Nỗ lực duy trì mức sinh thấp, hợp lý

Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp, mô hình nâng cao chất lượng công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Nhờ vậy, tỷ lệ giới tính bớt chênh lệch, tỷ suất sinh được duy trì ở mức thấp nhất cả nước. Thành phố tiếp tục thực hiện mục tiêu duy trì mức sinh thấp, hợp lý để góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững…

Tư vấn sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân.
Tư vấn sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân.

Theo Chi cục DS-KHHGĐ TP Hồ Chí Minh, năm 2014, thành phố đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu về công tác DS-KHHGĐ. Tiêu biểu, sàng lọc trước sinh cho phụ nữ mang thai với tỷ lệ 59% (vượt 9% chỉ tiêu); tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 68,8% (vượt 8% chỉ tiêu); tỷ lệ sinh giảm 0,01%; tỷ số giới tính khi sinh bé trai/bé gái được giữ ở mức hợp lý là 108/100, thấp hơn trung bình của cả nước 110/100. TP Hồ Chí Minh nằm trong nhóm những tỉnh, thành phố có tổng tỷ suất sinh thấp nhất cả nước với số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,48.

Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh đánh giá, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố đã triển khai tốt các đề án, mô hình nhằm nâng cao chất lượng dân số, trong đó có những mô hình mang tính đặc thù của thành phố, như: Triển khai phòng khám miễn phí sức khỏe sinh sản- KHHGĐ cho nữ công nhân, nữ sinh viên; điểm tư vấn sinh sản tiền hôn nhân; tư vấn khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân…

Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP Hồ Chí Minh Trần Văn Trị cho biết, một trong những biện pháp trọng tâm là đẩy mạnh truyền thông về sức khỏe sinh sản, KHHGĐ tới các tầng lớp nhân dân. Các chương trình truyền thông được triển khai tới các trường học, các khu chế xuất, khu công nghiệp. Năm 2014, ngành dân số thành phố đã truyền thông kiến thức sinh sản, KHHGĐ, chính sách dân số đến 20 nghìn lượt công nhân, sinh viên. Công tác truyền thông hiệu quả đã từng bước chuyển đổi nhận thức của người dân trong việc thực hiện các chính sách về dân số.

Để thực hiện tốt việc truyền thông, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố đã huy động các nguồn lực cho công tác này. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng được 12 nghìn cộng tác viên dân số. Các cộng tác viên đã tích cực hoạt động với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Bên cạnh đó, ngành DS-KHHGĐ phối hợp Hội Người cao tuổi các cấp của thành phố đã triển khai phong trào người cao tuổi tuyên truyền vận động con cháu, người dân trong khu phố thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh, khó khăn của ngành dân số thành phố hiện nay là tốc độ tăng dân số cơ học còn ở mức cao, khoảng 2,5%/năm, trong khi mức sinh của thành phố những năm gần đây giảm ở mức rất thấp và có khả năng tiếp tục giảm sâu.

Để kéo dài thời kỳ cơ cấu “Dân số vàng” và làm chậm lại quá trình “Già hóa dân số”, ngành dân số thực hiện tốt chủ đề “Duy trì mức sinh thấp hợp lý - Vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”. Thực hiện chủ đề này, ngành dân số thành phố tập trung vận động người dân thực hiện thông điệp: Mỗi gia đình sinh đủ hai con thay vì mỗi cặp vợ chồng sinh từ một đến hai con như trước đây.

Theo đồng chí Nguyễn Tấn Bỉnh, để thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố cần đẩy mạnh thực hiện các đề án, mô hình hay nhằm nâng cao chất lượng dân số; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng hoạt động của kho dữ liệu điện tử về dân số…

TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trong năm 2015: Tỷ lệ sinh giảm 0,05%; tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh không quá 0,5%; tỷ lệ sàng lọc trước sinh/số bà mẹ mang thai là 60%...