Quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được thông qua với 14 phiếu ủng hộ và một phiếu trắng, trong số năm Ủy viên thường trực và 10 Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Cuộc bỏ phiếu được tổ chức khi Hội đồng Bảo an thông qua một nghị quyết không sử dụng tên Taliban trong các văn bản chính thức và gia hạn hoạt động của Phái bộ chính trị Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) thêm một năm. Việc duy trì phái bộ không vũ trang của Liên hợp quốc tại Afghanistan được đánh giá có vai trò rất quan trọng đối với an ninh và ổn định ở quốc gia Nam Á, dù thực tế Taliban đã hoàn toàn nắm lại quyền điều hành Afghanistan từ tháng 8/2021.
Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Afghanistan do Na Uy soạn thảo gồm một số lĩnh vực hợp tác về nhân đạo, chính trị và nhân quyền, trong đó chú trọng quyền của phụ nữ, trẻ em và nhà báo. Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Na Uy tại Liên hợp quốc Mona Juul (Mô-na Giun) nêu rõ, sứ mệnh của UNAMA rất quan trọng, không chỉ nhằm ứng phó cuộc khủng hoảng nhân đạo và khôi phục kinh tế Afghanistan mà còn thể hiện mục tiêu thiết lập lại hòa bình và ổn định bền vững ở Afghanistan.
Taliban ngay lập tức hoan nghênh Nghị quyết. Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid (Da-bi-hu-la Mu-gia-hít) vui mừng cho biết, Taliban đánh giá cao Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, coi đây là bước tiến tích cực và mong muốn Phái bộ UNAMA hoạt động hiệu quả để giải quyết các vấn đề nhân đạo và bảo đảm quyền con người tại Afghanistan; đồng thời nhấn mạnh, Taliban sẽ tích cực phối hợp UNAMA bảo đảm an ninh và đời sống của người dân Afghanistan.
Sự ghi nhận của Liên hợp quốc là có cơ sở, khi trước đó chính quyền Taliban đã nỗ lực thành lập một ủy ban hỗ trợ hồi hương người dân Afghanistan di tản sau khi Taliban kiểm soát lại quốc gia Nam Á này. Ủy ban Liên lạc và Hồi hương Afghanistan được thành lập với sự giám sát của Quyền Bộ trưởng Khai thác mỏ và dầu khí Sheikh Shahabuddin Delawar (S.Dê-la-ua) nhằm hỗ trợ và khuyến khích công dân Afghanistan trở về tái thiết đất nước. Ủy ban này gồm sáu thành viên, có nhiệm vụ liên lạc với những người Afghanistan từng rời bỏ đất nước, hỗ trợ họ hồi hương và ổn định cuộc sống tại Afghanistan.
Thời gian qua, nhiều nhân vật thuộc chính quyền cũ như Bộ trưởng phụ trách vấn đề hòa bình Abdul Salam Rahimi (A.Ra-hi-mi), chuyên gia hàng đầu về phát triển quốc tế Sultan Massoud Daqiq (X.Đa-kích), các phi công của lực lượng không quân Afghanistan và một nữ thị trưởng đã tự nguyện hồi hương.
Afghanistan đang đối mặt cuộc khủng hoảng nhân đạo được đánh giá là rất nghiêm trọng. "Hậu quả kép" của xung đột và hạn hán đã đẩy hơn một nửa trong số 38 triệu dân Afghanistan có nguy cơ lâm vào nạn đói trong mùa đông được dự báo là rất khắc nghiệt cuối năm 2022. Tháng 1 vừa qua, Liên hợp quốc kêu gọi viện trợ Afghanistan 5 tỷ USD nhằm tránh một thảm họa nhân đạo quy mô lớn.
Chương trình Lương thực thế giới (WFP) từng đưa ra cảnh báo rằng, người dân Afghanistan rất cần sự trợ giúp để có thể vượt qua nạn đói trước mắt trong bối cảnh khó khăn bủa vây. Sản lượng lúa mì giảm tới 40% sau khi Afghanistan trải qua mùa khô hạn nhất trong gần 30 năm qua. Giám đốc WFP tại Afghanistan Mary-Ellen McGroarty (M.Mắc Groa-ti) nhấn mạnh, năm 2022 sẽ chứng kiến muôn vàn khó khăn của quốc gia Nam Á, đặc biệt đau lòng với khoảng hai triệu trẻ em có nguy cơ suy dinh dưỡng.
Bà McGroarty cảnh báo, cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ đang và sẽ tiếp tục kéo dài ở Afghanistan, đồng thời quan ngại quốc gia Nam Á đang phải qua thời điểm khó khăn, chống chọi đợt hạn hán nghiêm trọng thứ hai trong ba năm qua, bên cạnh xung đột, bạo lực tràn lan khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Trong bối cảnh chính quyền Taliban chưa được cộng đồng quốc tế công nhận chính thức, việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua vai trò của Taliban được đánh giá là phù hợp nhằm bảo vệ người dân Afghanistan trước nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo trên diện rộng, tránh đẩy quốc gia Nam Á lún sâu vào bạo lực và bất ổn.