Theo giải thích của Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, hộ không có nhà ở là những hộ sống trong các lều, lán, trại, vỉa hè. Điều tra của ngành thống kê không dựa trên chủ quyền nhà mà chỉ thống kê nơi ở.
Theo định nghĩa của ngành này, nơi ở có thể chưa phải là căn hộ, căn nhà, nhưng nơi đó có tính riêng biệt, có cửa ra vào riêng, có sàn, mái, tường thì đủ điều kiện được xem là nơi ở. Vì vậy, trường hợp nhà bè ở trên sông, hồ có đầy đủ ba bộ phận: sàn, mái, tường như định nghĩa thì được tính là nhà ở. Hay có những người sống ở gầm cầu thang mà có vách, có cửa ra vào thì cũng tính là có nơi ở. Dựa trên quy tắc thống kê nêu trên, 39 hộ không có nhà ở tại thành phố hiện nay gồm có một hộ ở quận 1, một hộ ở quận 4 và 37 hộ ở huyện Cần Giờ.
Ngoài ra, nhân khẩu thực tế thường trú theo tiêu chí của Cục Thống kê thành phố là những người thường xuyên ăn ở tại hộ tính đến thời điểm điều tra đã được từ sáu tháng trở lên và những người mới chuyển đến dưới sáu tháng nhưng xác định sẽ ăn, ở ổn định tại hộ; trẻ em mới sinh trước thời điểm điều tra và những người tạm vắng, không phân biệt họ có hay không có hộ khẩu thường trú.
Một số trường hợp đã sống tại hộ từ sáu tháng trở lên tính đến thời điểm điều tra nhưng không được tính là nhân khẩu thường trú thực tế tại hộ gồm: Biên chế ngành công an, quân đội, học sinh phổ thông đến trọ học, ở nhờ, những người đến thăm, đến chơi, chữa bệnh… đào tạo ngắn hạn dưới một năm. Những sinh viên đến thành phố học tập ở ký túc xá, công nhân, người lao động vào thành phố thuê nhà trọ… đều được tính là có nhà ở. Những người lang thang, cơ nhỡ, ngủ vỉa hè nay đây, mai đó không được tính vào nhóm không có nhà ở, mà thuộc nhóm người lang thang…
Lý giải về những tiêu chí để có thể khảo sát, công bố số liệu nêu trên, Phó Cục trưởng Thống kê TP Hồ Chí Minh Võ Thanh Sang cho biết, để xác định tình trạng người có nhà ở hoặc không có nhà ở, Cục Thống kê thành phố dựa vào tiêu chí của Bộ Xây dựng thống nhất với Tổng cục Thống kê. Cục Thống kê có định nghĩa rõ thế nào là hộ có nhà ở, hộ không có nhà ở. Ông Sang khẳng định, trường hợp nhà bè trên sông nếu có đầy đủ ba bộ phận sàn, mái và tường thì cũng được tính là nhà ở nếu riêng biệt và có lối vào trực tiếp. Có nơi ở chưa thành căn nhà, nhưng có vách, có lối đi riêng như một số trường hợp sống ở gầm cầu thang mà có vách, có cửa ra vào thì cũng tính là có nơi ở…
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết, công bố này khá lạ và bất ngờ. Cách đây không lâu, Hiệp hội Bất động sản thành phố đưa ra thống kê trích dẫn theo số liệu về tổng số căn nhà của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, thì con số chưa có nhà ở phải tăng gấp 12 nghìn lần so với số liệu của Cục Thống kê thành phố. Cụ thể, hiện nay, toàn thành phố có khoảng 476 nghìn hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân. Số người chưa có nhà ở đó chiếm gần một phần tư tổng số hộ gia đình của TP Hồ Chí Minh. Trong đó, có khoảng 20 nghìn hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước; 300 nghìn hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; 143 nghìn hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội; 21 nghìn hộ sống trên và ven kênh, rạch; khoảng 35 nghìn hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, chỉnh trang hoặc di dời tái định cư...
Tại hội thảo tìm giải pháp phát triển nhà ở do UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào đầu tháng 9-2019, lãnh đạo thành phố cũng nhận định, vẫn còn một bộ phận lớn người dân nhập cư, người có thu nhập thấp đang sinh sống trong môi trường không bảo đảm, không có khả năng sở hữu nhà, thậm chí gặp khó khăn trong việc thuê nhà với mức giá phù hợp. Tổng số nhà ở tại thành phố là hơn 1,675 triệu căn, trong đó nhà kiên cố chiếm tỷ lệ 37,6%, nhà bán kiên cố 60,1%, nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ là 2,3%...