Trong mùa hè qua, hàng loạt quốc gia khu vực Địa Trung Hải đã ghi nhận sự khởi sắc rõ rệt của ngành du lịch. Theo Hiệp hội Du lịch Tây Ban Nha, ngành du lịch nước này phục hồi mạnh mẽ với doanh thu cao hơn so với mức trước đại dịch Covid-19. Nhờ lượng khách du lịch nội địa tăng cao. Cụ thể, doanh thu từ du lịch trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Quốc gia láng giềng Bồ Đào Nha cũng chia sẻ những tín hiệu đáng mừng của ngành du lịch khi lượng du khách nước ngoài đến đây trong tháng 7/2022 đạt 1,8 triệu lượt khách, lần đầu tiên vượt mức trước đại dịch Covid-19. Còn tại Hy Lạp, doanh thu từ du lịch dự kiến đạt mức 18 tỷ euro trong năm nay, vượt kỷ lục doanh thu hồi năm 2019.
Mặc dù từng chao đảo vì cuộc khủng hoảng nhân lực trong những tháng hè vừa qua, ngành du lịch hàng không vẫn ghi nhận sự khởi sắc. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết, du lịch hàng không đã tăng mạnh tại bắc bán cầu vào mùa hè, thời kỳ cao điểm của mùa du lịch. Tổng lưu lượng hàng không trong tháng 8 vừa qua tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. IATA dự báo, năm 2024, lưu lượng hành khách của ngành hàng không sẽ trở lại mức của thời kỳ trước đại dịch.
Tuy vậy, cuộc khủng hoảng năng lượng và tình trạng lạm phát tăng cao là những yếu tố khiến ngành du lịch châu Âu đối mặt nhiều khó khăn trong mùa đông sắp tới. Các quốc gia châu Âu đang triển khai những biện pháp tiết kiệm điện, gây ảnh hưởng tới lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Một công ty du lịch ở Anh khuyến khích người dân nước này đặt kỳ nghỉ đông năm nay ở những quốc gia khác, nơi có thời tiết ấm áp hơn, để tránh việc phải thanh toán loạt hóa đơn năng lượng tăng cao.
Ông Patrick Rothkopf thuộc Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Đức (DEHOGA) cho biết, trong ngành dịch vụ, chi phí năng lượng tăng cao dẫn đến rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như khu nghỉ dưỡng Mark Brandenburg ở đông bắc nước Đức vốn nổi tiếng với hệ thống bể tắm nước nóng, nhưng hiện giờ việc duy trì độ ấm có thể lên tới 32oC cho các bể tắm này trở nên rất tốn kém. Nhiều quán rượu, nhà hàng và cửa hàng tại các nước châu Âu cũng cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng.
Một yếu tố rủi ro khác đe dọa ngành du lịch là nguy cơ làn sóng dịch Covid-19 mới bùng phát tại châu Âu khi thời tiết trở nên lạnh giá vào mùa đông. Trong khi đó, các chuyên gia y tế cho rằng, chiến dịch tiêm liều tăng cường hiện nay đang chậm lại. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết, số liều vắc-xin được tiêm chủng hằng tuần trong tháng 9 vừa qua tại Liên hiệp châu Âu (EU) chỉ từ 1 triệu đến 1,4 triệu liều, ít hơn rất nhiều so với khoảng từ 6 triệu đến 10 triệu liều/tuần được ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái. Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến tốc độ tiêm chủng giảm là do người dân hiểu nhầm về việc đã tiêm liều cơ bản và sau đó mắc Covid-19 là miễn dịch cho nên không tiếp tục đi tiêm liều tăng cường.
Giải cứu ngành du lịch khỏi tình trạng “ngủ đông” trong thời kỳ dịch Covid-19 hoành hành là một trong những mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo các nước, bởi đây là ngành kinh tế mũi nhọn ở nhiều quốc gia. Giữa lúc còn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe và đời sống của người dân, bất kỳ kế hoạch khôi phục du lịch nào cũng cần phải đặt yếu tố an toàn cho người dân lên hàng đầu với những bước đi thận trọng.