Tìm giải pháp phát triển bền vững ngành quế Việt Nam

NDO - Trồng quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương. Mặc dù vậy, theo đánh giá các chuyên gia, tiềm năng lợi thế của ngành quế chưa phát huy tương xứng.
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ 3 trên toàn thế giới.
Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ 3 trên toàn thế giới.

Đây là một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận tại hội thảo “Phát triển bền vững ngành quế Việt Nam” do Cục lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD), tổ chức IDH, và Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) phối hợp tổ chức sáng 15/11.

Hội thảo nhằm giới thiệu và ra mắt Nhóm công tác Đối tác công tư (PPP) về Hồ tiêu và Gia vị, Tiểu ban ngành hàng quế; thảo luận về hiện trạng và giải pháp phát triển ngành hàng quế Việt Nam; cập nhật các xu thế mới của thị trường EU và Mỹ; đồng thời đưa ra chiến lược cho Nhóm PPP giai đoạn 2024-2025, tầm nhìn 2030 và thảo luận về vai trò của khối công, khối tư và các tổ chức, chương trình dự án trong việc thực hiện chiến lược PPP.

Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và xuất khẩu quế hồi

Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái cho biết: Trong phát triển kinh tế lâm nghiệp tại tỉnh Yên Bái, cây quế được xác định là loài cây trồng mũi nhọn, là cây đa tác dụng có giá trị kinh tế cao và ổn định.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 16 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế với quy mô tương đối lớn sử dụng công nghệ lò hơi để chiết xuất tinh dầu, tổng công suất là 1.000 tấn sản phẩm tinh dầu/năm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các sản phẩm tinh dầu quế mà các nhà máy sản xuất ra mới chỉ là sản phẩm tinh dầu thô (hàm lượng tinh dầu quế đạt 82-85%), có giá trị thấp khoảng từ 550- 650 nghìn đồng/kg. Sản phẩm tinh dầu quế này sau khi xuất khẩu, tiếp tục được tinh chế thành các loại tinh dầu có giá trị sử dụng cao, được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp y dược, công nghiệp chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, hương liệu. Quế vỏ và phần lớn tinh dầu quế của tỉnh Yên Bái chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ, Ấn Độ... Còn các sản phẩm chế biến đồ thủ công mỹ nghệ, bột quế... chủ yếu phục vụ cho nhu cầu trong nước.

Về tiềm năng thị trường thì hiện nay nhu cầu sử dụng tinh dầu quế trên thế giới là rất lớn và luôn ở mức cung không đủ cầu. Nguyên nhân là do cây quế chỉ trồng phổ biến ở một vài nước châu Á như: Sri Lanka, Lào... nhưng sản lượng tập trung lớn nhất lại là Việt Nam, mà ở Việt Nam thì chỉ có một số huyện của tỉnh Quảng Nam và tỉnh Yên Bái trồng nhiều nhất và cho sản phẩm có hàm lượng tinh dầu cao.

Tìm giải pháp phát triển bền vững ngành quế Việt Nam ảnh 1

Quế vỏ và phần lớn tinh dầu quế của tỉnh Yên Bái chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ, Ấn Độ...

Các sản phẩm từ quế là một trong những sản phẩm chính tham gia vào thị trường xuất khẩu nông - lâm sản của tỉnh Yên Bái, ngoài tinh dầu quế thì một số sản phẩm khác đã được sản xuất từ quế có xu hướng phát triển như: Trà quế, nước tẩy rửa quế, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ quà lưu niệm...

Với quy mô phát triển rộng khắp các huyện vùng thấp, chiếm trên 32% diện tích rừng trồng toàn tỉnh, có thể nói tiềm năng phát triển đối với ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ quế là rất lớn; đặc biệt đối với công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm quế sẽ là thị trường thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư phát triển trong thời gian tới.

Theo báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ 3 trên toàn thế giới, chiếm 17% thị phần quế trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu quế năm 2022 đạt khoảng 300 triệu USD.

Với diện tích khoảng 180.000 ha, trồng quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.

Chưa phát huy hết lợi thế, tiềm năng ngành quế hồi trong nước

Mặc dù vậy, chia sẻ tại hội thảo ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho rằng tiềm năng lợi thế của ngành quế chưa phát huy tương xứng. Nguyên nhân do tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị chưa có, kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế, bảo quản vẫn còn yếu.

