Tại Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Ðể đạt được mục tiêu này, Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam sẽ cần khoảng 380 tỷ USD. Do đó, Việt Nam đang tích cực triển khai lộ trình sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh và khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, chuyển dịch năng lượng, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải các-bon thấp.
Xu thế tất yếu
Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút nhiều nguồn vốn xanh từ quốc tế. Tính riêng trong hai năm 2021 và 2022, đã có hơn 7 tỷ USD nguồn vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam, phần lớn dành cấp cho các dự án xanh nhằm giảm thiểu tác hại với môi trường và hạn chế phát thải. Theo nhận định của Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư, Nguyễn Thị Bích Ngọc, việc chuyển hướng sang phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu. Mục tiêu mà Việt Nam đang hướng đến nhằm thực hiện định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; đồng thời tạo cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển mới của thế giới.
Cũng chính vì xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, Việt Nam đã và đang tích cực triển khai lộ trình sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh và khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải các-bon thấp. Tại Báo cáo về "Thị trường tài chính Việt Nam 2022 và triển vọng 2023", các chuyên gia Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhìn nhận, các cơ chế, chính sách cho thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đang được dần hoàn thiện với từng loại công cụ như trái phiếu xanh-xã hội-bền vững (GSS), cổ phiếu xanh, thị trường các-bon, tín dụng xanh.
Báo cáo cũng nêu rõ, tài chính xanh đang là xu hướng lớn trên toàn thế giới với sự vào cuộc của các tổ chức tài chính quốc tế, Chính phủ các nước cũng như hệ thống tài chính từng quốc gia, khu vực. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó khi đang thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và chứng kiến thị trường tài chính xanh phát triển nhanh hơn trong thời gian gần đây.
Những kết quả của thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu thu hút được nguồn vốn trái phiếu xanh trên thị trường quốc tế, các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận các nguồn vốn quốc tế cho tín dụng xanh, ban hành các quy định nội bộ về khung tín dụng xanh… "Trong tương lai, Việt Nam hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nguồn vốn xanh quốc tế với môi trường pháp lý đang được hoàn thiện, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp cũng đang nỗ lực để kinh doanh tuần hoàn, phát triển tài chính xanh nhiều hơn, hiệu quả hơn nhằm huy động nguồn lực đầu tư phát triển và hội nhập quốc tế về phát triển bền vững", các chuyên gia kinh tế đến từ ADB và BIDV đánh giá.
Hoàn thiện khung pháp lý
Môi trường pháp lý tương đối mở với các sản phẩm tài chính xanh tại Việt Nam và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động nguồn vốn xanh trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc triển khai tín dụng xanh, trái phiếu xanh theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 vẫn đang chờ hướng dẫn chi tiết hơn.
Bên cạnh đó, đánh giá từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, khung pháp lý về tăng trưởng xanh đang ngày càng được hoàn thiện ở cấp trung ương, nhưng ở cấp địa phương vẫn ở giai đoạn sơ khởi. Việc xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đầy đủ, đồng bộ, tập trung là rất cần thiết để hỗ trợ các địa phương trong việc lựa chọn, đánh giá nhà đầu tư, dự án tiềm năng sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, nhất là trong các ngành, lĩnh vực Việt Nam ưu tiên phát triển, có lợi thế so sánh, phát thải các-bon cao như nông nghiệp, du lịch, năng lượng,…
Ngoài ra, mức độ hiểu biết quy định về môi trường của doanh nghiệp Việt Nam hiện cũng mới ở giai đoạn đầu, chỉ 31% số doanh nghiệp tư nhân trong nước cho biết nắm được các quy định về môi trường. Về mức độ đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên cũng chỉ diễn ra ở khoảng một nửa số doanh nghiệp trong lĩnh vực thâm dụng năng lượng như sản xuất, vận tải, xây dựng.
Do vậy, để phát triển tài chính xanh tại Việt Nam, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Ðào tạo và Nghiên cứu BIDV, đại diện cho nhóm chuyên gia đến từ ADB và BIDV đã đề xuất các nhóm giải pháp chính: Ðẩy nhanh hoàn thiện cơ chế, chính sách, kể cả cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh và tín dụng xanh; Xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn chứng khoán xanh, tín dụng xanh để các chủ thể nhất quán áp dụng; Ðối với thị trường tín chỉ các-bon, cần phát triển, hoàn thiện Sàn giao dịch tín chỉ carbon, các sản phẩm giao dịch (tín chỉ các-bon bắt buộc/tự nguyện quốc tế, tín chỉ các-bon nội địa tuân thủ các tiêu chuẩn của Việt Nam), thành viên thị trường và môi giới giao dịch, đối tượng giao dịch,… Phát triển hạ tầng công nghệ, dữ liệu, thị trường thứ cấp và kể cả phái sinh cho những sản phẩm xanh này về lâu dài; Truyền thông, hướng dẫn bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức và hành động.
Phó Viện trưởng Chiến lược ngân hàng, Phạm Minh Tú cũng đề xuất: Cần định nghĩa bao quát hơn về tăng trưởng xanh, định hướng xanh hóa nền kinh tế, không chỉ dừng ở riêng tín dụng xanh, nhất là khi ngành ngân hàng đang chuyển đổi số mạnh mẽ, nhiều nghiệp vụ, sản phẩm đã số hóa 100%. Dù tăng trưởng xanh đang là xu hướng chung, nhưng để vận hành được, cần nghiên cứu thêm về các mô hình như thành lập ngân hàng xanh chuyên biệt hoặc quỹ đầu tư xanh,... là kênh hấp thụ tất cả các dòng vốn phục vụ tăng trưởng xanh, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức triển khai dự án xanh,...