Nạn khai thác đất san lấp mặt bằng trái phép đã để lại nhiều hệ lụy như nguy cơ sạt lở trong mùa mưa có vị trí lại tạo thành vực sâu nguy hiểm cho người qua lại; gây thất thoát nguồn tài nguyên…
Diễn biến phức tạp
Tận dụng khu vực vùng sâu, bị cây cao su, điều che khuất, nơi giáp ranh giữa xã Thanh An với xã An Khương (huyện Hớn Quản), mới đây, các đối tượng đã lén lút khai thác đất, sỏi phún đưa đi tiêu thụ. Khu vực khai thác là quả đồi lớn, đã bị đối tượng đưa máy cuốc vào múc nham nhở gần nửa quả đồi. Chỉ khi phóng viên vào ghi hình, máy cuốc mới ngừng hoạt động và rời khỏi hiện trường. Không chỉ khu vực vùng sâu, vùng xa, giáp ranh mà nhiều khu vực khác trên địa bàn huyện Hớn Quản, các đối tượng đã viện cớ hạ độ cao để làm nền xây dựng công trình hoặc san lấp mặt bằng để buôn bán, múc đất đưa đi tiêu thụ. Điều đáng nói, không chỉ khu vực đồi núi cao mà cả ruộng lúa của người dân, các đối tượng cũng lén lút múc đất sét với khối lượng lớn.
Chấn chỉnh tình trạng nêu trên, địa phương đã ban hành nhiều kế hoạch, ra quân tuyên truyền, nắm bắt thông tin từ người dân, chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra cũng như xử lý quyết liệt. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn có tình trạng khai thác đất trái phép, diễn ra lén lút vào thứ bảy, chủ nhật và cả ban đêm. Năm 2023, Ủy ban nhân dân xã An Khương, huyện Hớn Quản đã xử lý bốn trường hợp khai thác đất trái phép làm hủy hoại địa hình với số tiền 14 triệu đồng; từ đầu năm 2024 đến nay xử lý một trường hợp với 3,5 triệu đồng.
Còn tại xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, dọc tuyến đường Sao Bọng-Đăng Hà (tuyến kết nối Bình Phước với tỉnh Lâm Đồng), nhiều hiện trường của nạn khai thác đất trái phép là những vạt đất bị múc sâu xuống hoặc những quả đồi bị bạt đi nhiều phần xuất hiện. Trước đó vào năm 2023, tại Thôn 3, xã Đăng Hà cũng đã xuất hiện tình trạng khai thác đất quy mô rất lớn. Việc khai thác đất lậu đã xé toang gần nửa quả đồi ngay bên tuyến đường nhựa và sát vách nhà các hộ dân phía dưới. Do khai thác đất quá mức nên khi mưa xuống kéo theo lượng lớn bùn đất tràn ra đường, chảy vào vườn rẫy của một số hộ dân. Vụ việc này đã bị lực lượng chức năng xử phạt hành chính. Ông Vũ Ngọc Đỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăng Hà cho biết, từ năm 2023 đến nay đã xử phạt ba trường hợp, trong đó Ủy ban nhân dân huyện xử phạt một trường hợp 25 triệu đồng; Ủy ban nhân dân xã xử phạt hai trường hợp, mỗi trường hợp 3,5 triệu đồng.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước, trong những năm qua, đơn vị thường xuyên nắm tình hình, tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân để kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định đối với trường hợp khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép (chủ yếu là vật liệu san lấp) vẫn còn diễn ra ở một số địa phương, làm thất thu ngân sách nhà nước. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu cấp thiết của người dân về đất để san lấp mặt bằng, xây dựng nhà ở, công trình; trong khi việc xin cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản tốn rất nhiều thời gian, chi phí, từ đó nhiều trường hợp tự ý khai thác trái phép. Các trường hợp khai thác trái phép phát sinh manh mún, nhỏ lẻ, thời gian khai thác không cố định, chủ yếu diễn ra vào ngày nghỉ, ngày lễ, ban đêm, gây khó khăn cho công tác quản lý và thanh, kiểm tra. Trong khi đó, việc thanh tra, kiểm tra chủ yếu dựa vào phản ánh của người dân, khi đoàn thanh tra đến kiểm tra thì đối tượng, phương tiện khai thác trái phép đã rời khỏi hiện trường.
Trước tình trạng khai thác khoáng sản mà nhất là đất san lấp mặt bằng trái phép, từ năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND ngày 31/3/2022 quy định về quản lý, bảo vệ và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước; Quyết định nêu rõ khi phát hiện khai thác, chế biến, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép xảy ra trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp xã phải chỉ đạo lực lượng chức năng đến hiện trường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi trái phép; báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý và Sở Tài nguyên và Môi trường, thông tin báo cáo phải bảo đảm chính xác. Nếu vụ việc vượt quá thẩm quyền giải quyết thì phải có phương án đề xuất, kiến nghị. Khi nhận được thông tin từ Ủy ban nhân dân cấp xã, thì Ủy ban nhân dân cấp huyện phải chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, bằng mọi biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm được giao; báo cáo kết quả thực hiện lên cấp trên. Trường hợp các hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền giải quyết, kèm theo báo cáo phải có phương án đề xuất, kiến nghị.
Tuy nhiên, do địa bàn rộng, khu vực khai thác vật liệu xây dựng thường xa trung tâm, thời gian khai thác không cố định, chủ yếu vào ngày nghỉ, lễ nên lực lượng chức năng rất bị động. Đáng chú ý, các đối tượng luôn bố trí người canh tại các ngã ba, ngã tư, khi thấy lực lượng chức năng đi kiểm tra thì lập tức cảnh báo thu hồi phương tiện, máy móc và nhanh chóng tẩu tán khỏi hiện trường. Mặt khác, nhu cầu về san lấp mặt bằng, xây dựng nhà ở nhiều, trong khi địa phương chưa quy hoạch được khu khai thác đất tập trung.
Để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền địa phương ngoài việc triển khai quyết liệt các giải pháp, thì cần phát huy hơn nữa tinh thần tố giác tội phạm ở các khu dân cư, nếu có hoạt động khai thác đất phải báo ngay cho xã để xử lý và xem đây là chỉ tiêu thi đua hằng năm. Ngoài ra, lực lượng chức năng cần bố trí lực lượng tuần tra, khi phát hiện thì chụp hình biển số phương tiện, hiện trạng khu đất bị khai thác, sau đó mời lên làm việc xác định chủ đất, chủ phương tiện để có giải pháp ngăn chặn, xử lý. Về lâu dài, tỉnh cần xem xét, tham mưu cấp phép cho nhiều đơn vị có chức năng khai thác sỏi phún, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương như san lấp mặt bằng, làm đường giao thông, xây dựng nhà ở. Từ đó, người dân, doanh nghiệp thực hiện theo đúng các quy định pháp luật, mua được sỏi phún có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng ■