Tìm hiểu về bệnh do liên cầu khuẩn ở lợn

Cơ chế gây bệnh

Cơ chế bệnh sinh của S.suis vẫn chưa được hiểu biết kỹ. Lợn con có thể bị nhiễm S.suis từ lợn mẹ qua tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc với phân, các chất thải và bài tiết khác. Nó cũng có thể xảy ra khi lợn con mới sinh hoặc do tiếp xúc giữa các cá thể bị bệnh trong đàn. Động vật bị nhiễm S.suis sẽ mang vi khuẩn ở amidal. Một số động vật nhiễm khuẩn chỉ biểu hiện dạng vãng khuẩn huyết và không bao giờ phát bệnh. Tuy nhiên, ở một số cá thể, vi khuẩn sẽ gây bệnh và biểu hiện bằng nhiễm khuẩn huyết, hoặc khi vi khuẩn di chuyển đến hệ thần kinh trung ương và gây viêm màng não.

S.suis type 1 hay gây dịch bệnh lẻ tẻ ở các đàn lợn dưới 8 tuần tuổi. Type 2 gây bệnh ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Cả hai type này đều cư trú ở amidal và không gây ra các biểu hiện lâm sàng.

Khả năng gây bệnh

Các thể bệnh nặng do S.suis gây ra ở lợn đã được thông báo ở tất cả các nước trên thế giới, nơi có ngành công nghiệp chế biến thịt lợn phát triển. Bệnh thường xảy ra ở các trang trại lớn nuôi lợn. Các điều kiện thuận lợi để bệnh tật phát sinh như chuồng trại chật chội, kém thông gió, nhiễm phân, rác ở chuồng trại. Vị trí cư trú bình thường của S.suis là ở đường hô hấp trên đặc biệt là ở mũi, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Ngoài ra, người ta cũng có thể phân lập được vi khuẩn này ở nhiều động vật khác nhau như các loài chim, và cả người. Điều này giải thích phạm vi dịch tễ học của nhiễm trùng do S.suis gây ra. Ở lợn, viêm màng não là biểu hiện bệnh lý quan trọng nhất.

Tuy nhiên, lợn cũng mắc nhiều bệnh khác nhau do S.suis gây ra, như viêm khớp, viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết... S.suis còn gây viêm đường sinh dục ở lợn mẹ. S.suis được coi là vi khuẩn gây bệnh và có ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến công nghiệp chăn nuôi lợn trên thế giới.

Các nghiên cứu về dịch tễ học cho thấy, S.suis type 2 có thể lây lan từ đàn lợn này sang đàn khác do sự di chuyển của một hoặc một số cá thể nào đó trong đàn. Tuy nhiên, một con đường lây lan khác rất hay gặp là thông qua ruồi. Ruồi có thể bay từ trang trại nọ sang trang trại kia và mang theo các tác nhân gây bệnh khác nhau bao gồm cả S.suis. Ngay trong một đàn, sự lây lan chủ yếu do tiếp xúc giữa các cá thể hoặc với chất thải nhiễm vi khuẩn. Tỷ lệ mang S.suis không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60-100%. S.suis dường như ít lây lan từ lợn mẹ sang lợn con trong quá trình mang thai. Vi khuẩn có thể tồn tại lâu trong phân, nước, rác. Như vậy, môi trường đóng vai trò quan trọng trong quá trình truyền bệnh của vi khuẩn. May mắn là, vi khuẩn dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn và tẩy rửa.

 Triệu chứng lâm sàng

Streptococcus suis type 1 chủ yếu gây các vụ dịch lẻ tẻ, lợn bị viêm đa khớp, đôi khi viêm màng não. Bệnh chủ yếu gặp ở lợn đang bú.

Streptococcus suis type 2 gây viêm màng não ở lợn lớn hơn. Thông thường, biểu hiện bệnh lý rất nặng, cấp tính và thường gây tử vong. Tỷ lệ mắc ở đàn lợn từ 2% đến 15% và đây là một vấn đề thường trực đối với các nhà chăn nuôi. Tại một số quốc gia, S.suis type 2 có thể gây viêm phổi cho lợn. Mặc dù vẫn chưa có bằng chứng chứng tỏ rằng đây là biểu hiện bệnh lý tiên phát. Ngoài ra, lợn có thể bị chết đột ngột do viêm cơ tim. Lợn nái có thể bị bệnh lý ở đường sinh dục, sảy thai. Các biểu hiện này gặp lẻ tẻ ở một số nước và khu vực. Tổn thương đa khớp và ảnh hưởng đến vận động là biểu hiện hay gặp.

