Mở cửa xuất khẩu quế ở Lào Cai

Lào Cai có hơn 53 nghìn héc-ta quế, được trồng tại 100 xã, phường, thị trấn của tỉnh, trong đó vùng trọng điểm quế tại các huyện vùng thấp như Bảo Yên, Bắc Hà, Văn Bàn và Bảo Thắng, với hơn 48 nghìn héc-ta. Nhờ có sự tham gia của doanh nghiệp và hình thành các hợp tác xã đã thúc đẩy liên kết giữa hộ nông dân tạo vùng nguyên liệu bền vững và mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định sản phẩm từ cây quế.
0:00 / 0:00
0:00
Chế biến quế tươi xuất khẩu ở HTX Tâm Hợi, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Chế biến quế tươi xuất khẩu ở HTX Tâm Hợi, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Những ngày này, đến với Hợp tác xã (HTX) Tâm Hợi tại thôn Làng Chưng, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, ấn tượng với chúng tôi không chỉ tấp nập những chuyến xe gắn máy chở đầy vỏ quế tươi bán cho HTX, mà nơi đây còn đang nhộn nhịp âm thanh tiếng máy, cạo vỏ quế, tiếng cười của những công nhân miệt mài lao động.

Chị Tạ Thị Hợi, Giám đốc HTX Tâm Hợi cho biết: Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm, mong muốn đưa sản phẩm quế quê hương vươn xa hơn, năm 2021, HTX Tâm Hợi được thành lập, với 21 thành viên. Những ngày đầu thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn, như cách thức sản xuất, điều hành, công nhân thiếu, nhà xưởng, kho bãi và nhất là việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Thế nhưng bằng sự chung sức đồng lòng của các thành viên, HTX từng bước xây dựng cơ sở, vừa tổ chức các khâu sản xuất, vừa tìm khách hàng để có đầu ra cho sản phẩm. “Hiện đơn vị liên kết với Công ty TNHH MTV sản vật nhiệt đới Việt Nam để ký kết bao tiêu tất cả các sản phẩm quế với giá thị trường phù hợp, từ đó nông dân tập trung trồng, chăm sóc thu hoạch quế theo tiêu chuẩn sạch, an toàn”, chị Hợi nhấn mạnh.

Hiện nay, HTX Tâm Hợi đã ký hợp đồng liên kết với năm tổ, nhóm nông dân (Tổ hợp tác) trồng quế với 97 thành viên. HTX cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm quế của các thành viên, với tổng diện tích 500ha, sản lượng ước đạt từ 2.500-3.000 tấn quế tươi/năm; ký hợp đồng liên kết với Công ty quế hồi Bảo Thắng chế biến các sản phẩm quế xuất khẩu thị trường quốc tế để tiêu thụ sản phẩm quế cho nông dân. Hằng năm, bao tiêu sản phẩm cho khoảng hơn 600ha quế, sản lượng từ 2.800-3.000 tấn quế tươi cho hơn 100 hộ gia đình trồng quế trên địa bàn (ngoài năm tổ, nhóm nông dân).

Để nâng cao năng lực sản xuất, HTX Tâm Hợi đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ quy trình bào vỏ, cắt, đóng túi và đóng hộp; từ đó, nâng cao chất lượng các sản phẩm như: Quế ống sáo, quế điếu thuốc, quế sáo vụn, quế sáo xèo, quế chẻ thanh, quế vụn đen, bột quế… Hiện tại, HTX Tâm Hợi đã mở rộng thị trường xuất khẩu sang chín nước như: Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Bangladesh, Dubai, Liban, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, với doanh thu 80 tỷ đồng.

Để tiếp cận được các thị trường cao cấp, khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, HTX đang triển khai áp dụng quy trình trồng quế hữu cơ, với diện tích 1.500ha tại các huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Bắc Hà, Bảo Thắng... Sau hơn ba năm đi vào hoạt động, HTX Tâm Hợi không ngừng mở rộng về quy mô sản xuất nhà xưởng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 50 lao động địa phương, lúc cao điểm lên khoảng 70 người, với mức thu nhập bình quân từ 6 triệu - 8 triệu đồng/tháng và hàng nghìn lao động ở nông thôn, vùng trồng quế nguyên liệu.

Anh Nguyễn Văn Lợi, thôn Tả Hà 4, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng cho biết: Gia đình có 20ha quế hơn chục năm tuổi, hiện đã cho thu hoạch, được HTX Tâm Hợi thu mua sản phẩm quế tươi, với giá dao động từ 18 nghìn - 24 nghìn đồng/kg. Từ đầu vụ đến nay, gia đình đã bán được hơn 10 tấn quế tươi, thu về hơn 200 triệu đồng.

Bằng sự chủ động, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất gắn với khai thác sản phẩm thế mạnh, chủ lực của địa phương, HTX Tâm Hợi đã góp phần nâng cao giá trị nông sản, tạo việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các thành viên.