Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Italia (ISTAT), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 3 tháng đầu năm 2023 của Italia, nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng euro (Eurozone), tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng này có được là nhờ sự gia tăng nhu cầu cả ở trong nước và xuất khẩu, với lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ phục hồi trong khi nông nghiệp vẫn đang trì trệ.
Cũng theo ISTAT, nền kinh tế Italia đạt mức tăng trưởng 0,5% trong quý I năm 2023 so với quý trước đó. Đây là một tín hiệu đáng mừng bởi kinh tế Italia không chỉ phục hồi mạnh hơn so với mức dự kiến mà còn tránh được nguy cơ suy thoái kỹ thuật sau khi đã chứng kiến mức suy giảm nhẹ trong quý trước đó.
Mới đây, Chính phủ Italia đã nhất trí với dự thảo kế hoạch cải cách thuế nhằm cắt giảm thuế cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Kế hoạch cải cách dự kiến có hiệu lực trong vòng hai năm, và đánh dấu đợt cải cách thuế lớn đầu tiên sau 50 năm ở quốc gia châu Âu này, kể từ đợt cải cách toàn diện nhất vào những năm 1970.
Thủ tướng Italia Giorgia Meloni (G.Mê-lô-ni) bày tỏ kỳ vọng, kế hoạch cải cách thuế sẽ là nền tảng để tái khởi động nền kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và bảo đảm người lao động có thêm thu nhập. Theo đó, Italia sẽ giảm số lượng ngưỡng tính thuế từ 4 mức xuống còn 3 mức, dần tiến đến mục tiêu đưa ra một mức thuế duy nhất vào cuối nhiệm kỳ Quốc hội năm 2027. Chính phủ cũng cam kết tăng cường cuộc chiến chống trốn thuế và lấp lỗ hổng nguồn thu ngân sách từ thuế.
Bên cạnh đó, đồng hành với các doanh nghiệp và hộ gia đình trước tình trạng chi phí năng lượng tăng cao, Chính phủ Italia thông qua một loạt các biện pháp hỗ trợ mới trị giá gần 5 tỷ euro.
Nông nghiệp hiện đang là lĩnh vực kinh tế đối mặt nhiều thách thức của Italia. Giới chuyên gia kêu gọi xây dựng thêm các hồ chứa để dự trữ nước, khẩn trương sửa chữa và bảo trì các đường ống bị rò rỉ, nghiên cứu chuyển đổi giống cây trồng tại những khu vực ngày càng khô hạn, sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt để tăng hiệu quả sử dụng nước trong nông nghiệp... Italia là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt hạn hán nghiêm trọng tại châu Âu vào mùa hè năm ngoái. Điều kiện khô nóng bất thường hồi năm 2022 đã làm giảm khoảng 1/3 sản lượng nông nghiệp của Italia.
Giới chuyên gia khí hậu cảnh báo, mùa đông khô hạn vừa qua có thể khiến tình trạng hạn hán tại Italia trong năm 2023 còn tồi tệ hơn trước, tạo những rủi ro nghiêm trọng đối với lĩnh vực nông nghiệp, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nước. Một số sáng kiến để quản lý nước đã được thúc đẩy.
Mới đây, trong buổi gặp gỡ các quan chức đứng đầu của 40 thị trấn ở vùng Piedmont, miền bắc Italia, Bộ trưởng Môi trường và An ninh năng lượng Gilberto Pichetto (G.Pi-kê-tô) trao cho họ quyền phân phối nguồn cung cấp nước tùy thuộc vào tình hình địa phương. Chính phủ cũng bổ nhiệm quan chức đứng đầu một lực lượng đặc trách, với thành viên là quan chức cấp cao từ các bộ khác nhau, để vạch kế hoạch chủ động ứng phó hạn hán cùng các tác động khác của thời tiết cực đoan.