Các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị. Đại diện nhiều tỉnh, thành phố phía nam cùng dự.
Theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, qua đánh giá thực trạng công tác giám sát, phản biện xã hội cho thấy, công tác này có nhiều chuyển biến, tiến bộ và đạt được các kết quả đáng ghi nhận.
Theo đó, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã dành sự quan tâm xây dựng và ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Trung ương đã ban hành cơ chế, bố trí cán bộ, kinh phí, tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho công tác giám sát, phản biện xã hội.
Trong quá trình hoạt động, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã lựa chọn nhiều nội dung, đổi mới phương pháp tiến hành giám sát, phản biện xã hội nhằm nâng cao hiệu lực công tác giám sát, phản biện, nhờ đó, chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân ngày càng được thể hiện rõ nét, góp phần quan trọng vào đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội, thúc đẩy thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, được các cấp ủy Đảng, cơ quan nhà nước, các cấp, ngành và nhân dân đánh giá cao.
Tuy vậy, nhiều ý kiến tại hội thảo cũng chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại trong công tác giám sát, phản biện xã hội thời gian qua.
Đơn cử, việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết, Quy chế, Quy định của Đảng chủ yếu là lồng ghép. Một số cấp ủy chưa quan tâm đến giám sát, kiểm tra việc thực hiện, đánh giá việc thực hiện hằng năm; còn biểu hiện “khoán trắng” hoặc tác động làm hạn chế đến kết quả, nội dung giám sát, phản biện xã hội.
Việc xác định, lựa chọn nội dung giám sát, phản biện xã hội còn nhiều hạn chế, lúng túng, nhiều nơi còn thụ động trông chờ sự chỉ đạo của cấp ủy và đề xuất của các cơ quan Nhà nước.
Phát biểu tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, công tác giám sát, phản biện xã hội cần có cơ sở thực tiễn, đánh giá đúng thực trạng để công tác này có hiệu quả hơn, sát với tình hình thực tiễn của các địa phương.