Theo phân tích của hãng tin Reuters, trong ba tháng qua, số ca mắc mới trung bình hằng ngày trên toàn cầu đã giảm 36%.
Mặc dù tốc độ lây lan đã chậm lại, nhưng biến thể Delta có khả năng lây lan cao vẫn khiến thế giới có thêm 50 triệu ca bệnh cứ sau 90 ngày. Trước đó, trong giai đoạn đầu đại dịch, phải mất gần một năm để thế giới đạt cột mốc 50 triệu ca mắc Covid-19 đầu tiên.
Theo phân tích của Reuters, các ca nhiễm vẫn đang gia tăng ở 55 trong số 240 quốc gia, trong đó các nước châu Âu như Nga, Ukraine và Hy Lạp liên tục đạt mức cao kỷ lục hoặc tiệm cận các mốc kỷ lục về số ca nhiễm kể từ khi đại dịch bùng phát cách đây 2 năm.
Trong tuần này, chính quyền một số địa phương tại Nga cho biết có thể sẽ phải áp dụng các biện pháp hạn chế bổ sung hoặc kéo dài tuần lễ không làm việc để ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm mới, khi nước này tiếp tục ghi nhận số ca tử vong kỷ lục do dịch bệnh.
Trong khi đó, Đông Âu hiện có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong khu vực. Hơn một nửa số ca nhiễm mới được báo cáo trên toàn thế giới là từ các quốc gia ở châu Âu, với 1 triệu ca nhiễm mới được ghi nhận cứ sau 4 ngày, theo phân tích của Reuters.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng bày tỏ lạc quan rằng nhiều quốc gia đã vượt qua được giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, nhờ vào chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 và miễn dịch tự nhiên. Dù vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo thời tiết lạnh giá và việc người dân tụ tập trong những kỳ nghỉ sắp tới có thể làm gia tăng các ca bệnh.
Bà Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học hàng đầu về Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, có thể kiểm soát virus nếu thế giới đạt mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng vào cuối năm 2022.
"Tôi cho rằng từ nay đến cuối năm 2022, chúng ta có thể kiểm soát được virus, theo đó giảm đáng kể số ca bệnh nặng và tử vong. Nếu chúng ta đạt được mục tiêu 70% dân số thế giới được tiêm chủng đến cuối năm sau, tình hình dịch tễ học sẽ rất khác”, bà Van Kerkhove nhấn mạnh.
Ngoài vaccine, những phương pháp điều trị tốt hơn cũng đã được áp dụng. Anh hôm thứ năm vừa qua đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt thuốc điều trị Covid-19 mới có tên Molnupiravir, do 2 hãng dược Merck và Ridgeback Biotherapeutics cùng hợp tác phát triển.
Các nghiên cứu cho thấy Molnupiravir có thể làm giảm một nửa nguy cơ tử vong hoặc phải nhập viện đối với những bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ diễn tiến nghiêm trọng nếu được sử dụng sớm trong giai đoạn phát bệnh.
Nhưng trở ngại cho cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu là vẫn còn tới hơn một nửa dân số thế giới chưa được tiêm ngừa Covid-19 liều đầu tiên, theo dữ liệu từ trang thống kê Our World in Data. Trong khi đó, mới chỉ có khoảng dưới 5% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19.
Hồi tháng trước, WHO và các nhóm viện trợ khác đã kêu gọi các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới tài trợ cho một dự án trị giá 23,4 tỷ USD, nhằm tăng cường đưa vaccine, kit xét nghiệm và thuốc điều trị Covid-19 đến các nước nghèo hơn trong 12 tháng tới.
"Sự bất bình đẳng về tiếp cận vaccine vẫn là rào cản lớn nhất để đạt được mục tiêu bao phủ tiêm chủng", Phó Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO), ông Jarbas Barbosa nhận định, đồng thời kêu gọi các nước dành ưu tiên bảo vệ người cao tuổi, lực lượng y tế tuyến đầu và những người có bệnh nền, nhằm tránh gây sức ép lên hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7 giờ 30 phút sáng 8/11 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 250.597.503 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.064.450 ca tử vong. Hơn 226,8 triệu bệnh nhân Covid-19 đã phục hồi, trong khi vẫn còn hơn 18,7 triệu ca vẫn đang được điều trị.
Trong tuần qua, thế giới có thêm gần 3,08 triệu ca mắc Covid-19, trong đó châu Âu chiếm tới 59% với gần 1,7 triệu ca (tăng 9%). Châu lục này cũng chiếm hơn một nửa số ca tử vong toàn cầu vì Covid-19 trong 7 ngày qua, với gần 24 nghìn ca được ghi nhận so 47.576 ca tử vong toàn cầu.
Châu Âu cũng có 3 nước trong tốp 5 quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất thế giới trong tuần qua, trong đó Nga dẫn đầu châu lục cả về số ca mắc mới và tử vong, với lần lượt 283.133 ca mắc và 8.255 ca tử vong.
Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch, với 47.336.577 ca mắc và 775.218 ca tử vong đã được ghi nhận. Trong tuần qua, nước này có thêm 465.174 ca mắc mới và 7.172 ca tử vong, lần lượt giảm 7% và 17%.