Tìm kiếm, quy tập 2.105 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Campuchia

Thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Campuchia, từ năm 2001 đến nay, trên địa bàn bốn tỉnh Kampốt, Kép, Shihanouk, Koh Kong (Campuchia), cán bộ, chiến sĩ Đội K92 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang) đã tìm kiếm, quy tập được 2.105 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đưa về nước an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, chiến sĩ Đội K92 thực hiện nghi thức an táng liệt sĩ được quy tập về từ Campuchia.
Cán bộ, chiến sĩ Đội K92 thực hiện nghi thức an táng liệt sĩ được quy tập về từ Campuchia.

Để động viên cán bộ, chiến sĩ Đội K92 vượt qua khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngoài chế độ chính sách theo quy định, tỉnh Kiên Giang thường xuyên tổ chức thăm, tặng quà vào các ngày lễ, Tết hằng năm.

Hơn 600 ha lúa bị ảnh hưởng, thiệt hại do hạn, mặn

Vụ lúa đông xuân 2023-2024 muộn, trên địa bàn tỉnh có khoảng 6.000 ha canh tác ngoài kế hoạch, ngành chức năng đã ghi nhận gần 574 ha bị ảnh hưởng và 33 ha bị thiệt hại hoàn toàn. Xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 ở Sóc Trăng sớm và cao hơn trung bình nhiều năm. Dự báo trong khoảng 30 ngày tới, ranh mặn 4g/l trên sông Hậu xâm nhập sâu khoảng 55-60 km; trên sông Mỹ Thanh xâm nhập sâu khoảng 65-70 km; đến cuối tháng 5, xâm nhập mặn mới giảm dần. Ngành chức năng Sóc Trăng khuyến cáo các địa phương trong tỉnh cần quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, tránh hạn hán, xâm nhập mặn.

Đào tạo nhân lực ngành điện tử và vi mạch bán dẫn

Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ; Trường Bách khoa (thuộc Trường đại học Cần Thơ), Trường đại học Kỹ thuật-Công nghệ Cần Thơ và Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế Sun Edu, vừa ký kết hợp tác đào tạo nhân lực ngành điện tử và vi mạch bán dẫn. Theo thỏa thuận, các bên hợp tác tổ chức hiệu quả chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn để đón đầu nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Trọng tâm là tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu cho viên chức, giảng viên và sinh viên trên địa bàn Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tìm kiếm, quy tập 2.105 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Campuchia ảnh 1

Một gian hàng trưng bày công nghệ về ngành tôm tại triển lãm.

Triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam

Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 5-năm 2024 vừa diễn ra tại Cà Mau, đã thu hút gần 200 gian hàng của 150 doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước tham gia trưng bày các sản phẩm về thủy sản nói chung, về tôm nói riêng. Trong dịp này, các hội thảo chuyên đề về tôm đã đưa ra các giải pháp để ngành tôm phát triển bền vững. Hơn 20 năm qua, hằng năm, kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm khoảng từ 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước, tương đương từ 3,5-4 tỷ USD. Năm 2024, dự báo xuất khẩu tôm tăng từ 10-15%.

Long An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

Trong quý I/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An giao tổng vốn hơn 7.500 tỷ đồng cho 27 chủ đầu tư thực hiện các công trình trên địa bàn tỉnh. Đến nay, ước khối lượng thực hiện khoảng 1.500 tỷ đồng, đạt hơn 19% kế hoạch; giải ngân gần 1.400 tỷ đồng, đạt 18,56% kế hoạch. Trong 27 chủ đầu tư được giao vốn, có 7 chủ đầu tư giải ngân đạt hơn 20% kế hoạch; 15 chủ đầu tư giải ngân dưới 20% kế hoạch, 5 chủ đầu tư chưa giải ngân. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, nhất là các chủ đầu tư giải ngân thấp hoặc chưa giải ngân tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch đề ra.

Hậu Giang có 126 vùng trồng được cấp mã số

Tỉnh Hậu Giang hiện có 126 vùng trồng đã được cấp mã số và có 9 mã số đóng gói đối với 8 cơ sở, giúp việc truy xuất nguồn gốc dễ dàng, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu nông sản. Thời gian qua, nhiều hộ dân trong tỉnh đã chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay, Hậu Giang có tổng diện tích cây ăn trái hơn 45.000 ha, tăng hơn 3.400 ha so với năm 2022. Nhiều vùng trồng cây ăn trái đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; chủ yếu là các sản phẩm chủ lực của tỉnh như mít, chanh không hạt, khóm, mãng cầu xiêm, xoài…

Đồng Tháp tăng cường phòng chống cháy rừng

Nắng nóng kéo dài cộng với lớp thực bì dày và khô tại nhiều cánh rừng dễ bắt lửa, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo người dân ở gần rừng nâng cao nhận thức, ý thức về phòng chống cháy, bảo vệ rừng, không vào rừng bắt ong, bắt cá thời điểm này. Đối với các khu vực có nguy cơ cháy rừng, chi cục đề nghị các địa phương tổ chức túc trực 24/24 giờ trong những ngày nắng nóng; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, dụng cụ, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” để chữa cháy kịp thời khi xảy ra cháy rừng.