Theo đánh giá của Bộ Công thương, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm mạnh, ước chỉ đạt 52,4 tỷ USD, giảm gần 22% so với cùng kỳ năm trước. Đáng mừng là gần đây, đã có dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường này có xu hướng “ấm” dần.
Đơn hàng tăng trở lại
Đối với ngành dệt may Việt Nam, Hoa Kỳ luôn là thị trường trọng điểm, liên tục trong những năm gần đây đều chiếm hơn 40% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành. Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm cho biết, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ chỉ đứng sau Trung Quốc, đạt 17,8 tỷ USD, là con số rất ấn tượng. Những tháng đầu năm đang là thời điểm hết sức khó khăn đối với hoạt động xuất khẩu ngành dệt may ở tất cả các thị trường. Riêng sang Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sáu tháng chỉ đạt hơn 6 tỷ USD, giảm khoảng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Hoa Kỳ cũng là thị trường lớn của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam, thường chiếm khoảng 50-55% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ đạt khoảng 8,3 tỷ USD. Nhưng từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gỗ sang thị trường này liên tục giảm mạnh. Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngoài những khó khăn chung, còn có lý do là ngành bất động sản của Hoa Kỳ đang trong giai đoạn chững lại, tác động khiến tổng giá trị nhập khẩu các sản phẩm gỗ của nước này sụt giảm hơn 50%.
Đáng mừng là đã xuất hiện những tín hiệu lạc quan cho hoạt động xuất khẩu gỗ vào Hoa Kỳ. Cụ thể, trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ sang Hoa Kỳ đạt 638 triệu USD, chỉ giảm 18,4% so với tháng 6/2022. Kỳ vọng về cuối năm khi thị trường Hoa Kỳ hồi phục và “ấm” dần lên sẽ giúp lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu vì sản phẩm gỗ Việt Nam phần nào đã khẳng định tốt vị thế tại thị trường này; các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cũng đã thể hiện rõ bản lĩnh, năng lực cạnh tranh một cách thực thụ. “Dù có những khó khăn trước mắt nhưng chúng tôi đánh giá đó chỉ là tạm thời. Về lâu dài, Hoa Kỳ khó tìm được nhà cung ứng sản phẩm gỗ nào thay thế Việt Nam về chất lượng cũng như giá cả”, ông Hoài khẳng định.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gỗ Đức Thành Lê Hải Liễu chia sẻ: Là doanh nghiệp có kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu sang Hoa Kỳ, tất cả các mặt hàng chính của Đức Thành như đồ gỗ gia dụng, đồ chơi trẻ em bằng gỗ hay bàn ghế, giường tủ đều đã có mặt tại thị trường này. Sau giai đoạn khó khăn vừa qua, gần đây đã có khách hàng Hoa Kỳ quay trở lại đặt hàng Đức Thành, thậm chí còn công bố số lượng đặt trong tương lai. Lượng đơn hàng thời gian trước sụt giảm chủ yếu do khó khăn từ nền kinh tế nói chung, chi tiêu bị thắt chặt. Khi tình hình bình ổn trở lại, nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ vẫn rất lớn.
Tận dụng cơ hội
Theo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công thương), trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu. Chúng ta có nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện. Đồng thời, sau đại dịch cũng như những bất ổn địa chính trị-kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là một trong địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn như hiện nay, xu hướng tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Hoa Kỳ nói riêng được đánh giá là có nhiều thay đổi. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải thích ứng được với những thay đổi đó. Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ) Trần Minh Thắng cho rằng, Hoa Kỳ có nhu cầu hàng hóa từ Việt Nam, nhưng đây cũng là thị trường nhận được rất nhiều lời chào hàng từ doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần kiên trì việc tiếp cận và giới thiệu sản phẩm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối với các cơ quan liên quan, tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng Hoa Kỳ. Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ) Đỗ Mạnh Quyền khuyến nghị: Các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định lại chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh; định hình rõ thị trường và sản phẩm; tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu sang thị trường lớn như Hoa Kỳ; đồng thời, liên tục cải thiện chất lượng hóa cũng như công nghệ sản xuất.
Để phát triển thị trường, ngoài việc hợp tác với các kênh phân phối lớn, doanh nghiệp cũng cần tìm đến các thị trường ngách, bởi các nhà phân phối lớn có trở ngại là khi cầu giảm sẽ ngắt kết nối khiến cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp bị đứt gãy. Khi xúc tiến thương mại, doanh nghiệp nên tìm đến các đối tác bản địa, ký hợp đồng tư vấn để tìm được thị trường ngách, giải quyết hàng tồn kho, hàng lẻ.
Bộ Công thương đang tiếp tục tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với doanh nghiệp sản xuất trong nước. Mặt khác, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cũng đang đẩy mạnh hướng dẫn về chính sách của các khu vực và thị trường, trong đó có Hoa Kỳ, nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm thông tin để tận dụng tốt hơn cơ hội thâm nhập thị trường.
Thời gian tới, bộ cũng sẽ mở ra nhiều diễn đàn cung cấp thông tin về thị trường cũng như đưa ra những chiến lược khác nhau nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ở thị trường nước ngoài.