Các trường hợp người mắc bệnh đã được thông báo ở các nước Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Bỉ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Úc, Hungari, Hồng Kông, Croatia, Nhật, Singapore, Đài Loan, New Zealand, Argentina và Trung Quốc. Những trường hợp này chủ yếu là công nhân những lò mổ, những người tiếp xúc và xử lý lợn hoặc thịt lợn bị nhiễm khuẩn. Các triệu chứng chủ yếu là sốt cao, nôn, xuất huyết, choáng, viêm màng não, viêm nội tâm mạc,... nhiều trường hợp dẫn tới tử vong.

Các tổn thương khác

Trên da lợn có thể có các mảng đỏ, sần. Các hạch lymphô bị sưng, sung huyết. Bao khớp dày lên, khớp bị sưng và có dịch. Màng não và não có thể bị tổn thương dạng phù nề, sung huyết, dịch não tủy đục. Xét nghiệm dịch não tủy có biểu hiện của một viêm màng não nhiễm khuẩn. Phổi bị tổn thương với nhiều dạng khác nhau như đông đặc, có mủ, viêm phế quản, viêm phổi...

Chẩn đoán

Các biểu hiện trên lâm sàng cũng như đặc điểm dịch tễ học có thể gợi ý nhiễm trùng do S.suis.

Phương pháp truyền thống là lấy bệnh phẩm ở amidal rồi nuôi cấy trên các môi trường thích hợp cho S.suis. Tuy nhiên, đây cũng là nơi cư trú của các chủng S.suis không có độc lực, và của các chủng liên cầu khác. Việc phát hiện các chủng S.suis có độc lực dựa vào hình thể khuẩn lạc trên môi trường là rất khó khăn. Để tăng cường khả năng phát hiện vi khuẩn này cũng như hạn chế những nhược điểm của việc chẩn đoán dựa vào hình thể khuẩn lạc, các kỹ thuật chẩn đoán dựa vào phân loại bằng các kháng huyết thanh đặc hiệu và phân tách bằng miễn dịch đã được phát triển. Tuy nhiên, các kỹ thuật này mới được dùng chủ yếu cho type 1/2 và type 2. Ngoài ra, chúng đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức nhưng độ nhạy trong chẩn đoán lại không cao. Nhờ những tiến bộ của các phương pháp sinh học phân tử, người ta đã tìm ra hơn 946 trình tự AND của S.suis trong ngân hàng dữ liệu (NCBI ngày 3/8/2005).

Điều trị và kiểm soát

Việc phòng ngừa và kiểm soát các đàn lợn bị viêm màng não do S.suis type 2 có ý nghĩa rất quan trọng. Việc ngăn ngừa sự lây lan từ cá thể khỏe mạnh mang S.suis sang cho đàn là không khả thi vì các cá thể có thể mang vi khuẩn thể không có triệu chứng. Cho tới nay, chưa có một phương pháp xét nghiệm nào đủ độ nhạy và độ đặc hiệu để phát hiện các cá thể mang S.suis. Thêm vào đó, việc kiểm soát và ngăn chặn lây nhiễm qua ruồi là rất khó khăn. Một vấn đề nan giải khác là khả năng đột biến của các chủng không hoặc ít độc lực thành các chủng có độc lực hoặc độc lực cao là có thể xảy ra. Một khi đàn lợn bị nhiễm các chủng S.suis có độc lực thì nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Lúc đó, việc tiêm phòng vaccine cũng như các biện pháp ngăn chặn khác sẽ không có hiệu quả. Cho tới nay, đã có vaccine sản xuất từ vi khuẩn bị làm chết, vi khuẩn còn sống nhưng bị giảm độc lực, vaccine điều chế từ protein của vi khuẩn. Tuy nhiên, hiệu quả của các vaccine này vẫn chưa được chứng minh cụ thể. Vệ sinh chuồng trại làm giảm nguy cơ lây nhiễm từ môi trường, tăng sức đề kháng của đàn lợn có vai trò quan trọng. Kháng sinh được dùng phổ biến trong phòng bệnh bằng đường uống hoặc tiêm. Cho tới nay, nhiều nghiên cứu cho thấy S.suis đề kháng cao với tetracyclin và sulfonamid. Nhiều chủng nhạy cảm với penicillin. Tuy nhiên, nguy cơ đề kháng với kháng sinh này là rất lớn.

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Trung
Bộ môn Vi sinh y học, Đại học y Hà Nội