Bên cạnh đó, vẫn thiếu các sản phẩm quế chất lượng cao. Ngoài ra, bên cạnh các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, nhưng muốn vào thị trường EU, chất lượng quế phải cao và đáp ứng quy định không gây mất rừng do Ủy ban châu Âu (EC). Đây là điều người dân phải chú ý trong tổ chức sản xuất cây quế.

Tìm giải pháp phát triển bền vững ngành quế Việt Nam ảnh 2

Ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho rằng tiềm năng lợi thế của ngành quế chưa phát huy tương xứng.

Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) - chia sẻ, năm 2022 Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới về sản lượng quế, chiếm 17% và là nước xuất khẩu quế số 1 trên thế giới với kim ngạch đạt 292,2 triệu USD. Đã có một số doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến quế hiện đại, đặc biệt là một số doanh nghiệp của FDI, tuy nhiên vẫn chưa đủ so với cả ngành quế Việt Nam. Hiện thị trường xuất khẩu quế chính của Việt Nam là Ấn Độ, Hoa Kỳ, Bangladesh, Brazil, Indonesia.

Các vấn đề của ngành quế Việt Nam, bà Hoàng Thị Liên cho hay, Việt Nam chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững ở cấp quốc gia; thiếu cơ chế để đưa ra những nghiên cứu nhằm kịp thời phản hồi yêu cầu của thị trường; tồn dư hóa chất glyphosate (có trong thuốc trừ cỏ) và hoạt chất chlorpyrifos (có trong thuốc trừ sâu) và hàm lượng kim loại: chì và thủy ngân; chất lượng cây giống còn bỏ ngỏ, chưa có nghiên cứu giống đầu dòng; chưa có một tổ chức làm đầu mối kết nối các tổ chức lại với nhau dẫn tới các chương trình hoạt động mang tính riêng lẻ.

Tổ chức liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng quế còn chưa phát triển mặc dù Việt Nam có hơn 600 công ty hoạt động trong lĩnh vực gia vị nhưng chủ yếu làm thương mại. Chuỗi cung ứng chưa được tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đặc biệt là việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để kết nối với các doanh nghiệp.

Thiếu công nghệ và vốn để đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; năng lực kỹ thuật chuyên sâu của khuyến nông - lâm chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, thiếu chuyên gia và tài liệu.

Chưa có các nghiên cứu đánh giá tiềm năng khác từ quế để thúc đẩy giải pháp gia tăng giá trị, ví dụ như về thị trường các bon, giá trị các sản phẩm phụ từ quế…

Tình trạng sâu bệnh xảy ra với cây quế và tình trạng khai thác không hợp lý, tận thu quá mức như: Khai thác trắng cả những diện tích quế còn non; chặt cây tỉa cành không khoa học...

Diện tích quế hữu cơ bắt đầu phát triển nhưng còn rất ít, dưới 7% tổng diện tích, sản phẩm chưa đa dạng.

Đưa ra định hướng phát triển ngành quế, ông Triệu Văn Lực cũng cho rằng, cần xác định quỹ đất, quy mô vùng trồng; Hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế đặc thù cho quế; Nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất giống cây Quế; Phát triển vùng nguyên liệu; Tổ chức sản xuất, phát triển cơ sở sơ chế, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tham gia hội thảo, bà Laura Shumow - Giám đốc điều hành, Hiệp hội thương mại gia vị Hoa Kỳ (ASTA) đã cập nhật các quy định mới liên quan đến xuất khẩu quế vào thị trường Hoa Kỳ.

Đại diện Diễn đàn Sáng kiến gia vị bền vững (SSI) đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về các yêu cầu mới của châu Âu khi nhập khẩu quế như quy định liên quan đến “Thẩm định doanh nghiệp”(Due Diligence).

Bên cạnh đó các doanh nghiệp trong nước cũng chia sẻ nhiều mô hình liên kết nông dân trong việc xây dựng chuỗi giá trị quế với những khó khăn và đề xuất can thiệp.

Tại hội thảo, Cục Lâm Nghiệp đã đọc Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh Nhóm công tác Đối tác công tư (PPP) về Hồ tiêu thành Nhóm công tác Đối tác công tư (PPP) về Hồ tiêu và Gia vị; đồng thời giới thiệu các đồng chủ trì của Nhóm PPP tiểu ban ngành hàng quế.