Cuộc khủng hoảng tại Libya vẫn chưa có hồi kết sau khi kế hoạch tổ chức bầu cử do Liên hợp quốc bảo trợ hồi tháng 12/2021 đã bị hủy bỏ do các phe phái lớn ở Libya không thống nhất được quy tắc bầu cử.
Những bất đồng này đã dẫn đến tình trạng hai chính phủ song song tồn tại ở Libya - một bên là chính phủ lâm thời đương nhiệm do Thủ tướng Abdul Hamid Dbeibah (A.Bây-ba) đứng đầu, bên còn lại là chính phủ được Quốc hội Libya có trụ sở ở miền đông bổ nhiệm, do ông Fathi Bashagha (Ph.Ba-sa-ga), cựu Bộ trưởng Nội vụ Libya lãnh đạo.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Rosemary DiCarlo (R.Các-lô) đã cảnh báo về sự hiện diện của hai chính phủ song song tại Libya nếu các cuộc bầu cử của quốc gia Bắc Phi này không được tổ chức.
Bà DiCarlo kêu gọi rút các lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê ra khỏi lãnh thổ Libya, đồng thời cho rằng nếu xung đột giữa các phe phái tiếp tục nổ ra, khả năng tổ chức các cuộc bầu cử công bằng và hòa bình sẽ suy giảm, đẩy Libya quay trở lại tình trạng phân chia lãnh thổ đất nước. Bà cho biết thêm, các cuộc đàm phán do Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Libya Stephanie Williams (X.Uy-li-am) dẫn đầu vẫn đang diễn ra để tìm kiếm giải pháp.
Bà Williams cho biết, Liên hợp quốc vẫn là nhân tố then chốt trong việc giải quyết bất đồng giữa Thủ tướng Chính phủ thống nhất dân tộc Libya (GNU) Abdul Hamid Dbeibah và Thủ tướng được Quốc hội Libya chỉ định Fathi Bashagha, cũng như giữa hai chính quyền song song tại nước này. Quan chức Liên hợp quốc cũng đồng thời khẳng định đây là vấn đề nội bộ của Libya, đòi hỏi một giải pháp do các phe phái của nước này đưa ra.
Thủ tướng GNU, ông Dbeibah đã chỉ thị thành lập một ủy ban đối thoại quốc gia về luật bầu cử và cơ sở hiến pháp để tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội. Ông khẳng định sẽ không chấp nhận một thỏa thuận quyền lực dựa trên sự đồng thuận. Ông nêu rõ, sự đồng thuận phải do người dân Libya quyết định thông qua lá phiếu, đồng thời lên tiếng cảnh báo “âm mưu” kéo dài nhiệm kỳ của các cơ quan lập pháp hiện tại sẽ không thành công.
Libya đã rơi vào cuộc xung đột kéo dài trong suốt 11 năm qua. Xung đột nhiều khi làm gián đoạn các hoạt động sản xuất dầu mỏ của nước này. Các phe phái đối địch ở Libya luôn tranh cãi về việc bên nào sẽ kiểm soát hoạt động khai thác, buôn bán và nguồn thu từ dầu mỏ.
Mâu thuẫn này đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng hỗn loạn chính trị và bạo lực, vốn đã tàn phá quốc gia Bắc Phi. Đại sứ Mỹ tại Libya cho biết, Washington đang đề xuất các biện pháp giúp Libya quản lý nguồn thu từ dầu mỏ nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Đại sứ Mỹ khẳng định các đề xuất của Mỹ nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng lan sang lĩnh vực kinh tế, có thể khiến cho đời sống của người dân Libya gặp nhiều khó khăn khi hàng hóa trợ cấp, tiền lương và đầu tư công bị cắt giảm, đồng thời giảm các tác động tiêu cực đến thị trường năng lượng toàn cầu.
Theo Đại sứ Mỹ, giải pháp hiện nay là cần đạt được thỏa thuận nhằm bảo đảm nguồn thu dầu mỏ được sử dụng đúng mục đích để giúp đỡ người dân Libya, không bị chuyển hướng sang các mục đích chính trị hoặc các mục đích khác không phù hợp.
Tình trạng hỗn loạn chính trị của Libya trở nên tồi tệ hơn hồi tháng 2 vừa qua sau khi Quốc hội bổ nhiệm một thủ tướng mới, trong khi thủ tướng lâm thời không chấp nhận việc đó. Chia rẽ giữa các phe phái tiếp tục đẩy Libya vào cuộc khủng hoảng kéo dài và tổ chức các cuộc bầu cử được coi là giải pháp duy nhất để đưa Libya thoát ra tình trạng bế tắc hiện nay.