Tìm hướng phát triển phù hợp cho Cồn Cỏ

Cồn Cỏ là huyện đảo cách đất liền khoảng hơn 18 hải lý về phía đông. Là huyện đảo nhỏ nhất nước với diện tích 2,3km2, dân số khoảng 400 người. Mặc dù diện tích không lớn nhưng Cồn Cỏ có vị trí chiến lược quan trọng án ngữ cửa ngõ phía nam vịnh Bắc Bộ và được ví như báu vật của biển.
0:00 / 0:00
0:00
Cồn Cỏ đẹp, hoang sơ, được ví như báu vật của biển.
Cồn Cỏ đẹp, hoang sơ, được ví như báu vật của biển.

Cồn Cỏ được xác định có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch, hòn đảo hoang sơ, chưa chịu sự tác động nhiều của con người, có nhiều nét đẹp khác biệt. Đảo được hình thành bởi hoạt động kiến tạo từ phun trào của núi lửa cách đây hơn bốn vạn năm, có giá trị về địa chất, sinh thái cảnh quan như một bảo tàng thiên nhiên với các thềm đá ba dan độc đáo dọc bờ biển, các bãi tắm nhỏ xinh xắn, mịn màng du khách mặc sức trải nghiệm.

Mùa du lịch ra huyện đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị năm 2023 được bắt đầu từ tháng 4. Huyện có hai tàu phục vụ du khách ra đảo mỗi ngày, đó là tàu “Cồn Cỏ Tourist” và tàu “Chín nghĩa Quảng Trị”. Mỗi chuyến tàu từ đất liền ra đảo thường bắt đầu ở cảng Cửa Việt vào khoảng 7 đến 8 giờ sáng các ngày trong tuần. Thời gian ra đảo mất từ 45 phút đến 1 tiếng, du khách ở lại đảo Cồn Cỏ một đêm rồi trở về đất liền vào ngày hôm sau.

Du khách đến Cồn Cỏ được trải nghiệm từ rừng xuống biển, được đắm mình trong làn nước trong veo với những rặng san hô đủ sắc mầu, được nghe câu chuyện lịch sử và văn hóa của đảo. Hấp dẫn hơn, Cồn Cỏ nằm trong hệ thống tam giác du lịch nổi tiếng Cồn Cỏ-Cửa Việt-Cửa Tùng, cho nên khi đến Quảng Trị, du khách sẽ có dịp để khám phá không chỉ Cồn Cỏ mà còn các địa điểm ven biển đẹp nổi tiếng của miền đất này cũng như các di tích quốc gia đặc biệt.

Với những tiềm năng, lợi thế đó, ngay từ khi thành lập huyện theo Nghị định 174/2004/NĐ-CP ngày 1/10/2004 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 18/4/2005, Chính phủ đã có chủ trương đặc thù cho huyện đảo Cồn Cỏ là phát triển kinh tế kết hợp với củng cố, bảo đảm quốc phòng-an ninh, trong đó ưu tiên xây dựng Cồn Cỏ trở thành hòn đảo du lịch biển.

Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ Võ Viết Cường, trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030, huyện đảo Cồn Cỏ tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các công trình đã được phê duyệt phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, trong đó tập trung vào hạ tầng du lịch. Song thực tế nếu mỗi ngày đón khoảng hơn 250 khách thì huyện Cồn Cỏ khó có thể bảo đảm đủ chỗ lưu trú.

Tuy nhiên, để phục vụ tốt cho lượng khách như trên thì Cồn Cỏ cần hình thành các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, chuyên biệt không bị trùng lặp với những nơi khác như: Du lịch lặn biển, du lịch câu cá, du lịch trải nghiệm gắn với xây dựng thương hiệu Cồn Cỏ.

Tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương trong tỉnh, nhất là giữa các điểm du lịch nhằm tạo ra các chuỗi tham quan hấp dẫn kết hợp giữa du lịch trên đất liền với đảo Cồn Cỏ để nâng cao hiệu quả khai thác các tour, tuyến.

Đi tìm sự phát triển phù hợp cho đảo Cồn Cỏ, các nhà nghiên cứu kinh tế du lịch cho rằng, Cồn Cỏ là báu vật của biển cho nên Quảng Trị không nên phát triển du lịch ở đây như hiện tại. Cần tập trung phát triển du lịch chất lượng cao, hạn chế số người ra đảo quá đông để góp phần bảo tồn sự hoang sơ cho hòn đảo.

Các nhà quản lý du lịch của tỉnh Quảng Trị cần nghĩ đến phương án quy hoạch phát triển, khai thác Cồn Cỏ theo một cách khác, độc, lạ hơn. Có mạnh dạn làm như vậy, Quảng Trị mới có được những sản phẩm du lịch đặc sắc, có sức cạnh tranh với các sản phẩm độc đáo của những trung tâm du lịch lớn khác trong nước.