; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành tăng 18,26%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,25%; giá trị sản xuất ngư nghiệp tăng 3,7%; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 1,01% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 15%.

Tính đến ngày 31/1, kết quả giải ngân bao gồm cả ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và ngân sách cấp huyện gần 1.530 tỷ đồng, đạt 10,37% so với kế hoạch, cao hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2023 (giải ngân tháng 1/2023 đạt 5,32%). Theo đó, năm 2024, tỉnh đã bố trí vốn khởi công mới 13 dự án. Trong tháng 1 tỉnh đã khởi công được một dự án, các dự án còn lại đang thực hiện các thủ tục đầu tư để đấu thầu.

Tính đến hết tháng 1, tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho ba dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đạt hơn 356 triệu USD, đạt 17,8% so với kế hoạch năm 2024, trong khi cùng kỳ năm 2023 không có dự án đầu tư FDI nào đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn đầu tư. Những kết quả nêu trên đã mở ra một khởi đầu thuận lợi để hoàn thành mục tiêu thu hút hai tỷ USD nguồn vốn FDI vào Bà Rịa-Vũng Tàu trong năm 2024.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết: Trong thời gian tới, yêu cầu các sở, ngành địa phương rà soát những vấn đề còn bất cập, hạn chế; qua đó, đề xuất các giải pháp và phương án xử lý triệt để, dứt điểm. Kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình đầu tư tại tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, địa phương nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, tiếp tục thay đổi lề lối làm việc, đưa ra giải pháp rõ ràng, thực chất để khơi thông nguồn lực, khai thác hiệu quả không gian kinh tế, tài nguyên để thu hút nhà đầu tư.

Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết: Năm 2024, tỉnh tập trung thúc đẩy hai ngành công nghiệp mới: Công nghiệp hóa dầu (Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền nam 5,1 tỷ USD, Nhà máy sản xuất Polypropylene và kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG Hyosung 1,3 tỷ USD) và công nghiệp chế tạo thiết bị điện gió. Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá có tiềm năng, lợi thế vượt trội so với các địa phương khác (Hợp đồng giữa Tổng Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) với Công ty Năng lượng Đan Mạch trị giá một tỷ USD). Tỉnh đã xây dựng kế hoạch GRDP tăng trưởng 8,5%, thu ngân sách tiếp tục nằm trong tốp 4 cả nước và phấn đấu thu hút đầu tư FDI tiếp tục nằm trong 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.